CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh
Tổng quan
Đông lạnh noãn bằng thủy tinh hóa là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization - IVF) từ năm 2013 và ngày càng trở nên phổ biến trong điều trị sinh sản và hiến noãn. Dù tỷ lệ thụ tinh, phôi phân chia, hình thành phôi nang, tỷ lệ thai và trẻ sinh sống từ noãn đông lạnh được cho là tương đương noãn tươi nhưng vẫn còn ít nghiên cứu đánh giá chi tiết các đặc điểm động học của phôi từ noãn thủy tinh hóa. Một số nghiên cứu trước đó ghi nhận sự chậm trễ nhỏ tại các mốc thời gian phát triển sớm nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả lâm sàng. Nghiên cứu hiện tại nhằm phân tích sâu 25 mốc thời gian và 5 sự kiện động để so sánh chi tiết giữa hai nhóm phôi từ noãn tươi và đông lạnh trong chu kỳ hiến noãn.
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu quan sát hồi cứu này được thực hiện tại Phòng khám Hỗ trợ Sinh sản Embryolab vào tháng 2 năm 2023 tại Thessaloniki, Hy Lạp, với các ca được thu thập từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021 và đã được Hội đồng Khoa học của Phòng khám Embryolab phê duyệt. Nghiên cứu chia làm 2 nhóm bao gồm nhóm VITRI (phôi từ 421 noãn đông lạnh từ 58 chu kỳ hiến noãn) và nhóm CONTROL (phôi từ 196 noãn tươi từ 23 chu kỳ hiến noãn). Các kết quả chính được đánh giá bao gồm các mốc thời gian chính, các sự kiện động học, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ thoái hóa, tỷ lệ phôi phân chia, tỷ lệ hình thành phôi nang, tỷ lệ beta hCG dương, tỷ lệ hai lâm sàng, tỷ lệ thai diễn tiến, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống.
Kết quả
Tỷ lệ sống trung bình của noãn đông lạnh là 92,58% (± 7,42%). Tỷ lệ thụ tinh khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm (nhóm VITRI: 71,92% ± 20,29% và nhóm CONTROL: 80,65% ± 15,22%). Tuy nhiên, các chỉ số khác như tỷ lệ thoái hóa, phôi phân chia, hình thành phôi nang, tỷ lệ beta hCG dương, thai lâm sàng, thai đang tiến triển, tỷ lệ làm tổ và trẻ sinh sống không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm. Phân tích bằng time-lapse không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào ở các mốc thời gian chính. Tuy nhiên, khi xem xét các thông số động học, chu kỳ tế bào đầu tiên (CC1 – từ thời điểm tách thể cực thứ hai (tPB2) đến 2 tế bào (t2)) ở nhóm VITRI chậm hơn khoảng 2,5 giờ so với nhóm CONTROL có ý nghĩa thống kê (P=0,004), trong khi CC1a (từ mất tiền nhân (tPNf) đến 2 tế bào (t2)) ở nhóm VITRI lại nhanh hơn khoảng 3,5 giờ so với nhóm CONTROL gần đạt ngưỡng ý nghĩa thống kê (P=0,057).
Bàn luận
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về các mốc thời gian chính từ tPB2 đến hình thành phôi nang giữa hai nhóm. Tuy nhiên, ở giai đoạn phân chia đầu tiên (CC1: từ tách thể cực thứ hai đến 2 tế bào), phôi từ noãn đông lạnh có sự chậm trễ khoảng 2,5 giờ (P = 0,004). Ngược lại, ở giai đoạn CC1a (từ mất tiền nhân đến 2 tế bào), phôi từ noãn đông lạnh lại phát triển nhanh hơn khoảng 3,5 giờ, ở ngưỡng ý nghĩa (P = 0,057). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Chamayou (2015), dù nghiên cứu đó chỉ theo dõi đến ngày 2. Thủy tinh hóa có thể liên quan đến bất thường vi cấu trúc trục thoi vô sắc, màng tiền nhân hoặc cơ chế nội bào, những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh. Một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng thủy tinh hóa có thể ảnh hưởng đến hoạt động ty thể, giảm sản xuất ATP – yếu tố thiết yếu trong quá trình phân bào và phát triển phôi. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện tại cũng cho thấy các rối loạn năng lượng này có thể phục hồi sau khoảng 3–4 giờ nuôi cấy, và do đó các tác giả đề xuất kéo dài thời gian nuôi cấy sau rã đông trước ICSI để cải thiện khả năng phát triển ban đầu. Mặc dù có những thay đổi tạm thời ở giai đoạn đầu, phôi từ noãn đông lạnh vẫn theo kịp nhịp phát triển của phôi tươi ở các giai đoạn sau như nén tế bào và hình thành phôi nang. Montgomery và cộng sự (2023) từng báo cáo về sự chậm trễ rõ rệt ở tất cả các giai đoạn phân bào (t2–t8) và đến giai đoạn nén trong nhóm noãn đông lạnh nhưng từ giai đoạn nén đến hình thành phôi nang thì không có khác biệt. Điều này tương đồng với nghiên cứu hiện tại khi phôi từ noãn đông lạnh thu hẹp khoảng cách phát triển ở giai đoạn sau. Trong khi một số nghiên cứu chỉ ra sự tăng tốc giai đoạn sớm, các nghiên cứu như De Gheselle (2020) và Cobo (2010) lại ghi nhận sự chậm trễ rõ rệt từ t2 đến hình thành phôi nang nhưng không ảnh hưởng đến khả năng hình thành phôi nang nở rộng. Không có sự khác biệt đáng kể trong tỷ lệ phôi phân chia, phôi nang, mang thai lâm sàng, thai diễn tiến hay trẻ sinh sống giữa hai nhóm. Các phát hiện này phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy mặc dù thủy tinh hóa có thể làm thay đổi động học sớm của phôi, nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị cuối cùng. Hạn chế chính của nghiên cứu là thiết kế hồi cứu, không sử dụng mô hình chia đôi noãn (sibling oocytes) và cỡ mẫu còn hạn chế. Do đó, để xác định chắc chắn tác động lâu dài của thủy tinh hóa lên chất lượng phôi và kết quả sinh sản, cần thêm các nghiên cứu tiến cứu, ngẫu nhiên và với cỡ mẫu lớn hơn.
Nguồn: Karagianni, M., Papadopoulou, M. I., Oraiopoulou, C., Christoforidis, N., Papatheodorou, A., & Chatziparasidou, A. (2024). Embryos from vitrified vs. fresh oocytes in an oocyte donation program: a comparative morphokinetic analysis. F&S science, 5(2), 174–181. https://doi.org/10.1016/j.xfss.2024.03.002











Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)
Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...