CNSH. Huỳnh Yến Vy – IVFMD Phú Nhuận – Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
Sau khi noãn được thụ tinh với tinh trùng thông qua kỹ thuật IVF cổ điển (in vitro fertilisation – IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI), sự xuất hiện của thể cực thứ hai cùng với hai tiền nhân (two pronuclei – 2PN) được xem là chỉ dấu hình thái đặc trưng cho quá trình thụ tinh bình thường. Tuy nhiên, vẫn có thể quan sát hiện tượng thụ tinh không điển hình, chẳng hạn như sự hình thành hợp tử đơn tiền nhân (mono-pronucleic – 1PN), vốn là một hiện tượng gây nhiều tranh luận trong lâm sàng hỗ trợ sinh sản do tính không xác định về thành phần di truyền. Tần suất xuất hiện của hợp tử 1PN dao động từ khoảng 4–8% trong IVF và 2–5% trong ICSI. Một số cơ chế giả định được đưa ra nhằm giải thích hiện tượng này bao gồm: (1) hoạt động sinh sản đơn tính chỉ với vật liệu di truyền từ mẹ; (2) hình thành một tiền nhân đơn chứa cả bộ gen của bố và mẹ; (3) sự tiêu biến sớm của một trong hai tiền nhân; hoặc (4) sự hợp nhất sớm giữa hai tiền nhân trước khi quan sát. Do tính không chắc chắn về tình trạng di truyền, các phôi phát sinh từ hợp tử 1PN thường bị loại khỏi quy trình lâm sàng, ngay cả khi đã phát triển đến giai đoạn phôi nang, hoặc không được ưu tiên trong lựa chọn chuyển phôi. Tuy nhiên, nhiều báo cáo đã ghi nhận sự ra đời của trẻ khỏe mạnh sau khi chuyển phôi 1PN ở giai đoạn phôi nang, gợi ý rằng số lượng tiền nhân quan sát được không luôn phản ánh chính xác tình trạng độ bội của phôi. Ngoài ra, các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing for aneuploidy – PGT-A) ở giai đoạn phôi nang cho thấy rằng một tỷ lệ đáng kể phôi 1PN có thể mang bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội bình thường với nguồn gốc di truyền từ cả bố và mẹ. Do tính chất hiếm gặp và không được ưu tiên chuyển phôi, tiên lượng phát triển và giá trị lâm sàng của phôi 1PN phần lớn dựa trên các nghiên cứu quy mô nhỏ. Vì vậy, cần thiết tiến hành các đánh giá có hệ thống về tiềm năng phát triển và khả năng làm tổ của phôi 1PN, nhằm làm sáng tỏ vai trò lâm sàng, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nhân có số lượng phôi hạn chế, nơi mà việc tận dụng tối đa nguồn phôi có thể góp phần cải thiện tỷ lệ thành công trong điều trị.
Mục tiêu: Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này nhằm là làm sáng tỏ kết quả phát triển, lâm sàng và sơ sinh của phôi từ hợp tử 1PN so với phôi từ hợp tử 2PN, để xác định xem phôi từ hợp tử 1PN có phải là lựa chọn khả thi hay không trong trường hợp bệnh nhân không có phôi từ hợp tử 2PN.
Thiết kế nghiên cứu:
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách tìm kiếm toàn diện trên nhiều cơ sở dữ liệu, bao gồm PubMed, Embase và Thư viện Cochrane vào ngày 6 tháng 3 năm 2024 bằng cách sử dụng các từ khóa cụ thể liên quan đến một tiền nhân - 1PN như là ‘single pronuclear’ hoặc ‘monopronuclear’ hoặc ‘one pronuclear’ hoặc ‘1PN’) và hai tiền nhân - 2PN như là ‘double pronuclear’ hoặc ‘two pronuclear’. Cuối cùng có 24 nghiên cứu đã được đưa vào bài đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp này. Có tổng cộng 291.474 phôi, trong đó có 21.345 trong nhóm “1PN” và 270.039 trong nhóm “2PN”.
Kết quả:
Về tỉ lệ hình thành phôi nang
Mười lăm nghiên cứu đã được phân tích về tỷ lệ hình thành phôi nang. Ở nhóm 1PN có tỷ lệ tạo phôi nang thấp hơn so với nhóm 2PN (n = 206.876 phôi, p < 0,00001). Có bảy nghiên cứu đã báo cáo về phương pháp IVF, 10 nghiên cứu được phân nhóm cho ICSI, hai nghiên cứu bao gồm cả IVF và ICSI mà không có dữ liệu phân nhóm. Ở cả hai phương pháp, nhóm 1PN đều có tỷ lệ tạo phôi nang thấp hơn so với nhóm 2PN (IVF: n = 86.472 phôi, p <0,00001; ICSI: n = 76.752 phôi, p <0,00001).
Chín nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ hình thành phôi nang chất lượng tốt. Tương tự như tỷ lệ tạo phôi nang, tỷ lệ tạo phôi nang chất lượng tốt thấp hơn ở nhóm 1PN so với nhóm 2PN (n = 155.826 phôi, p <0,00001).
Về tỉ lệ phôi nguyên bội và lệch bội
Năm nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ phôi nguyên bội, kết quả cho thấy rằng tỷ lệ tương tự nhau giữa nhóm 1PN và nhóm 2PN (n = 23.938 phôi, p = 0,10).
Bốn nghiên cứu đã đánh giá tỷ lệ lệch bội của phôi và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nhóm 1PN so với nhóm 2PN (n = 7.221 phôi, p= 0,80).
Về tỉ lệ làm tổ
Sáu nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ làm tổ của phôi nang và không có sự khác biệt giữa nhóm 1PN và nhóm 2PN (n = 3.404 phôi, p= 0,23).
Chỉ có một nghiên cứu báo cáo về tỷ lệ làm tổ của phôi nang nguyên bội thông qua PGT-A và tương tự, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm 1PN và nhóm 2PN (n = 1.849 phôi, p = 0,32).
Về tỉ lệ thai lâm sàng
Mười ba nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ mang thai lâm sàng đối với phôi nang. Nhìn chung, đối với tất cả các phương pháp (IVF, ICSI và cả hai phương pháp), nhóm 1PN có tỷ lệ mang thai lâm sàng thấp hơn so với nhóm 2PN (n = 59.844 phôi, p <0,00001).
Có 11 nghiên cứu được phân nhóm về IVF, bảy nghiên cứu đã báo cáo về ICSI và hai nghiên cứu có cả IVF và ICSI không có dữ liệu phân nhóm. Kết quả cho thấy rằng ở nhóm 1PN có tỷ lệ mang thai lâm sàng thấp hơn so với nhóm 2PN đối với tất cả các phương pháp (IVF: n = 31.330 phôi, p = 0,0001; ICSI: n = 15.143 phôi, p < 0,00001; cả IVF và ICSI không có dữ liệu phân nhóm: n = 13.601 phôi, p = 0,03).
Một nghiên cứu về tỷ lệ mang thai lâm sàng đối với phôi nang nguyên bội PGT-A, kết quả không có sự khác biệt ở nhóm 1PN khi so sánh với nhóm 2PN về thai kỳ lâm sàng (n = 582 phôi, p = 0,11).
Về tỉ lệ trẻ sinh sống
Tám nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ sinh sống đối với phôi nang. Sáu nghiên cứu đã báo cáo về phương pháp IVF và ba nghiên cứu cung cấp dữ liệu về phương pháp ICSI và hai nghiên cứu bao gồm cả IVF và ICSI mà không có dữ liệu phân nhóm. Đối với phân nhóm IVF, không có sự khác biệt ở nhóm 1PN khi so sánh với nhóm 2PN (n = 12.521 phôi, p = 0,44). Tuy nhiên, đối với phân nhóm ICSI, nhóm 1PN có tỷ lệ sinh con sống thấp hơn so với nhóm 2PN (n = 11.444 phôi, p< 0,0001)
Hai nghiên cứu đã cung cấp kết quả về tỷ lệ sinh sống đối với phôi nang nguyên bội thông qua phương pháp xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A) và không quan sát thấy sự khác biệt rõ ràng nào giữa nhóm 1PN và nhóm 2PN (n = 3.486 phôi, p = 0,24).
Về tỉ lệ sảy thai
Mười ba nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ sảy thai đối với phôi nang, mặc dù xu hướng là nhóm 1PN có tỷ lệ sảy thai cao hơn nhưng không có ý nghĩa thống kê (n = 24.815 phôi, p= 0,06). Mười nghiên cứu đã báo cáo về phương pháp IVF và ba nghiên cứu bao gồm cả hai phương pháp thụ tinh không có dữ liệu phân nhóm. Và kết quả không có sự khác biệt rõ về tỷ lệ sảy thai giữa nhóm 1PN và nhóm 2PN đối với IVF và ICSI, trong đó
-
Đối với phương pháp IVF có n = 10.237 phôi, p = 0,46;
-
Đối với phương pháp ICSI: n = 5.362 phôi, p = 0,43;
-
Đối với cả IVF và ICSI: n = 2650 phôi, p = 0,002).
Đối với phôi nang nguyên bội PGT-A, chỉ có một nghiên cứu báo cáo về tỷ lệ sảy thai và kết quả cho thấy nhóm 1PN có tỷ lệ sẩy thai cao hơn so với nhóm 2PN (n = 582 phôi, p = 0,005).
Về kết quả sơ sinh
Các tỷ lệ dị tật, cân nặng khi sinh, chiều dài khi sinh và tuổi thai, không có sự khác biệt giữa nhóm 1PN và nhóm 2PN. Cụ thể, chín nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ dị tật (n=11.920 phôi, p = 0,52), năm nghiên cứu về cân nặng khi sinh (n = 5.766 phôi, p = 0,16), hai nghiên cứu đã báo cáo về chiều dài khi sinh (n = 286 phôi, p = 0,85) và bốn nghiên cứu về tuổi thai (n = 5.766 phôi, p =0,78).
Kết luận: Những kết quả từ những nghiên cứu cung cấp thêm thông tin đối với những bệnh nhân có tiên lượng kém với số lượng phôi từ hợp tử 2PN còn hạn chế và có thể hỗ trợ tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên viên phôi học về việc sử dụng phôi từ hợp tử 1PN. Ngoài ra, cần nhiều nghiên cứu trong tương lai thông qua sử dụng công nghệ theo dõi phôi liên tục có tích hợp camera (timelapse) và sàng lọc di truyền PGT để xác nhận sự lưỡng bội của phôi từ hợp tử 1PN và từ đó mở rộng các lựa chọn vượt ra ngoài phôi 2PN.
Tài liệu tham khảo:
Tammy Lee , Fang Qi , Kelli Peirce , Jay Natalwala , Vincent Chapple , Peter J. Mark , Katherine Sanders , Yanhe Liu , To discard or not to discard 1PNs? A systematic review and meta-analysison 291,474 embryos, Reproductive BioMedicine Online (2025), doi: https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2025.105080










Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)
Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...