Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 12-03-2025 9:23am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đoàn Thị Thùy Dương – IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI) là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản quan trọng, đặc biệt đối với nam giới mắc chứng vô tinh (azoospermia), khi kết hợp với phương pháp lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận về việc có nên sử dụng tinh trùng tinh hoàn trong ICSI đối với nam giới mắc chứng thiểu tinh trùng (oligozoospermia) hay không. Một số nghiên cứu cho rằng việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn chỉ thực sự có lợi trong những trường hợp mà tinh trùng lấy từ tinh dịch bị tổn thương DNA nghiêm trọng, làm giảm khả năng thụ tinh và phát triển phôi.
Tính toàn vẹn của DNA tinh trùng được cho là một yếu tố quan trọng trong nguyên nhân gây vô sinh nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thương DNA tinh trùng là stress oxy hóa, đặc biệt là trong quá trình tinh trùng di chuyển qua mào tinh. Nếu quá trình này bị rối loạn, tinh trùng có thể bị tổn thương, ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh và phát triển phôi sau ICSI. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng tổn thương DNA tinh trùng có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các chu kỳ ICSI sử dụng tinh trùng từ tinh dịch (ICSI cycles with ejaculated sperm - Ej-ICSI). Vì vậy, việc sử dụng tinh trùng lấy trực tiếp từ tinh hoàn (ICSI cycles using testicular sperm - T-ICSI) có thể mang lại kết quả tốt hơn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu hiện nay về hiệu quả của I-ICSI vẫn còn tranh cãi. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các yếu tố dự báo sự thành công của ICSI sử dụng tinh trùng tinh hoàn (T-ICSI) ở nam giới mắc oligozoospermia, những người đã từng thất bại với chu kỳ ICSI trước đó khi sử dụng tinh trùng từ tinh dịch (Ej-ICSI).
 
Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 8 năm 2022 trên 154 cặp vợ chồng có chồng mắc oligozoospermia có hai chu kì Ej-ICSI không thành công. Trước khi thự hiện T-ICSI, chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DNA fragmentation index - DFI) đã được đánh giá trong các mẫu xuất tinh. Những người tham gia được chia thành hai nhóm: nhóm A: Sinh con sống (+) và Nhóm B: Sinh con sống (-).
 
Kết quả
Nghiên cứu cho thấy tổng số tinh trùng di động (total motile sperm - TMS) ở nhóm A cao hơn đáng kể so với nhóm B (3,8 ± 1,5 triệu so với 3 ± 1,6 triệu; p = 0,002). Ngoài ra, nhóm A có DFI cao hơn đáng kể so với nhóm B (24,2 ± 12,3 so với 18,1 ± 11; p = 0,001). Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về hình thái tinh trùng (p  = 0,221), nồng độ hormone nam (FSH (p=0,442), LH (p=0,292) và testosterone (p=0,811)), tuổi vợ (p=0,118), nồng độ hormone nữ (FSH (p=0,271) và AMH (p=0,378)), tổng số noãn thu được (p=0,112) và tổng số noãn trưởng thành (p=0,663) giữa nhóm A và nhóm B.
Khi phân tích hồi qui đa biến giữa các yếu tố khác nhau và khả năng sinh con thành công thì thấy rằng không thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa kết quả sinh con và tuổi hoặc BMI của vợ chồng. Về các thông số tinh dịch đồ, không có mối quan hệ giữa kết quả sinh con sống và mật độ tinh trùng (OR: 1,04; 95%, KTC 0,94−1,15, p  = 0,435). Tuy nhiên, TMS (OR: 1,46; 95%, KTC 1,14−1,87, p = 0,003) và DFI (OR: 1,04; 95%, KTC 1,01−1,08, p  = 0,009) có mối tương quan với kết quả sinh con sống. Ngoài ra, hình thái tinh trùng không ảnh hưởng đến kết quả sinh con sống (OR: 1,40; 95%, KTC 0,99−1,98, p  = 0,051).
Về giá trị độ nhạy và độ đặc hiệu tối ưu thì tại điểm cắt 2,55 (diện tích dưới đường cong (area under the curve - AUC) = 0,65), giá trị độ nhạy và độ đặc hiệu tối ưu cho TMS lần lượt là 78% và 48%. Tại điểm cắt là 25,8 (AUC = 0,65), DFI có độ nhạy tối đa là 51,7% và độ đặc hiệu là 78,7%.
 
Bàn luận
Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của T-ICSI ở nam giới mắc oligozoospermia sau thất bại với Ej-ICSI. Kết quả cho thấy số lượng tổng tinh trùng di động (TMS) và chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) là các yếu tố dự báo quan trọng cho kết quả sinh con sống. Các nghiên cứu trước đây cho thấy T-ICSI có thể mang lại tỷ lệ mang thai và sinh con sống cao hơn trong các trường hợp có DFI cao, nhưng kết quả vẫn còn tranh cãi. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tinh trùng từ tinh hoàn có chất lượng DNA tốt hơn so với tinh trùng xuất tinh, giúp cải thiện khả năng phát triển phôi và làm tổ. Tuy nhiên, việc lấy tinh trùng từ tinh hoàn là một thủ thuật xâm lấn với nguy cơ biến chứng, do đó cần lựa chọn bệnh nhân phù hợp. Nghiên cứu này gợi ý rằng T-ICSI có thể là lựa chọn hợp lý cho các trường hợp có TMS cao và DFI vượt ngưỡng, nhưng cần thêm nghiên cứu để xác nhận.
 
Kết luận
TMS và DFI được phát hiện là những yếu tố dự báo quan trọng về kết quả sinh con sống ở các cặp đôi có chồng bị thiểu tinh đang thực hiện T-ICSI. Những phát hiện này có thể giúp các bác sĩ lâm sàng điều chỉnh các chiến lược điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
 
Nguồn: Ibis, M. A., Ozdemir, E. U., Obaid, K., Akpinar, C., Ozmen, B., Aydos, K., & Yaman, O. (2024). Testicular sperm retrieval for intracytoplasmic sperm injection: when to consider it after unsuccessful intracytoplasmic sperm injection with ejaculated sperm?. Andrology.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Năm 2020

TP. Hồ Chí Minh, Thứ Bảy ngày 31 . 05 . 2025

Năm 2020

Cập nhật lịch tổ chức sự kiện và xuất bản ấn phẩm của ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK