CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh
Giới thiệu
Quá trình xử lý giao tử và nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology - ART) phải đối mặt với nhiều yếu tố gây căng thẳng sinh lý như thay đổi nhiệt độ, pH, oxy và độ ẩm, trong đó có tiếp xúc với ánh sáng – trái ngược với môi trường tối hoàn toàn trong hệ sinh dục nữ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng, đặc biệt ở bước sóng ngắn như ánh sáng xanh (345–610 nm), có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thụ tinh, phát triển phôi và hình thành phôi nang, do các cơ chế như tạo gốc tự do, biến đổi gen hoặc ảnh hưởng đến cấu trúc nội bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu này thường không phản ánh đầy đủ điều kiện thực tế trong phòng lab ART. Nguồn ánh sáng chủ yếu trong phòng lab là từ kính hiển vi – thường dùng bóng halogen hoặc LED. Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ cũng có thể chứa các bức xạ UV và hồng ngoại ảnh hưởng đến môi trường nuôi cấy. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ánh sáng có thể làm tăng độc tính trong môi trường nuôi, chẳng hạn như tạo hydrogen peroxide trong môi trường đệm HEPES khi tiếp xúc với ánh sáng. Việc bảo vệ mẫu khỏi ánh sáng được thực hiện bằng các biện pháp như dùng giấy bạc, lọc ánh sáng, sử dụng bóng LED bước sóng dài (đèn đỏ) và giảm thời gian phơi sáng. Dù vậy, dữ liệu về ảnh hưởng thực tế của ánh sáng đối với giao tử và phôi người còn hạn chế, và thiếu tiêu chuẩn chung cho thiết kế ánh sáng phòng lab.
Yêu cầu quy chuẩn và khuyến nghị từ các hiệp hội chuyên môn
Tiêu chuẩn EN 12464-1 của châu Âu quy định chi tiết các yêu cầu chiếu sáng cho không gian làm việc trong nhà, bao gồm mức độ chiếu sáng tối thiểu (500 lux cho phòng lab), độ đồng đều và độ thoải mái thị giác. Các điều chỉnh về cường độ ánh sáng có thể được áp dụng trong các điều kiện như thiếu ánh sáng tự nhiên, nhân viên lớn tuổi, công việc yêu cầu độ chính xác cao hoặc thực hiện trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Hướng dẫn Cairo 2018 và Khuyến nghị của ESHRE đều nhấn mạnh cần hạn chế tối đa ánh sáng tác động trực tiếp đến giao tử và phôi. Tuy nhiên, các hướng dẫn này không yêu cầu làm việc hoàn toàn trong bóng tối mà khuyến khích sử dụng ánh sáng gián tiếp, lọc tia UV và hạn chế ánh sáng xanh.
Khảo sát thực tiễn chiếu sáng trong phòng lab ART
Một khảo sát cắt ngang được thực hiện năm 2022 với các nhà phôi học thuộc hai hiệp hội (Alpha Scientists in Reproductive Medicine và SIERR – Italy), gồm 180 phản hồi. Phần lớn các phòng lab sử dụng ánh sáng phòng nhân tạo (76%), một số kết hợp với ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ (23%), và chỉ 2% chỉ dùng ánh sáng tự nhiên. Đáng chú ý, 83% không sử dụng bộ lọc ánh sáng; khi có dùng thì chủ yếu lọc ở cửa sổ (57%). Trong khi thao tác với giao tử và phôi, 34% sử dụng ánh sáng phòng mờ, 23% làm việc trong điều kiện tắt hẳn đèn. Hơn một nửa (59%) quan tâm đến ảnh hưởng của ánh sáng đến chất lượng mẫu, nhưng chỉ 19% ghi nhận sự cố sai lệch mẫu và đa số không cho rằng nguyên nhân là do thiếu ánh sáng. Dù vậy, kết quả cho thấy nhiều chuyên viên vẫn làm việc trong điều kiện chiếu sáng không phù hợp dẫn đến thiếu nhận thức về rủi ro tiềm ẩn.
Tác động của ánh sáng không đủ đến quy trình và hiệu suất nhân viên
Phân tích Sai lỗi và tác động (Failure Mode and Effects Analysis - FMEA) được áp dụng để đánh giá rủi ro từ điều kiện chiếu sáng không đạt chuẩn. Kết quả chỉ ra 10 “chế độ lỗi” (failure modes) chủ yếu xảy ra ở các giai đoạn: thao tác với mẫu, quản lý hồ sơ bệnh nhân và sức khỏe thể chất, tâm lý của nhân viên. Các hậu quả bao gồm: nhầm lẫn mẫu, lựa chọn sai phôi để chuyển/trữ/hủy, ghi chép sai hồ sơ, mất mẫu do va chạm và chậm trễ thao tác. Chỉ số ưu tiên rủi ro (Risk Priority Number - RPN) cao nhất là 30, liên quan đến lỗi chọn sai phôi, cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt y học, pháp lý và đạo đức. Ngoài rủi ro chuyên môn, ánh sáng yếu còn gây mỏi mắt, đau đầu, mệt mỏi, giảm sự tập trung và hiệu suất làm việc, từ đó tăng nguy cơ sai sót và giảm chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Việc cải thiện chiếu sáng có thể giúp nâng cao độ chính xác, cải thiện nhận diện mẫu, tạo điều kiện làm việc thoải mái cho nhân viên và giảm tỷ lệ sự cố. Các hành động nên ưu tiên giảm xác suất lỗi, sau đó là tăng khả năng phát hiện lỗi, cuối cùng mới là giảm mức độ nghiêm trọng (vì thường khó can thiệp hơn).
Kết luận
Mặc dù nhiều nghiên cứu ghi nhận tác động tiêu cực của ánh sáng lên giao tử và phôi, việc tránh hoàn toàn ánh sáng là không thực tế vì một số thao tác cần ánh sáng – đặc biệt dưới kính hiển vi. Do đó, việc duy trì mức chiếu sáng môi trường hợp lý là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng thao tác và sức khỏe tinh thần nhân viên. Sự hiện diện của cửa sổ không nhất thiết phải loại bỏ như trước đây, nhưng cần lưu ý đến việc sử dụng các bộ lọc và kiểm soát nhiệt độ, áp suất ổn định. Các phòng lab cần thực hiện đánh giá rủi ro chính thức đối với điều kiện chiếu sáng để xây dựng chính sách vận hành phù hợp, đảm bảo sự an toàn cho mẫu sinh sản, nhân sự và toàn bộ quy trình IVF.
Nguồn: Pisaturo, V., Alteri, A., Tilleman, K., & Mortimer, D. (2024). Shedding light on the ART laboratory. Reproductive biomedicine online, 48(3), 103713. https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2023.103713









Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)
Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...