Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 14-06-2021 3:12pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Ngô Hoàng Tín _ IVFVH

Kể từ khi phương pháp phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE) ra đời đã mang lại cơ hội có con cho những bệnh nhân vô tinh không do tắc thông qua thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).  Đồng thời, tinh trùng từ tinh hoàn ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản. Những tinh trùng này có khả năng thụ tinh với noãn sau ICSI, nhưng chúng chưa trưởng thành về chức năng do chưa qua mào tinh. Tinh trùng TESE khác với tinh trùng xuất tinh về độ trưởng thành nhiễm sắc thể, tỷ lệ tổn thương DNA, và hàm lượng RNA. Hiện tại, các tác động sinh học khi sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn đối với quá trình thụ tinh, phát triển phôi và sự phát triển sau chuyển phôi vẫn chưa được hiểu rõ. Mục tiêu nghiên cứu này nhằm hiểu hơn về sự khác biệt trong quá trình phát triển phôi trước làm tổ ở người sau ICSI khi sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn (TESE-ICSI) và tinh trùng từ xuất tinh được đánh giá thông qua kỹ thuật time-lapse. 

Nghiên cứu tiến hành phân tích hồi cứu dữ liệu từ các cặp vợ chồng trải qua chu kỳ TESE-ICSI hoặc chu kỳ ICSI với tinh trùng xuất tinh trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019. Nhóm tác giả tiến hành phân tích tổng cộng 451 chu kỳ IVF-ICSI, trong đó có 208 chu kỳ TESE-ICSI (639 phôi) và 243 chu kỳ ICSI với tinh trùng từ xuất tinh (866 phôi). Các noãn sau ICSI được đặt trong các giếng riêng lẻ của đĩa nuôi cấy. Phôi được đánh giá thông qua Time-lapse.

Từ kết quả phân tích thống kê với các mô hình hỗn hợp tuyến tính, nghiên cứu cho thấy các tiền nhân xuất hiện sớm hơn 0,55 giờ ở phôi TESE-ICSI (khoảng tin cậy 95% CI: −0,85 đến −0,25), sau đó giai đoạn tiền nhân kéo dài thêm 0,55 giờ (KTC 95% CI: 0,05 đến 1,04) so với phôi ICSI có nguồn gốc từ tinh trùng xuất tinh nhưng không ảnh hưởng đến động học khi phôi phát triển đến giai đoạn 8 tế bào. Đồng thời, có nhiều phôi TESE-ICSI có sự phân cắt trực tiếp không đều nhau (DUC) từ giai đoạn 1 tế bào sang giai đoạn 3 tế bào hơn so với phôi ICSI với tinh trùng từ xuất tinh (20,5% so với 13,6%; p <0,001) (phôi được đánh giá là phân cắt trực tiếp khi từ 1 tế bào phân cắt thành 3 tế bào hoặc khi khoảng thời gian giữa giai đoạn 2 và 3 tế bào ít hơn 5 giờ). Việc chuyển phôi DUC làm tỷ lệ sinh sống thấp hơn so với phôi phân cắt bình thường (8,9% đối với phôi DUC so với 30,5% đối với phôi phân cắt bình thường; p-value 0,001) không phân biệt nguồn gốc tinh trùng.

Nghiên cứu cho thấy giai đoạn tiền nhân bắt đầu sớm hơn và mất nhiều thời gian hơn ở phôi TESE-ICSI so với phôi ICSI với tinh trùng từ xuất tinh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy phôi DUC trong nhóm TESE-ICSI có tỷ lệ cao hơn. Nguyên nhân chính xác của DUC vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng nó được cho là có liên quan đến các biến thể di truyền của mẹ trong một vùng gen cũng là nơi cơ quan điều hòa chính của sự nhân đôi trung tử, polo-like kinase 4 (PLK4), được định vị. Do đó nhóm tác giả đề xuất nên nuôi cấy phôi TESE-ICSI trong tủ time-lapse, vì bằng cách này có thể tránh được việc chuyển phôi DUC. Đồng thời, cần nhiều nghiên cứu sâu hơn tập trung vào sự khác biệt giữa tinh trùng từ tinh hoàn và tinh trùng từ xuất tinh về chức năng trung tử, tổn thương DNA và tính toàn vẹn của nhiễm sắc thể. Từ đó hiểu thêm về phôi ở giai đoạn trước, trong hoặc sau quá trình sao chép DNA và tác động tiềm tàng đối với các trường hợp mang thai từ TESE-ICSI.
 
Nguồn: van Marion, E. S., Speksnijder, J. P., Hoek, J., Boellaard, W., Dinkelman-Smit, M., Chavli, E. A., Steegers-Theunissen, R., Laven, J., & Baart, E. B. (2021). Time-lapse imaging of human embryos fertilized with testicular sperm reveals an impact on the first embryonic cell cycle. Biology of reproduction104(6), 1218–1227. https://doi.org/10.1093/biolre/ioab031

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK