Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-12-2015 2:31am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Mọi người thường cho rằng có con là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời con người. Tuy nhiên, nghiên cứu mới lại cho thấy rất nhiều cặp cha mẹ trở nên không hạnh phúc sau khi đứa con đầu tiên của họ ra đời, và điều này có thể ngăn cản họ sinh thêm con.


Trong nghiên cứu, hơn 70% các bậc phụ huynh báo cáo sự suy giảm hạnh phúc sau khi đứa con đầu lòng của họ chào đời.

Rachel Margolis, đến từ Đại học Westren Ontario ở Canada và Mikko Myrskylä, đến từ Viện Nghiên cứu Dịch tễ Max Planck ở Đức, công bố các phát hiện của họ trên tờ báo “Demography”.

Mục đích của nghiên cứu này là mong muốn đạt được một hiểu biết rõ hơn về việc tại sao một vài cặp cha mẹ dừng việc sinh thêm con.

Theo số liệu mới nhất từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, số lượng các gia đình chỉ có 1 con tại Hoa Kỳ gia tăng một cách rõ rệt trong những năm gần đây. Hiện nay, hơn 15 triệu gia đình Hoa Kỳ chỉ có 1 đứa con. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một số yếu tố xã hội và dịch tễ quan trọng có thể đóng vai trò chính yếu trong quyết định của các cặp cha mẹ cho việc có thêm con. Chẳng hạn như, các nghiên cứu trước đây cho thấy phụ nữ ngày càng có nhu cầu phát triển sự nghiệp hơn, điều này có nghĩa là ngày càng nhiều phụ nữ tập trung vào công việc hơn việc sinh con.

Tuy nhiên, Margolis và Myrskylä cho rằng chưa có bất kỳ nghiên cứu định lượng nào điều tra về ảnh hưởng của các trải nghiệm khi có đứa con đầu tiên đến mong muốn có thêm con của các cặp cha mẹ. Các tác giả cho rằng đối với các cặp mới làm cha mẹ, những trải nghiệm khi chuyển qua giai đoạn làm cha mẹ có thể đưa tới quyết định về việc có thêm con nữa hay không. “Nếu việc có đứa con đầu tiên là 1 trải nghiệm nói chung mang tính tích cực, hoặc tích cực hơn mong đợi, thì sau đó các cặp cha mẹ có khả năng sinh thêm đứa con tiếp theo. Tuy nhiên, nếu việc chuyển sang giai đoạn làm cha mẹ là rất khó khăn hoặc khó khăn hơn mong đợi, thì sau đó họ có thể sẽ chọn việc tiếp tục chỉ có 1 đứa con”.

Để kiểm tra giả thuyết của mình, nhóm nghiên cứu đánh giá dữ liệu từ năm 1984 – 2010 của 2.301 cặp cha mẹ Đức tham gia vào Nghiên cứu mô hình Xã hội – Kinh tế Đức. Trong từng năm của nghiên cứu, cả cha và mẹ đều được yêu cầu hoàn thành một bảng câu hỏi, trong đó họ đánh giá mức độ hạnh phúc của họ trên thang điểm từ 0 – 10, với điểm 10 biểu hiện cho hạnh phúc tối đa. Hơn thế nữa, các cặp cha mẹ còn được hỏi về các yếu tố khác trong cuộc sống, bao gồm việc sinh con, các mối quan hệ và công việc. Các nhà nghiên cứu sử dụng thông tin để đánh giá mức độ hạnh phúc của những người tham gia 2 năm trước khi đứa con đầu tiên của họ chào đời và mức độ hạnh phúc của họ trong suốt giai đoạn chuyển tiếp lên làm cha mẹ cho tới 1 năm sau khi sinh con.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong suốt giai đoạn chuyển tiếp lên làm cha mẹ, các cặp phụ huynh báo cáo sự suy giảm trung bình 1,4 điểm trên thang điểm đánh giá hạnh phúc, so sánh với 2 năm trước khi đứa con đầu tiên được sinh ra. Tính toàn bộ, hơn 70% các cặp cha mẹ trải qua một sự suy giảm về mức độ hạnh phúc sau khi có đứa con đầu tiên, với hơn 1/3 trải qua sự suy giảm ít nhất là 2 điểm trên thang điểm đánh giá mức độ hạnh phúc.

Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy các cặp cha mẹ đã trải qua sự suy giảm về hạnh phúc sau khi có đứa con đầu tiên sẽ ít có khả năng sinh thêm con; 58% các cặp cha mẹ trở nên ít hạnh phúc hơn sẽ tiếp tục có đứa con thứ 2 trong vòng 10 năm, so sánh với 66% các cặp cha mẹ không có sự suy giảm về hạnh phúc. Cũng theo kết quả của nghiên cứu, các cặp cha mẹ từ 30 tuổi trở lên và những người có thời gian học tập ít nhất 12 năm là những người có khả năng nhất bị ảnh hưởng bởi mức độ hạnh phúc của họ khi ra quyết định có sinh con thêm nữa hay không. Myrskylä cho rằng điều này có thể do các cặp cha mẹ lớn tuổi hơn và những người có giáo dục cao hơn áp dụng tốt hơn các trải nghiệm gần đây của họ vào các quyết định sinh sản. “Điều này cũng có thể do các cặp cha mẹ này gặp khó khăn hơn trong việc kết hợp giữa công việc và gia đình, cho thấy họ có khả năng ở trong những môi trường chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao hơn”. Các nhà nghiên cứu tiết lộ các phát hiện của họ vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi điều chỉnh các yếu tố có khả năng gây nhiễu, ví dụ như thu nhập của các cặp cha mẹ, tình trạng hôn nhân và nơi sinh trẻ.

Bình luận về tầm quan trọng của các phát hiện này, Margolis phát biểu: “Hiện tại chúng tôi biết rằng sự suy giảm trong mức độ hạnh phúc là quan trọng trong việc quyết định liệu các cặp cha mẹ có tiếp tục có con nữa hay không. Sự suy giảm hạnh phúc xảy ra trong suốt giai đoạn chuyển tiếp lên làm cha mẹ không những là yếu tố then chốt mà còn giữ vị trí quan trọng hơn các thay đổi lớn khác trong mối quan hệ, công việc, và sức khoẻ của một cặp cha mẹ khi quyết định cơ hội có thêm con”.

Tuy nhiên nghiên cứu cũng không tránh khỏi những hạn chế. Ví dụ như, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng họ không thể xác định các cơ chế bên dưới dẫn tới những khó khăn của phụ huynh trong suốt giai đoạn chuyển tiếp lên làm cha mẹ. “Các yếu tố này, ví dụ như mức độ sinh con dễ hay khó, mức độ kiệt sức trong năm đầu tiên, và stress trong mối quan hệ, không được đề cập trong dữ liệu điều tra của chúng tôi và thích hợp hơn với nghiên cứu định tính. Do đó, nên tham khảo nghiên cứu này cùng với nghiên cứu định tính”.

Mặc dù vậy, dựa trên các phát hiện của mình, nhóm nghiên cứu vẫn cho rằng các nhà hoạch định chính sách có mối bận tâm tới tỷ lệ sinh sản thấp ở những nước phát triển nên chú ý tới cách mà mức độ hạnh phúc của các cặp mới làm cha mẹ lần đầu ảnh hưởng tới sự sinh sản về sau của họ.

(Nguồn: medicalnewstoday 8/2015.)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK