Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-07-2021 4:02pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFAS, Bệnh viện An Sinh

Sẩy thai liên tiếp (Recurrent pregnancy loss - RPL) chiếm khoảng 1-5% các cặp đôi ở độ tuổi sinh sản theo ESHRE (2019). Sẩy thai được định nghĩa là sự thoái triển tự nhiên của thai kỳ trước khi thai nhi có khả năng sống (trước 24 tuần của thai kỳ) và sẩy thai liên tiếp là tình trạng sẩy thai từ 3 lần trở lên. Định nghĩa bao gồm tất cả thai kỳ tự nhiên và thai kỳ từ IVF; không bao gồm thai ngoài tử cung, thai trứng và thất bại làm tổ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sẩy thai như: bất thường tử cung (cấu trúc, viêm NMTC mãn tính), hội chứng kháng phospholipid, bệnh lý tăng đông di truyền, các yếu tố nội tiết, di truyền, môi trường và tâm lý. Sẩy thai liên tiếp không chỉ ảnh hưởng tâm lý, chi phí của các cặp vợ chồng mà còn là một thách thức không nhỏ cho ngành chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
 
Thiếu sắt (Iron deficiency – ID) là tình trạng thiếu đơn chất dinh dưỡng. Huyết thanh ferritin (s-ferritin) phản ánh lượng sắt dự trữ trong cơ thể và được sử dụng rộng rãi nhằm xác định tình trạng thiếu sắt <15 µg/L.) theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới. Một số đề xuất nên nâng cao ngưỡng lên 30 µg/L nhằm tăng độ nhạy với tình trạng thiếu sắt. Sắt là chất cần thiết trong sản xuất hemoglobin, chuyển hoá tế bào và chức năng miễn dịch. Nhu cầu sắt cao hơn trong thời kỳ mang thai do sự phát triển của bào thai và sự nở rộng thể tích máu ở người mẹ nhằm đáp ứng nhu cầu oxy tăng lên giữa mẹ và thai nhi. Tình trạng thiếu sắt, có và không thiếu máu, trước hoặc trong thời kỳ đầu mang thai được cho là có liên quan đến việc trẻ sinh ra nhẹ cân và sinh non, việc bổ sung sắt sớm được chứng minh giúp làm tăng trọng lượng trẻ khi sinh và giảm nguy cơ sinh non.
 
Theo một nghiên cứu tại Đan Mạch gần đây trên nữ giới hiến máu ở độ tuổi sinh sản, tình trạng thiếu sắt chiếm 39% dù không có biểu hiện lâm sàng nào (Rigas và cs., 2019). Milman và cs. (2017) báo cáo tình trạng thiếu sắt ở độ tuổi sinh sản chiếm 10-33% ở các nước châu Âu. Tình trạng ID cao cho thấy nhiều phụ nữ có thể thiếu sắt khi lên kế hoạch mang thai, do đó tại Đan Mạch khuyết cáo nên bổ sung sắt cho tất cả phụ nữ mang thai từ tuần thứ 10 của thai kỳ. Theo Uche-Nwachi và cs. (2010), những phụ nữ sẩy thai từ 2-3 lần có khả năng bị thiếu máu cao hơn so với những người chỉ bị sẩy 1 lần. Vì sắt rất cần thiết cho quá trình phân chia và tổng hợp của tế bào, một số giả thuyết đưa ra tình trạng thiếu sắt có thể ảnh hưởng sự phát triển của nhau thai từ đó tăng nguy cơ sẩy thai. Trên mô hình động vật, sự thiếu hụt sắt được chứng minh làm giảm tuần hoàn mạch máu của nhau thai, làm giảm lưu lượng máu và sự chuyển giao chất dinh dưỡng từ mẹ đến thai nhi. Như vậy, có thể nói dự trữ đủ sắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thai nhi và kết quả sinh con thành công khoẻ mạnh.
 
Số lượng nghiên cứu về mối tương quan giữa việc thiếu sắt và sẩy thai liên tiếp vẫn còn rất ít. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá việc nồng độ ferritin (s-ferritin) huyết thanh thấp có liên quan đến tình trạng sẩy thai liên tiếp (RPL) không và liệu s-ferritin thấp có thể dự báo nguy cơ sẩy thai hay khả năng thụ thai hay không.
 
Nghiên cứu đoàn hệ so sánh nồng độ s-ferritin trên 84 phụ nữ sẩy thai liên tiếp và 153 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không có vấn đề về khả năng sinh sản. Trong đó, nhóm RPL là 84 phụ nữ sẩy thai liên tiếp chưa rõ nguyên nhân từ 2013 – 2016, có độ tuổi từ 18 – 41 tuổi, chu kỳ kinh nguyệt 21-35 ngày, không ai trong nhóm đang dùng chất bổ sung sắt, ngoại trừ một số trường hợp dùng công thức vitamin tổng hợp. Nhóm đối chứng là 153 phụ nữ tham gia thăm khám từ 2011-2014, độ tuổi từ 25-42 tuổi, không sử dụng liệu pháp tránh thai bằng nội tiết hoặc có vấn đề về sinh sản. S-ferritin có tăng lên ngay sau sẩy thai do viêm nhiễm, do đó tác giả tránh yếu tố gây nhiễu bằng cách đo s-ferritin trước khi mang thai.
 
Nhóm sẩy thai liên tiếp có độ tuổi trung bình cao hơn (35 so với 33 tuổi) và chỉ số khối cơ thể trung bình cao hơn (BMI; 23,4 so với 21,7 kg/m2) so với nhóm phụ nữ bình thường. Nhóm RPL có mức s-ferritin trung bình thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng (39,9µg/L so với 62,2µg/L). Số lượng phụ nữ sẩy thai liên tiếp mắc tình trạng thiếu sắt (nồng độ s-ferritin < 15µg/L) chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với nhóm chứng (10,7% so với 4,5%). Ngoài ra, nhóm phụ nữ RPL có tỉ lệ s-ferritin < 30µg/L cao hơn so với nhóm chứng (35,7% so với 13,7%). Chia nhóm RPL thành 3 nhóm: sẩy 2-3 lần, 4 hoặc ≥5 lần, nhóm nghiên cứu nhận thấy mối tương quan nghịch giữa mức s-ferritin và số lần sẩy thai trước đó, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (số lần sẩy càng ít có nồng độ s-ferritin càng cao). Nhóm tác giả cho rằng s-ferritin thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình mang thai. Tuy nhiên, không thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa trữ lượng sắt thấp trước khi sinh và khả năng có thai trong suốt 2 năm theo dõi, cũng như nguy cơ sẩy thai lần nữa. Trong mô hình hồi quy logistic điều chỉnh theo tuổi, chỉ số BMI, thói quen hút thuốc và số lần sẩy thai, s-ferritin không liên quan đến lần sẩy thai. Cỡ mẫu còn nhỏ có thể là nguyên nhân cho vấn đề này.
 
Như vậy, nồng độ huyết thanh s-ferritin thấp có thể liên quan đến rối loạn sinh sản nghiêm trọng hơn ở những trường hợp sẩy thai liên tiếp, nhưng dường như không ảnh hưởng đến khả năng có thai. Nghiên cứu có giới hạn là cỡ mẫu nhỏ và số lượng phụ nữ thiếu sắt tương đối ít nếu so với cỡ mẫu trong những nghiên cứu khác, do đó có thể không thấy được mối tương quan.
 
 Nguồn: Georgsen, M., Krog, M. C., Korsholm, A. S., Hvidman, H. W., Kolte, A. M., Rigas, A. S., ... & Hansen, M. B. (2021). Serum ferritin level is inversely related to number of previous pregnancy losses in women with recurrent pregnancy loss. Fertility and Sterility, 115(2), 389-396.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK