Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 30-04-2021 11:30pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Thụ tinh trong ống nghiệm đã được áp dụng rộng rãi trong điều trị vô sinh từ nhiều thập kỉ qua. Ngày nay với sự tiến bộ của kỹ thuật nuôi cấy và đông lạnh phôi, những phôi nang có chất lượng tốt còn lại sau khi đã chọn lọc phôi để chuyển cho bệnh nhân được đông lạnh và tiếp tục sử dụng cho chu kì chuyển phôi trữ sau đó. Nhiều trung tâm IVF thường chuyển nhiều hơn một phôi để tăng cơ hội có thai cho bệnh nhân tuy nhiên điều này có thể làm tăng nguy cơ đa thai, gây ra nhiều bất lợi cho cả mẹ và bé, do đó chuyển đơn phôi  ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Do chỉ chuyển một phôi trong mỗi chu kì nên việc đánh giá và lựa chọn phôi chuyển tiềm năng rất quan trọng.
Đánh giá chất lượng phôi dựa vào hình thái đang là phương pháp được sử dụng phổ biến. Trong đó, chất lượng phôi nang được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: độ nở rộng của khoang phôi, kích thước và độ nén của khối tế bào nội mô (ICM), sự liên kết và số lượng tế bào lớp lá nuôi (TE). Hiện nay, mối tương quan giữa hình thái phôi nang và kết quả điều trị vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, Jihui Ai và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của mỗi đặc điểm hình thái phôi nang đến kết quả thai trong chu kì chuyển đơn phôi nang đông lạnh.

Nghiên cứu hồi cứu trên 10.428 chu kì chuyển đơn phôi nang đông lạnh được thực hiện từ tháng 1.2009 đến tháng 12.2018. Phôi nang được đánh giá theo hệ thống đánh giá của Gardner và Schoolcraft, theo hệ thống xếp loại này độ nở rộng của khoang phôi nang được chia thành bốn cấp: 3, 4, 5, 6, hình thái của ICM và TE được chia thành ba loại: A, B, C. Nhóm nghiên cứu đánh giá kết quả dựa trên thông số chính là tỉ lệ trẻ sinh sống (LBR) và thông số phụ là tỉ lệ thai lâm sàng (CPR).  

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan thuận giữa LBR với chất lượng ICM tăng , tương ứng với chất lượng A,B, C của ICM thì LBR là 54,62%; 41,29%; 28,45%. Trong khi đó, phôi nang với TE loại C (32,57%) có CPR và LBR thấp hơn phôi nang có TE loại A và B, nhưng không có sự khác biệt về LBR giữa phôi nang có TE loại A và loại B (52,74% và 45,64%).

LBR và CPR thấp hơn ở phôi nang có độ nở rộng cấp độ 3 so với độ 4-5 (lần lượt là 37,7% so với 44,21% và 41,67%; 48,15% so với 56,15% và 54,91%). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy CPR và LBR thấp hơn ở những phôi có TE loại C khi so sánh với phôi có TE loại A và B (lần lượt 43,53% so với 64,26% và 58,11%; 32,57% so với 52,74% và 45,64%).

Dựa trên kết quả nghiên cứu tác giả đề xuất nên ưu tiên sử dụng phôi nang ở giai đoạn nở rộng 4-5, ICM loại A và TE loại A/B trong chu kì chuyển đơn phôi nang đông lạnh. Bên cạnh đó, cả ba yếu tố độ nở rộng của khoang phôi, chất lượng ICM và TE đều liên quan đến kết quả có thai sau chuyển đơn phôi nang đông lạnh, đặc biệt hình thái của ICM là đặc điểm tiên lượng quan trọng nhất cho kết quả LBR.
 
Nguồn: Jihui Ai và cộng sự, 2021. The Morphology of Inner Cell Mass Is the Strongest Predictor of Live Birth After a Frozen Thawed Single Embryo Transfer. Frontiers in Endocrinology. 10.3389/fendo.2021.621221

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK