Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 15-05-2021 1:22am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Trần Vĩnh Thiên Ngọc – IVFMD

Khoảng 1,5% tất cả các trường hợp mang thai IVF đã được chẩn đoán là sinh đôi đồng hợp tử (monozygotic twin – MZT). Con số này cao hơn từ 2 đến 12 lần so với tỷ lệ MZT tự nhiên. Phụ nữ mang thai MZT có nguy cơ thai kỳ bất lợi cao hơn so với phụ nữ sinh một con và sinh đôi khác hợp tử. Các trường hợp sinh non, bất thường cân nặng, dị tật, bất thường nhiễm sắc thể, hạn chế tăng trưởng và tử vong chu sinh đã được ghi nhận đối với thai kỳ MZT. Ngoài ra, so với thai sinh đôi khác hợp tử, MZT có nguy cơ thai lưu tăng gấp ba lần trong ba tháng cuối thai kỳ. Một số yếu tố có thể đóng vai trò trong việc tăng tỷ lệ MZT trong hỗ trợ sinh sản bao gồm kích thích buồng trứng, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng (AH), nuôi cấy phôi dài ngày, tuổi mẹ và di truyền. Hanyan Liu và các cộng sự (2018) đã tiến hành nghiên cứu nhằm mục đích xác định tỷ lệ và các yếu tố nguy cơ thực sự liên quan đến MZT từ IVF cổ điển/ICSI bằng cách phân tích mối liên quan giữa tuổi phôi và MZT, so sánh tỷ lệ MZT giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ.

Nghiên cứu thực hiện trên 3463 phụ nữ mang thai lâm sàng từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 2 năm 2015, đánh giá tỷ lệ MZT đối với số phôi chuyển, phương pháp thụ tinh (IVF cổ điển hoặc ICSI), có hoặc không AH và tuổi phôi chuyển trong chu kỳ chuyển phôi tươi và trữ.

Kết quả thu được cho thấy có 93 phụ nữ (2,69%) MZT. Khi so sánh chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ, số lượng phôi được chuyển, vi thao tác (ICSI và AH) và quy trình trữ - rã không có sự khác biệt hoặc không làm tăng đáng kể tỷ lệ MZT. Về tuổi phôi chuyển, so với phôi ngày 3, phôi ngày 4 và phôi ngày 5/6 cho thấy tỷ lệ MZT tăng (odds ratio [OR], 2,73; KTC 95%, 1,16–6,42 cho chuyển phôi ngày 4 và OR, 3,68; 95% CI, 2,29–5,93 cho chuyển phôi ngày 5/6).

Theo lý thuyết đầu tiên và được công nhận nhiều nhất, nguyên nhân chính của MZT là do thao tác trên màng trong suốt (zona pellucida - ZP) (kỹ thuật ICSI và AH). Về mặt lý thuyết, sinh đôi có thể là kết quả của phôi thoát màng không hoàn toàn. Tuy nhiên, các báo cáo trước đây đã gợi ý rằng kích thước lỗ trên ZP có liên quan đến MZT và đưa ra giả thuyết rằng tác động tạo lỗ lớn trên màng khi AH có nhiều khả năng dẫn đến MZT hơn là ICSI. Tương tự như nghiên cứu này, đã có các nghiên cứu trước không tìm thấy mối liên quan giữa ICSI trong chu kỳ chuyển phôi tươi và trữ hoặc AH trong chu kỳ đông lạnh đối với MZT. Tỷ lệ MZT tăng khi chuyển phôi nang, thường được cho là do noãn từ phụ nữ có tuổi trẻ hơn và chất lượng phôi tốt hơn. Nghiên cứu này cho thấy nuôi cấy dài ngày làm tăng tỷ lệ MZT. Hơn nữa, tỷ lệ MZT đã tăng đáng kể với chuyển phôi ngày 4 và ngày 5 so với chuyển phôi ngày 3. Tỷ lệ MZT tăng lên với chuyển phôi ngày 6, nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với chuyển phôi ngày 3. Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy việc chuyển ngày 6 không làm tăng đáng kể tỷ lệ MZT và có thể là do cỡ mẫu nhỏ của chuyển phôi ngày 6, hoặc chất lượng phôi kém và giảm tiềm năng phát triển có liên quan đến phôi nang ngày 6. Điều này chỉ ra rằng sự xuất hiện của MZT không chỉ liên quan đến nuôi cấy dài ngày mà còn liên quan đến chất lượng phôi. Ngoài ra, tỷ lệ MZT trong chuyển phôi ngày 5 là cao nhất. Ngoại trừ việc nuôi cấy dài ngày cũng như chất lượng phôi tốt, phôi nang có kích thước lớn hơn và số lượng tế bào nhiều hơn dẫn đến chúng nhạy cảm hơn với các tác động của thao tác cơ học trong labo và có nhiều khả năng phân tách và hình thành MZT.

Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn một số giới hạn. Một số báo cáo cho rằng tỷ lệ MZT khi một phôi được chuyển thấp hơn so với khi hai hoặc ba phôi được chuyển, phôi bị tách có thể bằng với số phôi không làm tổ. Ngoài ra, một số báo cáo trước đây có liên quan đến thao tác trên ZP, cụ thể là AH, là một yếu tố nguy cơ cao đối với quá trình tách phôi sớm (tạo thành sinh đôi cùng hợp tử 2 màng đệm, 2 túi ối) so với tách phôi muộn (tạo thành sinh đôi cùng hợp tử 2 màng đệm, 1 túi ối). Một số trường hợp thụ thai tự nhiên trong khi đang điều trị hỗ trợ sinh sản và có đến 1/5 cặp sinh đôi được sinh ra sau một lần chuyển phôi có thể là kết quả của việc thụ thai tự nhiên đồng thời, nhưng nghiên cứu này không đánh giá điều đó. Ngoài việc điều tra tác động của nuôi cấy phôi dài ngày, trong nghiên cứu này, phôi được nuôi cấy bằng môi trường chuyển tiếp. Việc hình thành phôi nang và tỷ lệ MZT có khác nhau giữa môi trường nuôi cấy đơn bước và chuyển tiếp hay không cần phải được nghiên cứu thêm.

Tóm lại, tỷ lệ MZT tăng lên trong chu kỳ chuyển phôi có liên quan đáng kể với nuôi cấy dài ngày. Tác động của AH và ICSI đối với nguy cơ MZT không được chứng minh. Số lượng phôi được chuyển và quy trình trữ-rã phôi không liên quan đến tỷ lệ MZT tăng.

Nguồn: Liu, H., Liu, J., Chen, S., Kang, X., Du, H., & Li, L. (2018). Elevated incidence of monozygotic twinning is associated with extended embryo culture, but not with zona pellucida manipulation or freeze-thaw procedure. Fertility and sterility, 109(6), 1044-1050.

Các tin khác cùng chuyên mục:
SIÊU ÂM THAI PHỤ NHIỄM SARS-CoV-2 - Ngày đăng: 04-05-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK