Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 18-06-2021 8:09am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) ra đời cho phép các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố nam giới có khả năng có con của chính họ. Phức hợp noãn- tế bào hạt sau khi thu nhận từ chọc hút được tách bỏ lớp tế bào hạt bao quanh noãn và những noãn trưởng thành sẽ được ICSI. Hiện nay, các mốc thời gian để chọc hút noãn, tách noãn, ICSI có sự khác biệt đáng kể giữa các trung tâm IVF, tuỳ vào chính sách của từng trung tâm mà các mốc thời gian trên được quy định để phù hợp với quy trình.
 
Trong suốt quá trình phát triển của nang noãn, tế bào hạt bao xung quanh giúp noãn phát triển về nhân và tế bào chất thông qua cơ chế tự tiết/ cận tiết cũng như qua cầu nối liên bào. Trước khi phóng noãn, các tế bào hạt xung quanh bắt đầu tăng nhanh về số lượng và mở rộng ra, cung cấp các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của noãn. Bên cạnh đó, tế bào hạt còn có vai trò trong giai đoạn nghỉ của noãn, điều hoà phiên mã và cảm ứng sự trưởng thành tế bào chất. Sau khi rụng, noãn tiếp tục giảm phân dưới sự kích thích của hormone LH, dừng lại ở giai đoạn metaphase II và đạt đến sự trưởng thành về nhân. Đồng thời, các tế bào hạt sản xuất acid hyaluronic, tiếp tục hỗ trợ sự trưởng thành tế bào chất bằng cách kích thích biểu hiện gen và giảm stress oxy hoá. Nhiều nghiên cứu cho thấy các tế bào hạt sau khi phóng noãn vẫn duy trì cầu nối liên bào, do vậy có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự trưởng thành của noãn. Tuy nhiên trong ICSI, những tế bào hạt xung quanh phải được loại bỏ để đánh giá sự trưởng thành cũng như xác định vị trí thể cực (ở vị trí 6h hoặc 12h) để tiêm tinh trùng vào noãn. Do đó, một câu hỏi đã được đặt ra là khi nào thì nên loại bỏ các tế bào hạt để đảm bảo kết quả ICSI.
 
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thời gian tối ưu để chọc hút, tách noãn và ICSI. Vài nghiên cứu báo cáo rằng thời gian từ lúc chọc hút đến lúc tách noãn kéo dài có thể cải thiện tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ tạo phôi nang, điều này cho thấy noãn nên được cấy vài giờ trước khi tách. Tuy nhiên nghiên cứu khác trên chuột lại chỉ ra rằng cấy noãn kéo dài trước khi tách có thể gây apoptosis trên noãn. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác đề nghị nên tách noãn ngay khi vừa mới thu nhận từ chọc hút. Tương quan tiêu cực giữa thời gian tách noãn và ICSI cũng đã được báo cáo. Vài nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian từ lúc tách noãn đến lúc ICSI kéo dài làm giảm tỉ lệ thụ tinh và có thể tác động xấu đến kết quả thai. Với các kết quả không được thống nhất như trên, Xue Wang và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm phân tích về tác động của các khoảng thời gian trong quy trình ICSI lên sự phát triển của phôi và kết quả lâm sàng cũng như xác định khoảng thời gian tối ưu trong các chu kỳ ICSI.
 
Tổng quan hệ thống thu nhận dữ liệu từ các nghiên cứu công bố đến tháng 07/2020. Những nghiên cứu mô tả ảnh hưởng của thời gian tách noãn lên sự phát triển của phôi và kết quả lâm sàng được nhận vào nghiên cứu này. Tổng cộng có 24 bài báo (20 bài toàn văn và 4 bài tóm tắt) được nhận vào phân tích, trong đó có 16 nghiên cứu hồi cứu và 8 nghiên cứu tiến cứu.
 
Đánh giá tác động của thời gian từ khi chọc hút đến tách noãn (OPU- DN), 11 nghiên cứu cho thấy kéo dài thời gian OPU-DN không làm tăng tỉ lệ trưởng thành noãn. Trong khi đó, 1 nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trưởng thành noãn thấp hơn đáng kể khi tách noãn ngay lập tức so với nuôi cấy noãn sau chọc hút trong khoảng 4 giờ (80,5% so với 91,9%). Trong 17 nghiên cứu đánh giá về tác động của thời gian OPU-DN lên tỉ lệ thụ tinh có 11 nghiên cứu báo cáo rằng không có sự tác động nào được quan sát thấy. Tuy nhiên, 5 nghiên cứu còn lại báo cáo rằng kéo dài thời gian OPU-DN giúp cải thiện tỉ lệ thụ tinh và 1 nghiên cứu báo cáo rằng tỉ lệ thụ tinh cao nhất khi tách noãn sau 2 giờ nuôi cấy so với nhóm 2-3 giờ sau nuôi cấy hoặc nuôi cấy với thời gian dài hơn (91,2% so với 87,3% so với  82,0%). Tác động của thời gian OPU-DN lên sự phát triển và chất lượng phôi cũng được đánh giá trong 11 nghiên cứu. Trong đó, 6 nghiên cứu báo cáo rằng thời gian OPU-DN không tác động lên chất lượng của phôi. Những nghiên cứu còn cho thấy tỉ lệ phôi tốt tăng đáng kể khi tăng thời gian OPU-DN. Có 2 nghiên cứu báo cáo rằng tỉ lệ hình thành phôi nang cao hơn khi nuôi cấy noãn trong khoảng 2 hoặc 4 giờ so với tách noãn ngay khi chọc hút, nhưng khác biệt không đáng kể. Trong 7 nghiên cứu đánh giá tác động của thời gian OPU-DN lên tỉ lệ làm tổ, 6 nghiên cứu cho thấy thời gian này không tương quan với tỉ lệ làm tổ. Bên cạnh đó, 15 nghiên cứu báo cáo rằng kéo dài thời gian OPU-DN không giúp cải thiện tỉ lệ thai.
 
Trong các nghiên cứu đánh giá về mối tương quan giữa thời gian từ khi tách noãn đến khi ICSI (DN-ICSI) lên tỉ lệ trưởng thành noãn, 3 nghiên cứu cho kết quả rằng không cải thiện tỉ lệ trưởng thành noãn khi kéo dài thời gian DN-ICSI, 1 nghiên cứu cho thấy việc kéo dài thời gian cấy giúp tăng tỉ lệ noãn trưởng thành nhưng không giải thích được cơ chế tác động. Khi phân tích trên tỉ lệ thụ tinh, 7 nghiên cứu báo cáo rằng thời gian DN-ICSI không ảnh hưởng lên tỉ lệ thụ tinh trong khi 5 nghiên cứu khác cho kết quả đối lập. Một nghiên cứu báo cáo rằng thời gian DN-ICSI trong khoảng 0 - 3 giờ có ảnh hưởng tiêu cực lên tỉ lệ thụ tinh, một số khác thì báo cáo tỉ lệ thụ tinh giảm đáng kể khi khoảng thời gian này dài hơn 6 giờ. Có 4 trong 5 nghiên cứu báo rằng thời gian DN-ICSI không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi, nghiên cứu còn lại cho thấy tỉ lệ phôi chất lượng tốt giảm không đáng kể khi thời gian DN-ICSI dài hơn 5 giờ. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng ICSI noãn sau tách trong khoảng 3 giờ cho nhiều phôi chất lượng tốt hơn so với ICSI liền sau tách noãn (37,3% với 27,9%; p < 0,05). Trong các nghiên cứu đánh giá về tác động của thời gian DN-ICSI lên tỉ lệ làm tổ, 1 nghiên cứu báo cáo rằng tỉ lệ làm tổ cao hơn ở nhóm ICSI liền sau tách noãn so với nhóm ICSI noãn sau tách trong khoảng 1-3 giờ. 1 nghiên cứu khác lại cho thấy tỉ lệ làm tổ ở nhóm cấy ít hơn 2 giờ cao hơn nhóm cấy nhiều hơn 2 giờ. Có 5 nghiên cứu báo cáo rằng kéo dài thời gian DN-ICSI không cải thiện tỉ lệ thai lâm sàng trong khi năm nghiên cứu còn lạị cho thấy tác động của thời gian cấy lên kết quả thai. 1 nghiên cứu khác cho kết quả rằng kéo dài khoảng thời gian DN-ICSI có thể cải thiện tỉ lệ thai lâm sàng, trong khi 1 nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ có thai tăng dần trong 6 giờ đầu tiên nhưng lại giảm đáng kể nếu nuôi cấy dài hơn. Ngược lại, 1 nghiên cứu cho rằng kéo dài thời gian DN-ICSI làm giảm tỉ lệ thai lâm sàng, kết quả cho thấy kéo dài thời gian nuôi cấy lên 1 giờ làm giảm 7,9% tỉ lệ thai.
 
Như vậy, tác động của thời gian tách noãn sau khi chọc hút và trước khi ICSI vẫn còn nhiều kết quả tranh cãi. Theo tổng quan hệ thống này, noãn nên được cấy trong khoảng thời ngắn hơn 4 giờ trước khi tách để phù hợp với quy trình của trung tâm IVF cũng như đảm bảo được kết quả điều trị. Cần có thêm nhiều nghiên cứu RCT nữa để làm rõ tác động của thời gian từ khi tách noãn đến khi ICSI lên kết quả điều trị của bệnh nhân.
 
Nguồn: Xue Wang và cộng sự (2021), Effect of the time interval between oocyte retrieval and ICSI on embryo development and reproductive outcomes: a systematic review. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-021-00717-0

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK