Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 03-03-2021 6:57am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Hồ Thị Mỹ Trang

Hiện nay, các bệnh nhân vô sinh chưa rõ nguyên nhân có thể được điều trị bằng kỹ thuật IUI kết hợp với theo dõi chu kỳ tự nhiên hoặc kích thích buồng trứng. Tuy nhiên, việc kích thích buồng trứng (KTBT) có thể làm tăng tỷ lệ đa thai với các nguy cơ biến chứng ở cả mẹ và trẻ sơ sinh. Các loại thuốc kích thích buồng trứng thường được sử dụng là clomiphene citrate (CC), letrozole hoặc gonadotrophins. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu so sánh hiệu quả của hai hoặc ba loại thuốc này để gây phóng noãn nhằm thực hiện IUI, chưa từng có phân tích gộp nào được thực hiện. Vì vậy, Danhof và cộng sự (2020) đã thực hiện một phân tích gộp nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn khi thực hiện IUI có kèm kích thích buồng trứng bằng CC, letrozole hoặc gonadotrophin. Hiệu quả được so sánh giữa các nhóm sử dụng CC, letrozole hoặc gonadotropin với nhau và với IUI trong chu kỳ tự nhiên.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã thực hiện tìm kiếm các công bố xuất bản cho đến ngày 16 tháng 8 năm 2018 trên các hệ thống dữ liệu lớn như PubMed, Cochrane, Embase… Các nghiên cứu được đưa vào phân tích bao gồm các nghiên cứu RCT so sánh phác đồ kích thích của CC, letrozole hoặc gonadotrophins với nhau hoặc với IUI chu kỳ tự nhiên giữa các cặp vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân. 
Phân tích gộp đã ghi nhận có 26 nghiên cứu phù hợp với 5316 bệnh nhân. Tỷ lệ trẻ sinh sống/tỷ lệ thai diễn tiến của kỹ thuật IUI trong chu kỳ có kích thích buồng trứng so với IUI trong chu kỳ tự nhiên (CKTN) lần lượt như sau:
  • Kích thích buồng trứng bằng CC so với CKTN: RR 1,05 (KTC 95% 0,63-1,77), chất lượng bằng chứng thấp.
  • Kích thích buồng trứng bằng letrozole so với CKTN: RR 1,15 (KTC 95% 0,63-2,08), chất lượng bằng chứng thấp.
  • Kích thích buồng trứng bằng gonadotrophin so với CKTN: RR 1,46 (KTC 95% 0,92-2,30), chất lượng bằng chứng thấp.
Tỷ lệ trẻ sinh sống/tỷ lệ thai diễn tiến khi so sánh hiệu quả các phác đồ KTBT khác nhau trong chu kỳ IUI là:
  • Gonadotrophin so với CC: RR 1,39 (KTC 95% 1,09-1,76), chất lượng bằng chứng trung bình.
  • Letrozole so với CC: RR 1,09 (KTC 95% 0,76-1,57), chất lượng bằng chứng trung bình.
  • Letrozole so với gonadotrophin: RR 0,79 (KTC 95% 0,54-1,15), chất lượng bằng chứng trung bình. 
Nhóm tác giả không thực hiện phân tích gộp về đa thai vì dữ liệu không có tính thống nhất cao. Tuy nhiên khi phân tích bằng phương pháp pairwise meta-analyses, nguy cơ đa thai khi thực hiện IUI trong chu kỳ KTBT bằng gonadotrophin so với IUI trong CKTN là RR 9,11 (KTC 95% 1,18-70,32). Hiện không có dữ liệu về tỷ lệ đa thai khi thực hiện IUI trong chu kỳ KTBT bằng CC hoặc letrozole so với IUI trong CKTN. Tỷ lệ đa thai khi so sánh giữa các phương pháp kích thích buồng trứng khác nhau như sau:
  • Gonadotrophin so với CC: RR 1,42 (KTC 95% 0,68-2,97)
  • Letrozole so với CC: RR 0,97 (KTC 95% 0,47-2,01)
  • Letrozole với gonadotrophin: RR 0,29 (KTC 95% 0,14-0,58).
Tuy nhiên, khi thực hiện phân tích gộp các chu kỳ tuân thủ tiêu chuẩn huỷ chu kỳ nghiêm ngặt (huỷ chu kỳ khi có tối đa 3 nang≥ 14 mm), tỷ lệ trẻ sinh sống/tỷ lệ thai diễn tiến khi so sánh giữa KTBT bằng gonadotrophin so với CC là RR 1,20 (KTC 95% 0,95-1,51) và tỷ lệ đa thai khi so sánh giữa KTBT bằng gonadotrophin với CC là RR 0,80 (KTC 95% 0,38-1,68).

Như vậy, phân tích gộp này đã đưa ra những bằng chứng cho thấy thực hiện IUI trong chu kỳ KTBT bằng gonadotrophin cho tỷ lệ trẻ sinh sống/thai diễn tiến cao nhất so với các phác đồ KTBT thực hiện IUI còn lại. Tuy nhiên, những phụ nữ được KTBT với gonadotrophins cũng có nguy cơ mang đa thai với tỷ lệ biến chứng cao. Nếu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện huỷ chu kỳ, tỷ lệ đa thai khi IUI trong chu kỳ KTBT bằng gonadotrophin nằm ở mức chấp nhận được mà vẫn không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
 
Tài liệu tham khảo: Danhof, N. A., Wang, R., Van Wely, M., Van Der Veen, F., Mol, B. W. J., & Mochtar, M. H. (2020). IUI for unexplained infertility—a network meta-analysis. Human reproduction update, 26(1), 1-15.

Các tin khác cùng chuyên mục:
HPV và nguy cơ vô sinh ở nữ giới? - Ngày đăng: 06-02-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK