Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 08-03-2021 1:49pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Duy Tùng - IVFMD Tân Bình



Việc lựa chọn phôi chuyển phù hợp là cực kỳ quan trọng để có được thai lâm sàng. Sử dụng time-lapse là một phương pháp tiềm năng cho phép đánh giá được động học phát triển phôi cũng như giúp phôi phát triển trong môi trường ổn định hơn do hạn chế được việc lấy phôi ra khỏi tủ cấy. Đánh giá động học cung cấp nhiều thông tin hơn về sự phát triển của phôi, đặc biệt là các đặc điểm hành vi từ lúc thụ tinh đến khi phôi phát triển đến ngày 3. Tuy nhiên, chưa có nhiều thông số động học phôi khi phát triển đến ngày 5 có thể dùng để dự đoán khả năng làm tổ. Một nghiên cứu gần đây của Yoon và cộng sự cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng tăng đáng kể ở những bệnh nhân chuyển phôi nang thoát màng vào ngày 6 so với những phôi chưa thoát màng vào ngày 5. Một nghiên cứu khác của Chimote cho thấy việc nuôi cấy phôi thêm vài giờ để chuyển những phôi thoát màng tự nhiên giúp tăng tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ thai lâm sàng. Cả hai nghiên cứu trên đều phân tích dữ liệu dựa vào độ nở rộng của phôi. Diện tích phần thoái hoá trong ICM làm giảm tiềm năng làm tổ cũng được báo cáo trong các nghiên cứu của Balaban và Hartshorne. Chất lượng tế bào lá nuôi phôi (TE) và tuổi mẹ cũng được cho là có ảnh hưởng đến tỷ lệ làm tổ và trẻ sinh sống. Đến nay, những tranh cãi xung quanh việc yếu tố nào quyết định đến khả năng làm tổ của phôi vẫn chưa đến hồi kết. Nghiên cứu này khảo sát các đặc điểm của phôi nang ảnh hưởng đến kết quả thai lâm sàng, cụ thể là kích thước của phôi nang (diện tích và đường kính).

Nghiên cứu này có thiết kế hồi cứu được thực hiện trên 664 chu kỳ IVF/ICSI, sử dụng noãn tự thân và thực hiện chuyển đơn phôi chọn lọc (chuyển phôi tươi) vào ngày 5 (khoảng 112-118 giờ sau thụ tinh). Nghiên cứu viên đã sử dụng phần mềm đi kèm tủ timelapse để đo kích thước đường kính của phôi, đường kính tối đa được xác định bằng cách thực hiện đo bốn lần trên cùng một mặt phẳng quan sát (không tính màng ZP). Bốn mươi bốn phôi nang bị loại khỏi nghiên cứu do lệch khỏi khu vực quan sát của tủ. Những đo đạc này được thực hiện trước khi chuyển phôi và được sử dụng khi phân tích với tỷ lệ thai lâm sàng.

Kết quả được phân tích trên dữ liệu từ 664 bệnh nhân thực hiện IVF/ICSI. Tuổi mẹ, số lượng noãn và nguyên nhân vô sinh của các bệnh nhân trong nghiên cứu không có mối tương quan đến tỷ lệ thai lâm sàng. 

Đối với những phụ nữ có thai lâm sàng, đường kính của phôi nang được chuyển lớn hơn đáng kể so với nhóm không có thai (kích thước trung bình 184 µm (125-239) so với 160 µm (120-230)).

Phân tích hồi quy đơn biến cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng tăng khi đường kính phôi nang tăng (OR=1,026, KTC 95% 1,019-1,033, P< 0,01). Phân tích hồi quy cho thấy với mỗi µm đường kính tăng lên, tỷ lệ thai lâm sàng tăng 2,6%.

Tương tự, diện tích phôi nang ở những phụ nữ có thai lâm sàng cao hơn đáng kể so với nhóm không có thai (26,099 µm2 (12,101-45,280) so với 22,251 µm2 (10,992-37,931).

Phân tích hồi quy đơn biến diện tích phôi cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng tăng khi diện tích phôi nang tăng (OR=1,00008, KTC 95% 1,00006-1,00011, P< 0,01). Với mỗi µm2 diện tích phôi tăng lên thì tỷ lệ thai tăng 0,008%.

Time-lapse đã và đang cung cấp rất nhiều dữ liệu về quá trình phát triển của phôi từ khi hình thành hợp tử đến khi phát triển thành phôi nang. Công cụ này giúp phát hiện những bất thường mà đánh giá hình thái phôi tại một thời điểm không thể thấy được như phân chia bất thường. Những phát hiện khác từ time-lapse có thể kể đến như: Cruz và cộng sự đã tìm ra mối liên hệ giữa thời điểm và khoảng thời gian xảy ra các lần phân bào đến sự hình thành phôi nang; Niimura (2003) báo cáo về quá trình co lại của phôi trước khi thoát màng có thể dự đoán sự làm tổ của phôi khi sự co lại này chiếm dưới 20% thể tích thì phôi thoát màng bình thường trong khi các phôi có sự sụp khoang phôi lớn hơn 20% thể tích sẽ ngăn cản quá trình thoát màng của phôi trên mô hình chuột. Nghiên cứu của Huang và cộng sự cho thấy khi động học của sự nở rộng khoang phôi bất thường và chậm hình thành phôi nang ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ làm tổ và thai lâm sàng. Tuy nhiên các nghiên cứu phân tích phôi nang hiện nay không chỉ ra được dấu hiệu của quá trình co lại của phôi ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình phát triển của phôi. Nhiều nghiên cứu đã thảo luận về độ nở rộng của khoang phôi ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi khi đây là một dấu hiệu cho thấy phôi có sức sống và khả năng phát triển tốt. Độ nở rộng của khoang phôi được Ahlstrom và các cộng sự cho là có sự liên quan đến chất lượng của lớp tế bào lá nuôi phôi (TE) vì những tế bào này đóng vai trò trong việc đưa các ion từ môi trường vào khoang phôi để tăng thể tích phôi từ đó dẫn đến quá trình thoát màng. Trong nhiều năm, các hệ thống đánh giá hình thái phôi vẫn được sử dụng để đánh giá độ nở rộng, chất lượng khối ICM và TE nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc xác định tác động của từng đặc điểm riêng lẻ. Nghiên cứu này tập trung vào độ nở rộng của khoang phôi và nhận thấy mối liên hệ giữa kích thước phôi và khả năng làm tổ của phôi. Cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác nhận mối liên hệ này cũng như ứng dụng của các thông số liên quan vào thực hành lâm sàng.

Nguồn: Sciorio, R., Thong, D., Thong, K. J., & Pickering, S. J. (2021). Clinical pregnancy is significantly associated with the blastocyst width and area: a time-lapse study. Journal of assisted reproduction and genetics, 10.1007/s10815-021-02071-x.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK