Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-03-2024 12:59pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
Ảnh hưởng của lối sống lên sức khỏe sinh sản nam giới
CNSH. Khổng Tiết Mây Như - IVFMD

Các cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh nếu không thể có thai tự nhiên sau 12 tháng quan hệ không sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này ảnh hưởng khoảng 10-15% các cặp đôi với ước tính là 186 triệu người trên thế giới. Trong đó, 20-30% trường hợp vô sinh chính là do yếu tố nam như thể tích tinh dịch ít, hình dạng bất thường hoặc không có tinh trùng (Azoospermia). Trong những thập kỷ gần đây, chất lượng tinh trùng người suy giảm đáng kể. Một tổng quan hệ thống phân tích các chỉ số tinh trùng của trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, kết quả là mật độ tinh trùng giảm từ 113 xuống 66 triệu/ml, thể tích tinh dịch giảm từ 3,4 xuống 2,75ml, tổng số tinh trùng giảm từ 443 xuống 300 triệu, tỉ lệ di động giảm từ 64% xuống 49%, tỉ lệ sống từ 99% còn 80% và hình dạng tinh trùng giảm mạnh từ 67% còn 26%. Nguyên nhân gây vô sinh nam gồm lớn tuổi, tiếp xúc với hóa chất, tình trạng bệnh lý như u hạt (sarcoidosis), biến chứng sau phẫu thuật, tắc nghẽn vật lý sau thắt ống dẫn tinh và bất thường di truyền. Khả năng sinh sản của nam giới hiện nay bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố môi trường, nghề nghiệp và lối sống. Trong số nhiều yếu tố về lối sống, thói quen không lành mạnh dẫn đến béo phì (lối sống ít vận động và dinh dưỡng kém), sử dụng các thiết bị điện tử phát ra bức xạ điện từ (điện thoại di động, máy tính xách tay), căng thẳng, rượu bia và thuốc lá đều gây ra vô sinh nam. Vì vậy, bài tổng quan này tập trung vào tác động của các yếu tố lối sống nêu trên đến khả năng sinh sản của nam giới cùng với cơ chế tác động và lựa chọn điều trị nếu có.

BÉO PHÌ (OBESITY)

Một người được chẩn đoán béo phì khi có chỉ số BMI từ 25kg/m2 trở lên. Tỉ lệ người bị béo phì ở Mỹ chiếm hơn 1/3 dân số cả nước. Nam giới thừa cân hoặc béo phì tăng nguy cơ vô sinh gấp 1,1-1,4 lần. Trong 21 nghiên cứu phân tích tổng hợp trên 13.077 người cho thấy béo phì liên quan đến nguy cơ cao bị thiểu tinh và không có tinh trùng. Trong đó, số lượng tinh trùng ít hơn gấp 3 lần hoặc ít hơn 20 triệu/ml so với người có cân nặng bình thường. Béo phì dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố trực tiếp hoặc gián tiếp vì ảnh hưởng đến hormone giới tính (sex hormone-binding globulin – SHBG) và giảm nồng độ Testosterone tự do cũng như FSH và LH; từ đó tác động xấu đến quá trình sinh tinh. Suy sinh dục nguyên phát (hypogonadotropic-hypoestrogenic-hypogonadism) gây ra bởi quá trình thơm hóa steroid thành Estrogen ở các mô ngoại biên, giảm Testosterone và tăng Estradiol; cùng với nhiều bằng chứng cho thấy béo phì làm giảm đáng kể nồng độ Inhibin B và FSH gây tác động đến hoạt động của tế bào Sertoli. Sự tồn tại của mô mỡ trắng cũng tác động đến trục hạ đồi – tuyến yên nên giảm bài tiết GnRH dẫn đến suy sinh dục thứ phát và giảm khả năng sản xuất tinh trùng; những mô mỡ này sản xuất nhiều Leptin làm giảm tổng hợp Testosterone. Chẳng những vậy, mỡ ở bìu còn gây ra căng thẳng nhiệt ở tinh hoàn dẫn đến stress oxy hóa vì adipokine tăng cường sản xuất phản ứng oxy hóa khử (ROS) làm ức chế quá trình sinh tinh. Trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản (ART), tăng cân làm tổn hại đến kết quả sinh sản của người nam bị béo phì gồm sự phát triển phôi nang, tỉ lệ mang thai, trẻ sinh sống; đồng thời chỉ định thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) ngày càng tăng có liên quan đến sự tăng chỉ số BMI của người cha.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG (DIET)

Chế độ ăn uống phương Tây đã trở thành mô hình dinh dưỡng chính cho cả các nước đã và đang phát triển trong những thập kỷ gần đây. Protein động vật, acid béo bão hòa và chuyển hóa, carbohydrate đơn giản chiếm một phần lớn trong chế độ ăn điển hình của phương Tây; trong khi chất xơ và acid béo không bão hòa thiết yếu lại bị thiếu trầm trọng. Đó là một chế độ ăn nhiều calo, gây viêm nhưng cũng ít chất dinh dưỡng. Khi mô hình ăn kiêng của phương Tây trở nên phổ biến hơn nhưng các thông số tinh trùng lại kém hơn (thiểu tinh và dị dạng) cùng với khả năng sinh sản thấp hơn đặc biệt là chế độ ăn thực phẩm chế biến sẵn. Chẳng những vậy, đường, các sản phẩm từ đậu nành, thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, acid bão hòa và chất béo chuyển hóa, khoai tây, sữa và việc tăng cường sử dụng caffeine – rượu đều liên quan chặt chẽ đến vô sinh nam.

Một số ví dụ cụ thể như sau:
  • Tinh trùng yếu có liên quan đến việc tăng sức đề kháng Insulin và stress oxy hóa do ăn ngọt.
  • Mật độ-di động tinh trùng giảm lại do ăn nhiều carbohydrate và đường tinh luyện.
  • Số lượng-di động tinh trùng ít do tiêu thụ thịt đỏ chứa nhiều acid béo bão hòa.
  • Thiểu tinh và tinh trùng yếu do hàm lượng sữa nạp vào cao.
  • Hình dạng tinh trùng giảm 1,7% do dùng nhiều thịt chế biến sẵn.
  • Chất lượng tinh trùng giảm do chế độ ăn quá ít trái cây và rau quả, chất xơ - acid béo không bão hòa (omega-3) và thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và chất phytochemical (vitamin C-E; Selen; β-carotene; L-carnitine; Zn và Lycopene).

Stress oxy hóa tinh hoàn và tinh dịch tăng gây phân mảnh DNA tinh trùng và giảm cô đặc nén chặt của chất nhiễm sắc đều liên quan đến chế độ ăn uống kém. Nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới 18-20 tuổi ăn chế độ ăn “thận trọng” (nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau, trái cây, thịt gà và cá) có số lượng tinh trùng di động tiến tới cao hơn so với người ăn chế độ “phương Tây” (nhiều thịt bò, thịt chế biến sẵn, pizza giàu năng lượng, đồ ăn nhẹ, đồ uống, ngũ cốc tinh chế và đồ ngọt). 

Một số báo cáo đã sử dụng Alpha-lipoic acid, Selenium, Cobalamin và β-carotene để duy trì khả năng sinh sản nam giới. Bên cạnh đó, 48 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đánh giá về sự cải thiện tỉ lệ trẻ sinh sống, thai kỳ và thông số tinh dịch ở 4179 nam giới đã sử dụng các chất chống oxy hóa như Vitamin E-C, Zn, Acid béo không bão hòa, Folate, Carotenoids, Ubiquinol và Pentoxifylline.

CĂNG THẲNG (STRESS)

Stress có thể là tâm lý, xã hội, thể chất và sinh học. Một loạt các yếu tố gây stress có thể tìm thấy trong các hoạt động hàng ngày như cam kết trong công việc và gia đình hay các sự kiện trong cuộc sống và những thay đổi lối sống bất ngờ. Ngày nay, tỉ lệ stress trong xã hội ngày càng cao và thường xảy ra ở các cặp vợ chồng không thể thụ thai tự nhiên. Việc không có cơ hội làm cha và đặc điểm tinh dịch bất thường có liên quan đến stress tâm lý góp phần gây vô sinh ở nam giới. Sốc nhiệt tinh hoàn do nhiệt độ bìu tăng, tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, ngồi lâu và tiếp xúc với nhiệt bức xạ sẽ làm ngừng sinh tinh, tổn thương DNA tinh trùng, stress oxy hóa và chết tế bào mầm. Bên cạnh đó, sự sản sinh nhiệt tăng lên ở tinh hoàn có liên quan đến việc chạy xe đạp. Khả năng chống oxy hóa và chất chống oxy hóa enzyme giảm nhưng mức độ Malondialdehyde lại tăng ở những người đạp xe liên tục 16 tuần. Ngay cả sau 4 tuần phục hồi, nồng độ Interleukin trong tinh dịch và tinh trùng vẫn cao. Hơn nữa, nồng độ FSH và LH cao hơn ở nam giới có mức độ stress cao hơn so với người stress vừa phải cho dù mức độ GnRH vẫn ổn định. Cụ thể hơn là người có điểm lo âu và trầm cảm (hospital anxiety and depression score – HADS) ở mức 8 có số lượng tinh trùng thấp hơn đáng kể so với người có HADS bình thường.

BỨC XẠ (RADIATION)

Điện thoại di động có bức xạ trường điện từ tần số cao (electromagnetic field - EMF), tức là tần số vô tuyến cấp thấp (low-level radio frequency – RF-EMF) 850MHz – 2,4 GHz có thể bị hấp thụ bởi con người. Tùy thuộc vào lượng thời gian tiếp xúc, hầu hết các bức xạ đều có tác động bất lợi đến tinh trùng. Với hơn 6,8 tỷ người trên thế giới có đăng ký điện thoại di động, trung bình một người sử dụng điện thoại 90 phút mỗi ngày, tương đương với gần 4 năm cuộc đời dành để nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại. Do tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao nên điều quan trọng là phải hiểu được tương quan giữa RF-EMF và chất lượng tinh trùng. Hầu hết các điện thoại đều có chỉ số mức độ hấp thụ sóng (specific absorption rate - SAR) trung bình chỉ 1,4W/kg. Việc giữ điện thoại trong túi quần jeans gần tinh hoàn có thể gây vô sinh, đặt gần não thì gây hại cho mô não; cũng như việc gọi điện thoại hơn 1h mỗi ngày hoặc trong khi đang sạc có thể làm giảm mật độ tinh trùng. Nghiên cứu khác cho rằng nam giới tiếp xúc với bức xạ điện thoại di động làm giảm 8% khả năng di động của tinh trùng. Cụ thể hơn là sử dụng điện thoại di động 18h mỗi ngày khiến số lượng tinh trùng và tế bào Leydig thấp hơn. Ngoài ra, người ở tuổi 20-30 sử dụng máy tính xách tay (laptop) nhiều hơn. Trong khi đó, laptop kết nối với Internet thông qua Wi-fi và đặt trên đùi gần tinh hoàn (sự phát xạ sóng điện từ bên dưới laptop cao hơn 7-15 lần), hậu quả là làm thay đổi quá trình sinh tinh vì tăng nhiệt độ bìu. 

Hệ thống sinh sản nam giới là một cấu trúc phức tạp, gồm nhiều phần, dựa trên sự phối hợp của các yếu tố bên ngoài và bên trong. Sự tổn hại do RF-EMF có liên quan đến sự sản xuất ROS vì tăng nồng độ Anion Superoxide. Các gốc tự do được tạo ra bởi ty thể của tinh trùng làm giảm sức sống và di động khi chúng oxy hóa phospholipid màng. Màng huyết tương tinh trùng giàu acid béo không bão hòa (Polyunsaturated Fatty Acids – PUFA) nên dễ bị tổn thương trước quá trình peroxide hóa lipid do ROS gây ra tác động xấu đến tính toàn vẹn và khả năng di động của tinh trùng. Ngoài ra, trong 10 bài nghiên cứu gồm 1492 mẫu cho thấy RF-EMF còn gây tổn thương DNA, tăng tốc độ chết tế bào tinh trùng và thúc đẩy quá trình gây ung thư tinh hoàn đặc biệt là khi tiếp xúc với laptop có sử dụng Wi-fi. Các enzyme chống oxy hóa như Glutathione Peroxidase (GPx) và Superoxide Effutase (SOD) bị giảm hoạt động do ROS tạo ra bởi trường điện từ. Nó kích hoạt quá trình apoptosis, tổn thương DNA và thay đổi biểu hiện cytochrome C, Bax và một số gene khác; đồng thời, tác động sâu rộng đến tính toàn vẹn của bộ gene ty thể và nhân.

LẠM DỤNG THUỐC HƯỚNG THẦN (RECREATIONAL DRUGS)

Mục đích sử dụng thuốc hướng thần để đạt cảm giác hài lòng, một dạng kích thích thần kinh nhưng lại tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số phân tử tương tác với thụ thể Cannabinoid như Phytocannabinoid, đặc biệt là các loại cần sa tổng hợp có hiệu lực cao, liên quan đến gây độc cho tim (rối loạn nhịp tim, ngừng tim, đau ngực và nhồi máu cơ tim). Thuốc lá, cần sa và rượu đều liên quan đến vô sinh. Hút thuốc có ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh tinh cũng như chất lượng tinh trùng. Bằng chứng kết luận trong 57 nghiên cứu cho thấy hút thuốc có tương quan đến sự giảm thể tích tinh dịch (-0,25ml), tổng số tinh trùng (-32,2 triệu/ml), mật độ (-7,1 triệu/ml), hình dạng bình thường và di động (1,9%). Cá nhân hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày có số lượng tinh trùng thấp hơn. Hơn nữa, các tác động cấp tính đối với LH và FSH cũng như sản xuất Testosterone và sự sinh tinh trùng đã được phát hiện xảy ra khi sử dụng cần sa Tetrahydrocannabinol - thành phần chính, tác động trí tuệ và hành vi. Trong tất cả các trường hợp lạm dụng cồn đều có sự gia tăng Estrogen and giảm Testosterone. Nhiều báo cáo cho thấy giới trẻ trong độ tuổi sinh sản tiêu thụ nhiều cồn nhất trong thời gian ngắn nhất. Chất lượng tinh trùng bị ảnh hưởng tiêu cực ngay cả khi sử dụng một lượng cồn vừa phải (5 đơn vị mỗi tuần). Rượu bia làm tổn hại tế bào Leydig và tác động xấu đến trục hạ đồi-tuyến yên, từ đó làm giảm mức độ Testosterone ở nam giới.

CƠ CHẾ LIÊN QUAN ĐẾN YẾU TỐ LỐI SỐNG VÀ VÔ SINH NAM

Trong tinh hoàn, quá trình sinh tinh liên tục diễn ra tạo tinh trùng. Trong ống sinh tinh, nguyên bào tinh phát triển thành tế bào tinh sơ cấp và thứ cấp, tinh tử rồi tinh trùng. Sự phát triển và điều hòa hoạt động sinh lý của tinh trùng đòi hỏi một số hormones cần thiết (LH; FSH; Testosterone) cho quá trình sinh tinh. Quá trình sinh tinh phụ thuộc vào lượng lớn Testosterone và Dihydrotestosterone (DHT) trong tinh hoàn vì cả hai đều đóng vai trò chính trong việc phát triển các đặc tính sinh dục nam trong giai đoạn phôi thai và tuổi dậy thì. Quá trình sinh tinh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố lối sống khác nhau theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hoạt động phân bào của tinh trùng bị ức chế hoặc tổn thương bởi các yếu tố liên quan đến lối sống thông qua nhiều cơ chế như sự tạo ROS, viêm, tinh hoàn apoptosis, suy giảm bài tiết tuyến sinh dục và giảm khả năng sinh tinh. Cụ thể hơn là trong quá trình liên quan đến sản xuất tinh trùng (phản ứng acrosome, khả năng hoạt hóa và thụ tinh), ROS được tạo ra và thúc đẩy stress oxy hóa, tác động tiêu cực đến quá trình sinh tinh và chức năng tinh trùng khi xuất hiện quá mức. Bên cạnh đó, ROS phá hủy màng lipid trong ống sinh tinh thông qua quá trình peroxide hóa khi lượng tế bào chất trong tinh trùng thấp. ROS tăng gây giảm lượng Adenosine Triphosphate, tổn thương DNA, tinh trùng không thể tiếp cận noãn để thụ tinh. Vì vậy, khả năng sinh sản tự nhiên cũng như ART có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự hiện diện của ROS.

LỰA CHỌN LỐI SỐNG KHỎE MẠNH NHƯ MỘT CÁCH QUẢN LÝ/ ĐIỀU TRỊ

Việc duy trì và cải thiện sinh sản phụ thuộc hầu hết vào lối sống của mỗi người. Thực hành lối sống lành mạnh bao gồm quản lý stress, tương tác giữa các cá nhân, phát triển tinh thần, tập thể dục và chế độ ăn uống. Trong đó, dinh dưỡng và tập luyện được chứng minh ở nhiều nghiên cứu lâm sàng vì giúp cải thiện thông số tinh trùng như mật độ, di động, hình dạng và phân mảnh DNA ở nam giới cùng với giảm béo phì ngay cả khi chỉ số BMI không thay đổi.

Một số ví dụ cụ thể được khuyến cáo sử dụng vì có lợi cho khả năng sinh sản như:
  • Trái cây, rau, chất xơ, hải sản, các loại hạt và dầu thực vật cũng như thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
  • Vi chất dinh dưỡng gồm Ascorbic Acid, Tocopherols, Selenium, Zn, L-arginine, Coenzyme Q10 và Carotenes.
  • N-acetyl cysteine (NAC) cải thiện khả năng di động tinh trùng bằng cách giảm nồng độ ROS, tăng khả năng sống của tế bào mầm; đặc biệt, tác động tích cực trong trường hợp tinh trùng ít-yếu-dị dạng (oligo-asthenoteratospermia – OAT)
  • Kết quả phân tích từ 33 nghiên cứu Cochrane cho thấy việc sử dụng chất chống oxy hóa đường uống cho tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn.
  • Ngủ đủ giấc là một yếu tố thiết yếu có thể làm tăng chất lượng tinh dịch.
  • Thiền và yoga giúp giảm căng thẳng về tinh thần và cơ thể. 

Một số thói quen sinh hoạt cần hạn chế như:
  • Tránh tiêu thụ cồn nhiều và quá mức (>25 đơn vị mỗi tuần) như một lối sống an toàn.
  • Tiêu thụ nhiều hơn 3 tách caffeine mỗi ngày dẫn đến các biến chứng về sức khỏe.
  • Không sử dụng cần sa (Cannabis) vì gây giảm LH và FSH tác động đến chức năng tinh trùng, di động và khả năng sống.
  • Tránh sử dụng Steroid đồng hóa không nhãn hiệu (thuốc ức chế Aromatase, GnRH và thụ thể Estrogen) vì ảnh hưởng đến việc kiểm soát trục hạ đồi-tuyến yên của nam giới.
  • Tránh tiếp xúc với sóng điện từ phát ra từ các thiết bị công nghệ như điện thoại di động và laptop.
Tóm lại, vô sinh nam là một thách thức sức khỏe toàn cầu với nhiều trường hợp có liên quan đến yếu tố lối sống. Khả năng tự nhận thức sẽ giúp nhận diện được nhiều yếu tố nguy cơ (đặc biệt là rủi ro về môi trường) ảnh hưởng khả năng sinh sản. Hầu hết các tiêu chuẩn có thể thay đổi nếu nỗ lực thay thế từng hành vi lối sống chưa tốt thành tốt hơn và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài ra, việc mong muốn có con sẽ thành công hơn nếu đánh giá thêm yếu tố di truyền, lâm sàng và môi trường làm việc.

Từ khóa: vô sinh, yếu tố lối sống, tinh trùng, tinh hoàn.

Nguồn: Rotimi D.E, Singh S.K. Implications of lifestyle factors on male reproductive health. JBRA Assisted Reproduction. 2024.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK