Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 05-05-2021 9:10pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Quỳnh Như - IVFMD Tân Bình

Trong hỗ trợ sinh sản, vì nhiều nguyên nhân từ môi trường nuôi cấy, quá trình trữ lạnh hay do các bất thường ở màng trong suốt (Zona pellucida-ZP) khiến quá trình thoát màng của phôi không thể diễn ra, dẫn đến thất bại làm tổ. Để cải thiện khả năng làm tổ của phôi, kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted hatching-AH) ra đời. Lần đầu tiên vào năm 1990, Cohen và cộng sự đã giới thiệu kỹ thuật AH bằng phương pháp cơ học, kể từ đó nhiều phương pháp AH khác lần lượt ra đời. Tuy nhiên, hiệu quả của AH thay đổi tùy vào phương pháp và độ mở rộng tại vị trí được AH, và vẫn còn nhiều tranh cãi. Do đó, nghiên cứu hồi cứu này được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả lâm sàng của kỹ thuật AH bằng laser (LAH) sử dụng hệ thống OCTAX Navilaser và AH bằng cơ học (MAH) trong các chu kỳ chuyển phôi nang trữ lạnh.

Nghiên cứu thực hiện ở 206 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh, tất cả các phôi được nuôi đến giai đoạn phôi nang và mỗi bệnh nhân có ít nhất 1 phôi đạt chất lượng 3BB trở lên. Có 106 phôi sau đông lạnh-rã đông được LAH với độ mở rộng khoảng ¼ chu vi ZP. Và 101 phôi được MAH bằng kim ICSI theo hướng từ 4h đến 8-9h. Sau 3-4h sau rã đông, phôi được chuyển cho bệnh nhân.

Sau 10 ngày chuyển phôi, các bệnh nhân được kiểm tra beta-hCG và ghi nhận kết quả. Kết quả lâm sàng được đánh giá bằng tỷ lệ mang thai lâm sàng và thai diễn tiến. Ngoài ra, các biến số về tuổi bệnh nhân, BMI, thời gian vô sinh, chỉ số AMH, liều lượng FSH và phác đồ kích thích buồng trứng cũng được ghi nhận và phân tích, so sánh giữa 2 nhóm LAH và MAH.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào ở kết cục thai lâm sàng giữa hai nhóm được AH bằng phương pháp laser và cơ học trong các chu kỳ chuyển phôi trữ. Mặc dù tỷ lệ làm tổ cao hơn ở nhóm MAH, nhưng tỷ lệ có thai lâm sàng thấp hơn so với nhóm LAH. Tỷ lệ có thai diễn tiến thấp hơn ở nhóm LAH. Tuy nhiên, tất cả các kết quả này không có sự khác biệt về mặt thống kê.

Để giải thích cho kết quả AH bằng phương pháp laser hay cơ học không khác nhau ở kết quả lâm sàng các tác giả chỉ ra rằng các phôi được chuyển là phôi có chất lượng tốt- từ 3BB trở lên. Hơn nữa, các bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu là những bệnh nhân trẻ tuổi ( <35 tuổi) có tiên lượng tốt.

Như vậy, đối với những bệnh nhân chuyển phôi trữ có tiên lượng tốt thì AH bằng phương pháp laser hay cơ học không có sự khác biệt. Tuy nhiên, nghiên cứu bị hạn chế bởi đặc tính hồi cứu, cỡ mẫu nhỏ và chỉ nghiên cứu trên phôi đông lạnh có chất lượng tương đối tốt. Do đó, cần có những nghiên cứu sâu hơn ở nhiều phôi có chất lượng đa dạng hơn để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của 2 phương pháp AH này.
 
 Nguồn:Y. J. Lee, S. C. Kim, J. K. Joo, H. G. Kim, G. R. Ko, C. W. Kim, K. S. Lee. Is laser-assisted hatching better than mechanical method for enhancing pregnancy rate in frozen-thawed blastocyst transfer cycles?. Clinical and Experimental Obstetrics & Gynecology, 2020, 47(1): 65-69 doi:10.31083/j.ceog.2020.01.5023

Các tin khác cùng chuyên mục:
SIÊU ÂM THAI PHỤ NHIỄM SARS-CoV-2 - Ngày đăng: 04-05-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK