Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 26-03-2021 2:36am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Kể từ khi được ra đời, kỹ thuật ICSI đã dần trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn thế giới. Trong khoảng thời gian đầu, ICSI đa phần được sử dụng cho những trường hợp vô sinh do yếu tố nam giới như không có tinh trùng trong tinh dịch; tinh trùng thu nhận từ tinh hoàn, mào tinh; tinh trùng ít, yếu, dị dạng nặng không thể thực hiện IVF cổ điển… Hiện tại, ICSI hầu như được chỉ định thường quy cho tất cả các trường hợp điều trị vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, tỉ lệ thụ tinh của kỹ thuật này vẫn chỉ dao động trong khoảng 70% và tỉ lệ thất bại thụ tinh hoàn toàn vẫn chiếm từ 1-3% tổng số các chu kỳ điều trị. Thất bại thụ tinh hoàn toàn có thể diễn ra trong các lần điều trị sau, bất kể số lượng noãn và số lượng tinh trùng thu nhận được.

Hoạt hoá noãn là quá trình làm tăng sự thẩm thấu canxi ngoại bào giúp tăng nồng độ canxi nội bào sau khi tinh trùng đã đi vào tế bào chất của noãn. Quá trình này là sự bắt đầu cho một loạt các biến đổi tế bào học trong noãn thụ tinh. Do đó, hoạt hoá noãn thất bại được xem là nguyên nhân chính gây thất bại thụ tinh. Hoạt hoá noãn nhân tạo (AOA) là phương pháp hữu hiệu để cải thiện tỉ lệ thụ tinh trong các trường hợp thất bại thụ tinh hoàn toàn. Có nhiều phương pháp hoạt hoá noãn được sử dụng trong các chu kỳ điều trị trên người bao gồm vật lý, cơ học và hoá học, với mục đích chủ yếu là làm tăng nồng độ ion Ca2+ nhân tạo trong tế bào noãn. Một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng AOA giúp tăng tỉ lệ thụ tinh từ 25% lên 48%. Ngoài ra, các ứng dụng của phương pháp này trong thực hành lâm sàng cũng đã được báo cáo trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn còn một số lo ngại rằng AOA có thể gây cản trở sự trao đổi chất của noãn cũng như sự phát triển của phôi. Nhiều nhóm tác giả lo ngại sự gia tăng nồng độ canxi nhân tạo không thể giống chính xác với sự dao động của các làn sóng canxi sinh lý cũng như những tác dụng phụ không mong muốn của ionophores đối với sự phát triển và làm tổ của phôi. Do đó, kết cục thai kỳ và sức khoẻ của trẻ sinh ra từ những chu kỳ ICSI-AOA là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng không có sự khác biệt đáng kể về tuổi thai, cân nặng khi sinh, tỉ lệ sinh non hoặc tỉ lệ giới tính giữa trẻ sinh ra từ kỹ thuật ICSI với ICSI-AOA. Tuy nhiên khi đánh giá về khía cạnh dị tật bẩm sinh, một số công bố đã báo cáo về nguy cơ gia tăng dị tật ở trẻ sinh ra từ kỹ thuật ICSI-AOA so với ICSI. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác cho thấy không có sự khác biệt nào được quan sát thấy về tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở 2 nhóm ICSI và ICSI-AOA. Ngoài ra, tỉ lệ bất thường nhiễm sắc thể đã được báo cáo là cao hơn trong các trường hợp mang thai từ kỹ thuật ICSI. Nhiều nhóm tác giả còn lo ngại rằng AOA diễn ra trong thời gian định hướng thoi vô sắc và hoàn thành giảm phân nên có thể có nguy cơ dị tật nhiễm sắc thể (CA) và dị tật không do nhiễm sắc thể (NCA) ở trẻ được sinh ra từ kỹ thuật ICSI-AOA.

Hiện nay, do các chỉ định và vấn đề an toàn vẫn chưa rõ ràng, kỹ thuật ICSI-AOA chưa được xem là phương pháp điều trị thường quy. Thông thường, kỹ thuật này chỉ được chỉ định cho một số trường hợp có tiền sử thất bại thụ tinh, tỉ lệ thụ tinh thấp hoặc có bất thường về PLCꝣ hay tinh trùng globozoospermia. Với những kết quả nghiên cứu vẫn còn gây tranh cãi, cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ do số lượng trẻ sinh ra từ kỹ thuật ICSI-AOA vẫn còn thấp. Rui Long và cộng sự đã thực hiện một  phân tích gộp nhằm đánh giá xem liệu rằng kỹ thuật ICSI-AOA có làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ hay không. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn thực hiện so sánh về tỉ lệ mắc các loại dị tật khác nhau như dị tật nhiễm sắc thể và dị tật không do nhiễm sắc thể ở trẻ được sinh ra từ kỹ thuật ICSI-AOA.

Phân tích gộp này thu nhận số liệu từ những công bố trước tháng 10/2020 trên các hệ thống dữ liệu lớn như PubMed, Cochrane, Embase… Tiêu chuẩn nhận nghiên cứu bao gồm: 1) các nghiên cứu liên quan đến ICSI-AOA và ICSI, 2) kết cục nghiên cứu là dị tật bẩm sinh, 3) so sánh ICSI-AOA với ICSI, 4) RR với KTC 95%, 5) nghiên cứu được xuất bản bằng tiếng Anh hoặc Trung. Tiêu chuẩn loại của nghiên cứu bao gồm: 1) công bố không đầy đủ số liệu, 2) báo cáo ca bệnh đơn lẻ hoặc bài tổng quan, 3) nghiên cứu có nhóm so sánh không phù hợp hoặc không có nhóm chứng. Cuối cùng, trong tổng số 76 công bố thu nhận được chỉ có 5 công bố đủ tiêu chuẩn để nhận vào nghiên cứu. Các nghiên cứu này được công bố từ năm 2013 đến 2019, bao gồm 5506 trẻ sinh ra từ kỹ thuật ICSI và 316 trẻ sinh ra từ kỹ thuật ICSI-AOA. Tất cả các nghiên cứu đều là hồi cứu và sử dụng phương pháp AOA hoá học với các hoá chất được sử dụng bao gồm ionomycin, Ca2+ ionophore và SrCl2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sinh ra từ kỹ thuật ICSI-AOA với ICSI (RR = 1,27; KTC 95% 0,70– 2,28; p = 0,43). Với quan điểm quy trình AOA ảnh hưởng chủ yếu đến thời gian định hướng của thoi vô sắc trong giảm phân cũng như thời gian hoàn thành giảm phân, nghiên cứu đã thực hiện phân tích trên phân nhóm dựa vào loại dị tật bẩm sinh (CA hoặc NCA). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy AOA làm tăng nguy cơ CA (RR = 1,49; KTC 95%: 0,37–6,07) và NCA (RR = 1,24; KTC 95%: 0,64–2,40). Không tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong những kết quả này (I2 ≤ 30%).

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ICSI-AOA không làm tăng nguy cơ mắc các dạng dị tật bẩm sinh như dị tật nhiễm sắc thể (CA) và dị tật không do nhiễm sắc thể (NCA) so với kỹ thuật ICSI thông thường. Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm chứng cứ y văn cho thực hành lâm sàng trong việc tư vấn và chỉ định thực hiện AOA cho những trường hợp có nguy cơ thất bại thụ tinh hoàn toàn.

Nguồn: Rui Long, Meng Wang, Qi Yu Yang, Shi Qiao Hu, Li Xia Zhu & Lei Jin. Risk of birth defects in children conceived by artificial oocyte activation and intracytoplasmic sperm injection: a meta-analysis. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-020-00680-2 2020.



Các tin khác cùng chuyên mục:
HPV và nguy cơ vô sinh ở nữ giới? - Ngày đăng: 06-02-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK