Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 02-07-2025 5:35am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh

Tổng quan
Trong bối cảnh nhu cầu bảo tồn khả năng sinh sản ngày càng tăng, thủy tinh hóa noãn đã trở thành phương pháp phổ biến và hiệu quả trong hỗ trợ sinh sản. Dù nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy kết quả lâm sàng giữa noãn tươi và noãn đông lạnh là tương đương nhưng tác động cụ thể của phương pháp thủy tinh hóa đến quá trình phát triển sớm của phôi vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Công nghệ quan sát phôi liên tục (time-lapse microscopy - TLM) cho phép theo dõi chính xác tiến trình phát triển phôi, ghi lại thời gian từng giai đoạn như phân chia tế bào, giai đoạn nén (compaction), hình thành phôi nang (blastocyst), từ đó xác định các thông số động học có liên quan đến khả năng làm tổ và mang thai. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá liệu noãn thủy tinh hóa có ảnh hưởng đến động học phôi và kết quả lâm sàng so với noãn tươi hay không.

Vật liệu và phương pháp
Đây là nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm được thực hiện tại 8 cơ sở CARE Fertility ở Anh từ năm 2012 đến 2019. Trong đó, 118 bệnh nhân sử dụng noãn đông lạnh (748 noãn tạo ra 557 hợp tử) được ghép cặp với 123 bệnh nhân sử dụng noãn tươi (1110 noãn tạo 539 hợp tử) theo các tiêu chí: tuổi, thời điểm điều trị, nguyên nhân vô sinh và số lượng phôi tạo ra. Hệ thống TLM (EmbryoScope) được sử dụng để đánh giá động học phôi từ sau ICSI đến ngày 6. Các mốc thời gian phát triển được ghi nhận bao gồm: thời điểm đạt 2-8 tế bào (t2–t8), bắt đầu nén (tSC), hình thành phôi dâu (tM), bắt đầu hình thành phôi nang (tSB) và hình thành phôi nang hoàn chỉnh (tB). Ngoài ra, thời gian của quá trình phôi nén cũng được tính toán. Kết quả lâm sàng bao gồm tỷ lệ mang thai, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống được phân tích giữa hai nhóm.

Kết quả
Phôi từ noãn đông lạnh cho thấy sự chậm trễ đáng kể ở tất cả các giai đoạn phân bào sớm. Thời gian đạt 2 tế bào (t2) trung bình là 28,1 giờ ở nhóm noãn đông lạnh so với 26,1 giờ ở nhóm noãn tươi (P < 0,001) và sự chậm trễ tiếp tục kéo dài đến giai đoạn 8 tế bào (t8) với mức chênh lệch trung bình 2–3 giờ. Tuy nhiên, tỷ lệ bất thường phân bào như phân chia 3 cực hay hợp nhân không khác biệt giữa hai nhóm. Ở giai đoạn sau phân bào, nhóm noãn đông lạnh có thời gian bắt đầu nén (tSC) trễ hơn khoảng 4 giờ so với nhóm noãn tươi (P ≤ 0,01) nhưng lại có thời gian nén ngắn hơn đáng kể ở phôi từ noãn đông lạnh (19,02 ± 0,5 giờ) so với nhóm noãn tươi (22,45 ± 0,6 giờ, P < 0,001). Không có sự khác biệt về thời gian đạt đến giai đoạn phôi nang giữa hai nhóm (108,03 ± 0,7 giờ so với 107,78 ± 0,6 giờ), tỷ lệ hình thành phôi nang đầy đủ thấp hơn ở nhóm noãn đông lạnh (36,1%) so với nhóm noãn tươi (42,4%, P = 0.036). Ngoài ra, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kết quả lâm sàng giữa hai nhóm.

Bàn luận
Các giả thuyết được đưa ra để lý giải sự chậm trễ phát triển bao gồm tổn thương ty thể dẫn đến giảm sản xuất ATP, nguồn năng lượng thiết yếu cho phân bào và phát triển phôi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng noãn đông lạnh có nồng độ ATP thấp hơn và tổn thương cấu trúc ty thể như giảm mật độ chất nền, vi tổn thương màng và giảm tiêu thụ oxy – một chỉ dấu của hoạt động phosphoryl hóa. Ngoài ra, thủy tinh hóa có thể làm giảm điện thế màng ty thể, dẫn đến rối loạn chuỗi truyền điện tử và giảm chức năng tế bào và làm suy giảm khả năng điều hòa nồng độ Ca²⁺ nội bào – một yếu tố quan trọng trong quá trình tạo ATP. Mặc dù các dữ liệu hiện tại chủ yếu đến từ nghiên cứu trên đông lạnh chậm, cần thêm nghiên cứu xác nhận ảnh hưởng này trong phương pháp thủy tinh hóa. Một nguyên nhân khác được đề cập là tổn thương mRNA trong quá trình đông lạnh, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein. Các nghiên cứu cho thấy noãn thủy tinh hóa chỉ giữ lại khoảng 63% mRNA so với noãn tươi, đặc biệt là các gen liên quan đến tổ chức nhiễm sắc thể và điều hòa chu kỳ tế bào. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt protein chức năng, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển phôi. Ngoài ra, cấu trúc vi ống của thoi vô sắc cũng có thể bị ảnh hưởng trong quá trình trữ rã, dẫn đến làm giảm khả năng phân chia lần đầu tiên ở noãn. Sự tổn thương này có thể là lý do khiến nhiều noãn thủy tinh hóa không thực hiện được phân bào đầu tiên.
Kết quả cho thấy mặc dù noãn đông lạnh có sự phát triển chậm trễ đáng kể ở các giai đoạn phân bào sớm nhưng quá trình nén tế bào ngắn hơn, nên cả hai nhóm có thể đạt đến giai đoạn bắt đầu hình thành phôi nang gần như đồng thời. Lý do tại sao quá trình nén lại diễn ra nhanh hơn ở nhóm noãn đông lạnh vẫn chưa được lý giải rõ ràng. Điều quan trọng là không có khác biệt về kết quả lâm sàng như tỷ lệ mang thai, tỷ lệ làm tổ hay tỷ lệ trẻ sinh sống. Do đó, sự chậm trễ ban đầu có thể không ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến chất lượng noãn hay tiềm năng của phôi. Những khác biệt về động học phôi nên được nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ cơ chế sinh học liên quan và có thể giúp phát triển các chỉ số đánh giá mới cho noãn đông lạnh. Ngoài ra, việc tìm hiểu cơ chế khiến quá trình nén diễn ra nhanh hơn ở nhóm thủy tinh hóa cũng là một hướng nghiên cứu đầy tiềm năng trong tương lai.

Nguồn: Montgomery, K., Montgomery, S., Campbell, A., & Nash, D. M. (2023). A comparison of the morphokinetic profiles of embryos developed from vitrified versus fresh oocytes. Reproductive biomedicine online, 47(1), 51–60. https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2023.02.011


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...

Năm 2020
Năm 2020

Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK