Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 26-06-2021 8:43am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Nguyễn Thị Minh Phượng, Chuyên viên phôi học – IVFMD Tân Bình

Đối với một chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản (HTSS), noãn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Noãn người được bảo vệ bởi một cấu trúc glycoprotein (gồm 4 loại glycoprotein là: ZP1, ZP2, ZP3 và ZP4) trong suốt sự phát triển của nang noãn được gọi là màng zona pellucida (ZP) (Lefievre L và cs, 2004; Saldivar-Hernandez A, 2015). Trong quá trình thụ tinh, ZP là yếu tố để tạo liên kết  đặc hiệu giữa noãn và tinh trùng, phản ứng acrosome và ngăn chặn quá trình đa thụ tinh (Gupta SK và cs, 2015). Ngoài ra, đây cũng là một cấu trúc bảo vệ phôi khi di chuyển trong ống dẫn trứng đến tử cung ở điều kiện in vivo hoặc tránh khỏi các tác nhân gây stress lên phôi trong quá trình phát triển của phôi in vitro (Choi JK và cs, 2015; Choi JK và cs, 2010).

Các bất thường về hình thái ZP phổ biến như bất thường về thành phần, hình dạng, màu sắc hay độ dày của ZP có thể dẫn tới nguy cơ bất thường khi phân chia tế bào, giảm tỷ lệ phôi làm tổ và mang thai thấp. Hình thái ZP bất thường chiếm khoảng 2-5 % trong tổng số noãn thu nhận (Rienzi L và cs, 2011). Ngoài ra, trong nghiên cứu của Li M và cộng sự (2014) tuy kích thước mẫu hạn chế nhưng đã cho thấy noãn có màng ZP không đồng nhất (heterogeneous zona pellucida – HZP) có liên quan tới việc giảm sự trưởng thành của noãn, giảm tỷ lệ thụ tinh cũng như phôi chất lượng tốt.

Nghiên cứu này được thực hiện bới Pan và cộng sự (2020), với mục đích khảo sát các đặc điểm phôi học và kết quả lâm sàng của noãn HZP trong chu kỳ IVF và ICSI so với các noãn bình thường.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại Đại học Y Ôn Châu từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 3 năm 2016. Các noãn thu nhận được phân thành hai nhóm: có sự hiện của noãn HZP và nhóm đối chứng là các noãn bình thường về mặt hình thái, thu nhận trong cùng ngày. Đặc điểm phôi học và kết quả lâm sàng là hai yếu tố đánh giá chính.

Một số kết quả thu nhận được:
  • Có 29 chu kỳ IVF và 46 ICSI trong nhóm HZP, và 521 IVF và 206 chu kỳ ICSI ở nhóm không HZP (đối chứng). Trong các chu kỳ ICSI, tỷ lệ noãn MII và phôi tốt thấp hơn ở nhóm HZP (p <0,05) so với noãn bình thường. Trong các chu kỳ IVF, tỷ lệ noãn MII (p <0,001), thụ tinh bình thường (p <0,001) và phôi phân chia (p <0,001) thấp hơn, trong khi tỷ lệ phôi ngừng phát triển (p <0,001) cao hơn ở nhóm HZP so với nhóm chứng. Kết quả phù hợp với một số nghiên cứu trước đó.
  • Tỷ lệ human chorionic gonadotropin (hCG) dương tính, tỷ lệ phôi làm tổ, mang thai và sẩy thai là tương tự nhau giữa cả hai nhóm. 
  • Phân tích đa biến cho thấy tuổi của người phụ nữ (OR = 0,916 KTC 95% 0,873–0,962; p<0,001) và số lượng phôi tốt ngày 3 (OR = 1,120 95% CI 1,004–1,249; p = 0,043) có liên quan đến tỷ lệ mang thai trong chu kỳ IVF, nhưng không tìm thấy yếu tố tác động có ý nghĩa thống kê trong chu kỳ ICSI.
Nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế như hiện nay các trường hợp noãn HZP vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, mức độ biểu hiện HZP từng bệnh nhân là khác nhau và cỡ mẫu tương đối nhỏ. Vì vậy cần có một nghiên cứu đa trung tâm để cung cấp thêm các bằng chứng cụ thể.

Nhìn chung, phụ nữ có noãn biểu hiện HZP đều có thể mang thai sau khi điều trị IVF hoặc ICSI. Tuy nhiên, thông qua nghiên cứu này ICSI có thể giúp giảm tỷ lệ thụ tinh kém và hủy chu kỳ trong các chu kỳ HTSS có noãn HZP.

Nguồn: Pan, Chengshuang, and Huan Zhang. "Embryological Characteristics and Clinical Outcomes of Oocytes with Heterogeneous Zona Pellucida During Assisted Reproduction Treatment: A Retrospective Study." Medical Science Monitor: International Medical Journal of Experimental and Clinical Research 26 (2020): e924316-1.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK