Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 02-07-2025 9:50pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Đoàn Thị Thùy Dương - IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ đông lạnh phôi đã tạo nền tảng cho kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh – rã đông (frozen-thawed embryo transfer - FET), một thành phần không thể thiếu trong hỗ trợ sinh sản, góp phần nâng cao tỉ lệ có thai và tỉ lệ trẻ sinh sống. Sau đó, chiến lược “đông lạnh toàn bộ phôi” được đề xuất, mở ra cơ hội mới cho những bệnh nhân không thể thực hiện chuyển phôi tươi vì nhiều lý do. Một số nghiên cứu cho thấy việc kéo dài nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả sơ sinh, bất kể chất lượng phôi. Ngoài ra, chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang (blastocyst) cũng không cho thấy ưu thế vượt trội hơn so với chuyển phôi ở giai đoạn phôi phân chia (cleavage). Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào so sánh kết quả lâm sàng giữa chuyển phôi đông lạnh ở ngày thứ 3 (D3), ngày thứ 5 (D5) và ngày thứ 6 (D6) ở các nhóm tuổi khác nhau. Đáng chú ý, tuổi của phụ nữ được xem là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng sinh sản, đặc biệt suy giảm rõ rệt sau 35 tuổi. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá kết quả thai lâm sàng sau chuyển phôi đông lạnh D3, D5 và D6 ở hai nhóm tuổi 21–35 và 35–50, nhằm cung cấp dữ liệu tham khảo cho việc xây dựng chiến lược chuyển phôi tối ưu phù hợp với từng nhóm tuổi bệnh nhân.

Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3 năm 2019 đến ngày 12 tháng 1 năm 2022 trên 558 bệnh nhân trải qua các chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh. Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm gồm nhóm 21-35 tuổi (n = 421) và nhóm 35-50 tuổi (n = 137). Sau đó, ba nhóm phụ được thành lập theo ngày phát triển của phôi đông lạnh-rã đông theo các nhóm tuổi khác nhau gồm D3, D5 và D6. Kết quả bao gồm tỉ lệ thai sinh hóa, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ của phôi, tỉ lệ đa thai, tỉ lệ sảy thai.

Kết quả
Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ thai sinh hóa, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ đa thai, tỉ lệ sảy thai giữa ba nhóm trong nhóm tuổi 21-35, tuy nhiên, tỉ lệ phôi làm tổ ở nhóm D5 cao hơn đáng kể so với nhóm D3 và D6 ( P <0,05). Ngoài ra, so với nhóm D6, nhóm D3 có tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ đa thai cao hơn, nhưng tỉ lệ phá sảy thấp hơn.
Ở nhóm tuổi 35-50, tỉ lệ thai sinh hóa ở nhóm D5 cao hơn đáng kể so với nhóm D3 và D6 (P <0,05). tỉ lệ thai lâm sàng của nhóm D5 cao hơn đáng kể so với nhóm D6 (P <0,05), và tỉ lệ thai lâm sàng của nhóm D5 cao hơn nhóm D3 nhưng không có ý nghĩa thống kê (P >0,05). Tỉ lệ làm tổ ở nhóm D5 cao hơn đáng kể so với nhóm D3 và D6 (P <0,05).

Bàn luận
Trong nghiên cứu này, ở nhóm phụ nữ 21–35 tuổi, số lượng phôi chuyển trung bình ở nhóm D3 cao hơn đáng kể so với nhóm D5 và D6, nhưng không có sự khác biệt rõ rệt về tỉ lệ thai lâm sàng giữa các nhóm, mặc dù nhóm D5 có xu hướng cao hơn. Một số nghiên cứu cho rằng kéo dài nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang (blastocyst) có thể cải thiện khả năng có thai. Tuy nhiên, ảnh hưởng của số lượng phôi chuyển đến kết quả lâm sàng vẫn còn gây tranh cãi, và kết quả nghiên cứu hiện tại phù hợp với quan điểm rằng không có mối liên hệ rõ ràng giữa số lượng phôi và tỉ lệ có thai. Ở nhóm tuổi 35–50, mặc dù nhóm D3 có số phôi chuyển nhiều hơn nhóm D5, tỉ lệ thai lâm sàng lại cao hơn ở nhóm D5, và nhóm này cũng vượt trội hơn so với D6 cả về tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ làm tổ. Trong khi đó, phôi D6 cho kết quả thấp nhất, có thể do đặc điểm sinh học như: khoang phôi lớn gây khó khăn khi đông lạnh, mất màng trong suốt làm tăng nguy cơ tổn thương khi rã đông, và nguy cơ lệch bội cao hơn do kéo dài thời gian nuôi cấy – đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi. Các nghiên cứu trước cũng cho thấy phôi D5 có tỉ lệ thai sinh hóa và thai lâm sàng cao hơn so với D6, trong khi tỉ lệ sảy thai không khác biệt. Trong nghiên cứu hiện tại, ở cả hai nhóm tuổi, phôi D5 sau rã đông có tỉ lệ làm tổ cao hơn đáng kể so với phôi D6, cho thấy tiềm năng phát triển vượt trội của phôi D5. Việc kéo dài nuôi phôi đến ngày 6 không chỉ gây tổn thương do quá trình đông lạnh – rã đông mà còn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tế bào và biểu sinh, làm tăng nguy cơ lệch bội và giảm khả năng làm tổ. Do đó, chuyển phôi D5 được xem là lựa chọn tối ưu hơn so với D6, đặc biệt ở bệnh nhân dưới 40 tuổi.

Kết luận
Ở tất cả các nhóm tuổi, chuyển phôi nang D5 sau đông lạnh toàn bộ phôi cho kết quả lâm sàng và tỉ lệ làm tổ cao hơn so với phôi phân chia D3 và phôi nang D6. Ngoài ra, chuyển phôi D3 sau rã đông cũng cho tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ đa thai cao hơn, đồng thời giảm tỉ lệ sảy thai so với D6. Do đó, chuyển phôi D3 có thể có lợi thế hơn so với D6 trong một số trường hợp.

Nguồn: Meng, N., Li, P., Liu, T., Zhai, J., & Guo, M. Y. (2025). Effects of different embryonic development days on clinical outcomes of freeze-thawed embryo transfer. Pakistan Journal of Medical Sciences, 41(4), 1087.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...

Năm 2020
Năm 2020

Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK