Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 17-06-2021 9:12am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Trong gần 50 năm qua, khả năng sinh sản của nam giới ngày càng giảm. Chất lượng tinh trùng giảm mạnh, trong đó mật độ và tổng số tinh trùng giảm hơn 50%. Hiện nay, khoảng 15% dân số trong độ tuổi sinh sản bị vô sinh và một nửa trong số đó vô sinh do yếu tố nam giới với 34% không rõ nguyên nhân. Miễn dịch được xem là một trong các yếu tố làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Một số nhỏ các tế bào miễn dịch có thể xuất hiện trong mẫu tinh dịch bao gồm chủ yếu là bạch cầu trung tính, đại thực bào, tế bào lympho… Những tế bào trong tinh dịch không phải tinh trùng được gọi là tế bào tròn, trong đó, nếu mật độ bạch cầu lớn hơn 1 x 106/ml, chất lượng tinh dịch sẽ giảm. Mặc dù tác động của đại thực bào (Mφ) lên chất lượng tinh trùng vẫn chưa được làm rõ. Nhiều tác giả đã báo cáo rằng đại thực bào có chức năng trình diện kháng nguyên, chủ yếu bằng cách tiết ra nhiều loại cytokine, enzyme, ROS và các hợp chất khác cùng với các loại tế bào miễn dịch để duy trì trạng thái miễn dịch của tinh hoàn. Trong nghiên cứu này, Gangxin Chen và Beihong Zheng đánh giá mối tương quan giữa đại thực bào trong tinh dịch với các thông số chất lượng tinh trùng, từ đó cung cấp bằng chứng để chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến vô sinh nam. Thêm vào đó, nhóm tác giả hy vọng kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp thêm những ý tưởng mới để chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân khi thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Nghiên cứu thực hiện trên mẫu tinh dịch của 78 bệnh nhân từ 20 đến 35 tuổi thực hiện IVF từ năm 2018 đến năm 2019. Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm: Nhóm mật độ đại thực bào thấp (Nhóm 1, Mφ < 6 x 105/ml) và nhóm mật độ đại thực bào cao (Nhóm 2, Mφ > 6 x 105/ml). Nghiên cứu đánh giá tác động của mật độ đại thực bào lên chất lượng tinh trùng của nam giới thông qua các chỉ số tỉ lệ tinh trùng di động, hình dạng tinh trùng, chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI), đồng thời cũng đánh giá sự xuất hiện của kháng thể kháng tinh trùng (AsAb), IL- 10 và IL- 12 trong tinh dịch.

Trong tổng số 78 bệnh nhân, có 34 bệnh nhân ở nhóm 1 (trung bình là 2,17 ± 1,76) và 44 bệnh nhân ở nhóm 2 (9,45 ± 2,47). Không có sự khác biệt nào về độ tuổi, thời gian kiêng xuất tinh hoặc tỉ lệ vô sinh nguyên phát giữa hai nhóm (p>0,05). Thời gian ly giải, thể tích tinh dịch, pH và các đặc điểm đại thể khác cũng không có sự khác biệt. Mật độ tinh trùng và tỉ lệ tinh trùng di động tại chỗ ở nhóm 1 tương đối cao hơn nhóm 2 nhưng không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05). Tỉ lệ tinh trùng di động tiến tới, tỉ lệ sống của tinh trùng ở nhóm 1 cao hơn nhóm 2 và tỉ lệ tinh trùng bất động ở nhóm 1 thấp hơn so với nhóm 2 (p<0,05). Tỉ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường ở nhóm 1 cao hơn so với nhóm 2. Tỉ lệ bất thường đầu, cổ và phần thân tinh trùng ở nhóm 1 cũng thấp hơn (p<0.05).

Sau khi nhuộm SCD, những tinh trùng mang phân mảnh DNA sẽ không xuất hiện quầng halo xung quanh vùng đầu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, DFI ở nhóm 1 thấp hơn nhóm 2 đáng kể (p<0,05). Kết dính tinh trùng được quan sát thấy ở những trường hợp có kháng thể kháng tinh trùng. Nghiên cứu này cho thấy rằng tỉ lệ mẫu tinh dịch có xuất hiện AsAb ở nhóm 1 thấp hơn nhóm 2 nhưng không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05). Không có mối tương quan nào được tìm thấy giữa mật độ đại thực bào với mật độ cytokine IL-10 và IL-12 trong nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mật độ đại thực bào trong tinh dịch không tương quan với thể tích tinh dịch và mật độ tinh trùng nhưng lại có mối tương quan nghịch với khả năng di động, hình thái, tỉ lệ tinh trùng chết, tính toàn vẹn DNA tinh trùng. Ngoài ra, mật độ đại thực bào không có mối tương quan với nồng độ cytokine IL-10 và IL- 12.
 
Nguồn: Gangxin Chen và Beihong Zheng (2021), Effect of macrophages in semen on sperm quality. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-021-00724-1.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK