Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-01-2016 8:52am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Chất lượng không khí và kết quả IVF
 
Nhiều nghiên cứu chứng minh sự phát triển của giao tử (tinh trùng, noãn) và sự phát triển của phôi rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng với các tác nhân sinh học gây độc luôn có trong không khí. Các tác nhân này ảnh hưởng đến sự thụ tinh, sự phát triển của phôi, khả năng làm tổ và có thể đến sự phát triển của trẻ sau này. Nhiều báo cáo cho thấy đầu tư các công nghệ kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ có thai và giảm tỉ lệ sẩy thai trong IVF.
 
Do đó việc kiểm soát chất lượng không khí là rất quan trọng và ở nhiều nước trên thế giới đã có qui định tiêu chuẩn không khí trong lab IVF.

 
Các tác nhân sinh học có tính độc với giao tử và phôi
 
Vi khuẩn, bào tử nấm mốc, virus… có thể bám vào các hạt tự do, tồn tại lơ lững trong không khí. Các tác nhân này có thể bay vào khu vực thao tác, vào tủ nuôi cấy phôi, các giọt môi trường nuôi cấy và ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc làm ngưng sự phát triển của phôi. Các hạt tự do có thể được lọc bằng các màng lọc HEPA nếu khu vực IVF được thiết kế các màng lọc và hệ thống lưu thông khí phù hợp.
 
Các tạp chất sinh học bay hơi trong không khí (VOC) có thể xuất phát từ các vật liệu xây dựng, sơn tường, các thiết bị phòng thí nghiệm, bàn ghế, các dụng cụ plastic, hoá chất sát khuẩn… Rất nhiều tạp chất bay hơi này đã được chứng minh là độc với giao tử và phôi. Vấn đề khó khăn là phân tử các tạp chất này có ở mọi nơi trong lab IVF, kích thước rất nhỏ, không lọc được bằng các màng lọc tiêu chuẩn.  Nhiều công nghệ được áp dụng để lọc VOC không khí trong lab IVF: than hoạt tính, lọc bằng cơ chế phản ứng hoá học…
 
Hệ thống “clean room” và các qui trình đi kèm
 
Hệ thống “clean room” là một hệ thống kiểm soát không khí riêng biệt cho khu vực IVF. Hệ thống này khá phức tạp bao gồm các ống dẫn và bơm hút đẩy giúp lưu thông khí liên tục; hệ thống lọc khí phối hợp màng lọc và các công nghệ khác; tính toán chênh lệch áp lực các khu vực một cách phù hợp để đảm bảo chất lượng không khí cao nhất ở những khu vực kỹ thuật quan trọng và nhạy cảm nhất; các thiết bị như air-shower, pass-box…
 
Ngoài hệ thống “clean room” các trung tâm còn phải triển khai nhiều hoạt động khác để đảm bảo tối ưu chất lượng không khí: đào tạo nâng cao nhận thức nhân viên, kiến thức về lưu thông không khí và các kỹ thuật kiểm soát kiểm soát chất lượng không khí; đo đạc định kỳ và xử lý các chỉ số chất lượng không khí; các qui trình chuẩn trong thao tác hàng ngày để đảm bảo chất lượng không khí …
 
Nói chung, việc đầu tư cả “phần cứng” và “phần mềm” để đảm bảo chất lượng không khí tốt nhất cho giao tử và phôi trong lab IVF là rất tốn kém, liên tục và lâu dài. Điều này khiến nhiều trung tâm IVF không đầu tư đúng mức cho việc này. Ngoài ra, một số trung tâm đã xây dựng và hoạt động nhiều năm trước, không thể tạm ngưng thời gian dài để xây dựng lại hệ thống “clean room” hoàn chỉnh. Điều này là một torng những yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả IVF thấp không ổn định.
 
Tình hình Việt Nam
 
Năm 2009, trung tâm IVFAS là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ”clean room” cho lab IVF. Kết quả cho thấy là IVFAS trở thành một trong những trung tâm IVF có kết quả cao và ổn định nhất. Một số trung tâm IVF sau đó cũng đã học tập mô hình này và đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng không khí nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế cho khu vực IVF như: IVF Mekong (BV Phương Châu, Cần Thơ) và IVFMD (BV Mỹ Đức TPHCM). Đồng thời, các qui trình và những “phần mềm” quan trọng cũng đã được các trung tâm đầu tư để theo dõi, điều chỉnh liên tục, kịp thời, đảm bảo chất lượng không khí tốt nhất cho giao tử và phôi trong IVF.
 
Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á trong xu hướng này. Hiện nay, clean room và các qui trình kiểm soát chất lượng không khí đã dần trở thành tiêu chuẩn và được các trung tâm IVF mới, hiện đại trong khu vực và trên thế giới áp dụng. Người bệnh cần quan tâm đến các tiêu chuẩn và qui trình kiểm soát chất lượng không khí ở các trung tâm IVF như là một trong những yếu tố quan trọng để chọn lựa cơ sở điều trị.
 
 Tài liệu tham khảo
 
Esteves S và Bento F. Implementation of cleanroom technology in reproductive laboratories: the question is not why but how. Reproductive BioMedicine Online (2016) 32,9–11
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK