CN. Đặng Ngọc Minh Thư – IVF Tâm Anh
Tổng quan
Một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong lựa chọn phôi là việc ứng dụng công nghệ time‑lapse tại labo IVF, mở ra nhiều cơ hội mới để quan sát hình thái và động học phát triển phôi. Công nghệ này cho phép theo dõi các thông số động học và các bất thường hình thái mà trước đây chưa thể phát hiện trong ứng dụng lâm sàng. Sự hiểu biết ngày càng sâu về động học phát triển phôi giúp thiết kế các hệ thống chấm điểm riêng biệt, cải thiện hiệu quả điều trị IVF.
Các hệ thống chấm điểm dựa trên các thông số tiên lượng tốt hoặc xấu. Phôi được xếp điểm cao có liên quan đến khả năng làm tổ và mang thai cao hơn. Ngược lại, phôi có điểm thấp do các dự báo xấu như phân bào bất thường, đa nhân, phân mảnh tế bào, hoặc hiện tượng phân chia ngược (Reverse cleavage – RC). Mặc dù nhờ công nghệ time‑lapse, các bất thường hình thái được quan tâm nhiều hơn trong nghiên cứu, tác động thực sự của từng loại vẫn còn gây tranh cãi, đặc biệt là với hiện tượng phân chia ngược.
Tỉ lệ xảy ra phân chia ngược trong các phôi cấy in vitro dao động từ 0,3–27,4% tùy cách định nghĩa. Một số nghiên cứu cho thấy phân chia ngược làm giảm khả năng phát triển đến ngày 3 hoặc phôi nang. Tuy nhiên, nhiều báo cáo khác lại khẳng định phôi có hiện tượng này vẫn đạt chất lượng phôi nang tương đương khi nuôi tới ngày 7, và tỉ lệ nguyên bội ở mức tương đồng. Mặc dù vậy, các nghiên cứu đều kết luận rằng phôi phân chia ngược nên được hạ bậc vì tỉ lệ làm tổ và trẻ sinh sống rất thấp, có khi gần như bằng 0. Hiện tại, chỉ có hai báo cáo về trẻ sinh sống từ phôi loại này.
Hướng tiếp cận đang thay đổi khi các nhà nghiên cứu mong muốn đánh giá khả năng phôi tự sửa lỗi bất thường trong quá trình phát triển. Mục tiêu là so sánh ba nhóm phôi: nhóm có ít nhất một lần phân chia ngược, nhóm không phân chia ngược nhưng cùng lô phôi có phôi phân chia ngược, và nhóm hoàn toàn không có hiện tượng này, để đánh giá ảnh hưởng của phân chia ngược đến kết quả điều trị.
Vật liệu và phương pháp
Đây là một nghiên cứu quan sát hồi cứu được tiến hành tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản tư nhân lớn ở châu Âu. Nghiên cứu bao gồm tất cả các chu kỳ tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI) thực hiện từ tháng 5/2019 đến tháng 6/2022, trong đó ít nhất một phôi được theo dõi bằng công nghệ time-lapse và nuôi cấy mở rộng đến ngày 5 hoặc 6.
Phân chia ngược được định nghĩa là hiện tượng hợp nhất hai phôi bào sau khi phân chia, dẫn đến sự giảm số lượng tế bào. Tất cả các phôi được phân thành ba nhóm:
-
Nhóm 1: Phôi RC+
-
Nhóm 2: Phôi RC–, nhưng trong cùng chu kỳ với ít nhất một phôi RC+
-
Nhóm 3: Phôi RC–, không có bất kỳ RC+ nào trong cùng chu kỳ
Các chỉ số được thu thập bao gồm: tuổi người nữ, chỉ số BMI, nguyên nhân vô sinh, phương pháp kích thích buồng trứng, chất lượng tinh trùng (di động, mật độ, phân mảnh DNA, kết quả FISH nếu có), và kết quả lâm sàng (tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống). Ngoài ra, các bất thường hình thái khác như đa nhân và phân chia trực tiếp cũng được ghi nhận.
Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm IBM SPSS v.28.
Kết quả
Dữ liệu được thu thập từ 4004 chu kỳ ICSI, trong đó 3552 chu kỳ không có phôi có hiện tượng RC, và 452 chu kỳ có ít nhất một phôi RC+ trong nhóm phôi tạo ra. Không có sự khác biệt đáng kể về đặc điểm bệnh nhân hoặc thông số chu kỳ giữa hai nhóm, ngoại trừ phác đồ kích thích buồng trứng: phác đồ đối kháng GnRH được sử dụng phổ biến hơn trong các chu kỳ có RC+ (P=0,002). Tỉ lệ bất thường FISH (RC+ = 10,0%, RC- = 8,0%; P=0,072) và phân mảnh DNA tinh trùng (RC+ = 4,4%, RC- = 3,9%; P=0,579) tương đương giữa hai nhóm. Tuy nhiên, tỉ lệ phôi nang chất lượng cao (High-quality blastocysts – HQB) thấp hơn đáng kể trong các chu kỳ có RC+ (P<0,001).
Phân tích chi tiết hơn cho thấy trong tổng số 23.814 phôi, 498 phôi là nhóm 1, 2540 phôi nhóm 2 và 20.776 phôi nhóm 3. Tỉ lệ RC chiếm 2,1% tổng số phôi nuôi cấy, trong đó chỉ 12 phôi (2,4%) xuất hiện RC hai lần. RC+ có tỉ lệ bất thường đi kèm cao hơn, bao gồm hiện tượng đa nhân (45,6% so với 19,1%) và phân chia trực tiếp (45,4% so với 10,3%), với P<0,001 so với nhóm RC-. Ngoài ra, nhóm 2 cũng có tỉ lệ hai bất thường trên cao hơn so với nhóm 3 (P<0,001). Về mặt phát triển, phôi RC+ có tỉ lệ HQB thấp hơn đáng kể (27,7%) so với nhóm 2 (50,0%) và nhóm 3 (50,8%) (P<0,001). Tuy nhiên, RC không ảnh hưởng đến tỉ lệ làm tổ hoặc trẻ sinh sống sau chuyển đơn phôi (Single embryo transfer – SET). Cụ thể, tỉ lệ làm tổ và trẻ sinh sống của nhóm RC+ lần lượt là 40,4% và 31,9%, tương đương với RC- (48,4% và 32,1%).
Bàn luận
Các bất thường phôi thường được đánh giá theo quan sát hình thái định tính, và thường bị xếp loại thấp mà không xem xét đến tiềm năng phát triển thực tế của phôi. Trong bối cảnh đó, RC là một dạng bất thường thường bị cho là có hại đối với sự phát triển phôi và tiềm năng sinh sản. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này – với hơn 20.000 phôi được phân tích – cho thấy RC không phải là hiện tượng hiếm gặp (xảy ra ở 1 trên 48 phôi) và đặc biệt, không làm giảm khả năng làm tổ hay trẻ sinh sống nếu phôi đạt đến giai đoạn phôi chất lượng cao. Điều này đặt ra một quan điểm mới về việc đánh giá ý nghĩa lâm sàng của RC. Việc giải mã cơ chế phân chia ngược và khả năng tự điều chỉnh của phôi sẽ cần thêm các nghiên cứu sâu hơn ở cấp độ phân tử trong tương lai.
Kết quả từ nghiên cứu này ủng hộ quan điểm rằng nếu một phôi RC+ đạt HQB ở ngày 5 hoặc 6, điểm đánh giá của phôi nên được phục hồi và phôi đó nên được xem xét cho chuyển phôi như các phôi RC-. Nghiên cứu có một số điểm mạnh đáng chú ý: kích thước mẫu lớn (hơn 23.000 phôi), phương pháp phân nhóm rõ ràng, và áp dụng thực tiễn lâm sàng trực tiếp với các kết cục quan trọng như tỉ lệ trẻ sinh sống. Ngoài ra, việc theo dõi đồng thời các bất thường hình thái khác giúp tăng cường độ tin cậy trong việc đánh giá tác động của RC. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tồn tại các hạn chế: (1) không thực hiện phân tích di truyền chuyên sâu (ví dụ PGT-A) để xác định mối liên hệ giữa RC và bất thường nhiễm sắc thể; (2) nghiên cứu được tiến hành tại một trung tâm duy nhất nên chưa thể khái quát hóa hoàn toàn; (3) RC chưa được phân loại theo thời điểm xảy ra – yếu tố được cho là ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng.
Nguồn: Sergi Novo, Marc Yeste, Victor Montalvo, Ana Munuera, Alex Garcia-Faura, Borja Marquès. The effect of reverse cleavage on embryo development and clinical outcomes. Reproductive BioMedicine Online. Volume 50, Issue 5.










Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)
Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...