Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 28-04-2021 11:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFAS, Bệnh viện An Sinh

Tỉ lệ vô sinh do nam giới ngày càng tăng, chiếm vào khoảng 50% trường hợp các cặp đôi điều trị hiếm muộn dù đang trong độ tuổi sinh sản. Trong đó, tình trạng vô tinh (Azoospermia) là hiện tượng không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch sau xuất tinh, chiếm 10-15% trong số nam giới điều trị hiếm muộn. Vô tinh được chia thành 2 loại: vô tinh do tắc nghẽn (obstructive azoospermia - OA) và vô tinh không do tắc nghẽn (non-obstructive azoospermia - NOA). Nếu quá trình sinh tinh diễn ra bình thường, vô tinh tắc nghẽn (OA) thường do tắc tại các vị trí khiến tinh trùng không xuất ra ngoài được. Ngược lại, hiện tượng giảm sinh tinh hoặc hội chứng chỉ có tế bào Sertoli thường là biểu hiện của rối loạn sinh tinh, gọi là vô tinh không do tắc nghẽn (NOA). Trong lịch sử, NOA và OA được coi là những tình trạng không thể điều trị, đòi hỏi phải sử dụng tinh trùng hiến tặng. Đối với trường hợp vô tinh thì kỹ thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn (Testicular sperm extraction – TESE) hoặc vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (micro TESE – mTESE) kết hợp với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) đã mở ra cơ hội cho các cặp đôi có cơ hội có con từ chính tinh trùng của người chồng.
 
Xác suất thu hồi được tinh trùng gần như là 100% ở nhóm nam giới vô tinh do tắc nghẽn. Tuy nhiên, tỉ lệ thu hồi tinh trùng ở nhóm vô tinh không do tắc chỉ vào khoảng 50% các trường hợp. Theo Schelegel và cs. (1999), microTESE có thể cải thiện tỉ lệ thu hồi tinh trùng ở nhóm NOA từ 45% lên 63%. Kết quả trên nhận được sự đồng thuận với những kết quả tương tự ở những nghiên cứu khác. Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào sử dụng mTESE cũng có tỉ lệ thu hồi tinh trùng cao và cần thêm nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả điều trị lâm sàng giữa hai phương pháp thu hồi tinh trùng.
 
Mục đích nghiên cứu
Đây là nghiên cứu phân tích cộng gộp trên những nghiên cứu có liên quan đến tỉ lệ thu hồi tinh trùng ở nhóm vô tinh không do tắc (NOA) nhằm so sánh hiệu quả giữa hai
giữa hai kỹ thuật thu nhận tinh trùng (TESE và mTESE).
  • Kết quả chính: tỉ lệ thu hồi tinh trùng và các chỉ số sinh hoá dự đoán khả năng thu hồi tinh trùng
  • Kết quả phụ: tỉ lệ có thai (pregnancy rates – PR) và tỉ lệ trẻ sinh sống (live birth rates – LBRs)
 
Phương pháp nghiên cứu
Thu thập các nghiên cứu với các từ khoá liên quan đến TESE/mTESE, NOA được thực hiện trên các công cụ Medline, Embase và Cochrane. Tất cả các nghiên cứu báo cáo SRR được thực hiện bằng kỹ thuật TESE hoặc mTESE ở nhóm NOA và các yếu tố ảnh hưởng được đưa vào. Những nghiên cứu NOA do nguyên nhân di truyền hoặc thu nhận tinh trùng bằng kỹ thuật TESA bị loại khỏi nghiên cứu.
 
Kết quả
Trong số 1,236 nghiên cứu, có 117 nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn nhận. Có tổng cộng 21,404 bệnh nhân với độ tuổi trung bình (±SD) là 35,0 ± 2,7 tuổi. Nghiên cứu thực hiện TESE và mTESE lần lượt có 56 và 43 nghiên cứu. Tỉ lệ thu hồi tinh trùng (SRR) của cả 2 kỹ thuật TESE và mTESE là 47 [45;49] % (95% CI). Không có sự khác biệt về tỉ lệ thu hồi khi so sánh TESE với mTESE (46 [43; 49]% so với 46[42; 49]%). Phân tích hồi quy cho thấy SRR mỗi chu kỳ không phụ thuộc vào độ tuổi và các thông số nội tiết. 
 
SRR tăng lên theo thể tích tinh hoàn. Đặc biệt, áp dụng phân tích đường cong ROC, thể tích tinh hoàn trung bình hơn 12,5 ml có khả năng dự đoán SRR >60% với độ chính xác 86,2% ±0,01. Có 42 nghiên cứu báo cáo kết quả thai sau ICSI. Tổng cộng, có 1096 ca thai sinh hoá được báo cáo ( tỉ lệ PR cộng dồn = 29 [25;32]% mỗi chu kỳ ICSI), 569 trẻ sinh sống (tỉ lệ LBR cộng dồn = 24 [20;28]% mỗi chu kỳ ICSI). Không có ảnh hưởng tuổi chồng và vợ, thể tích tinh hoàn trung bình hoặc các thông số nội tiết trên cả PR và LBR trên mỗi chu kỳ ICSI.
 
Tỉ lệ PR trên mỗi chu kỳ ICSI cao hơn nếu sử dụng tinh trùng tươi so với tinh trùng trữ (PR = 35 [30; 40]%, so với 20 [13; 29]%). Tuy nhiên, kết quả này không được xác nhận khi phân tích tỉ lệ LBR cộng dồn trên mỗi chu kỳ ICSI (LBR = 30 [20; 41]% đối với tinh trùng tươi so với 20 [12; 31]% đối với tinh trùng trữ lạnh).
 
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy, TESE/mTESE ở những bệnh nhân NOA có tỉ lệ thu hồi lên tới 50%, không có sự khác biệt giữa TESE và mTESE. Trong đó, thể tích tinh hoàn là thông số duy nhất có thể dự đoán tỉ lệ thu hồi tinh trùng. So với TESE, mTESE được cho rằng có thể giảm các biến chứng ntgắn hạn và dài hạn về nội tiết và ngoại tiết. Đặc biệt, tỉ lệ tụ máu và xơ hoá tinh hoàn và giảm nồng độ testoterone sau mTESE thấp hơn so với TESE. Tuy nhiên, sự khác biệt về các biến chứng bất lợi của 2 kỹ thuật không có ý nghĩa thống kê. Tinh trùng thu hồi có tỉ lệ trẻ sinh sống lên đến 28% sau thực hiện ICSI. Mặc dù không có sự khác biệt giữa các kỹ thuật, nhưng để xác định rõ kỹ thuật nào tối ưu hơn vẫn cần thêm các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên được thiết kế tốt để so sánh.
 
Nguồn: Corona G, Minhas S, Giwercman A, Bettocchi C, Dinkelman-Smit M, Dohle G, Fusco F, Kadioglou A, Kliesch S, Kopa Z, Krausz C, Pelliccione F, Pizzocaro A, Rassweiler J, Verze P, Vignozzi L, Weidner W, Maggi M, Sofikitis N. Sperm recovery and ICSI outcomes in men with non-obstructive azoospermia: a systematic review and meta-analysis. Hum Reprod Update. 2019 Nov 5;25(6):733-757. doi: 10.1093/humupd/dmz028. PMID: 31665451.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK