Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 06-02-2021 3:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My
 
Mạch máu tiền đạo được định nghĩa là mạch máu của thai, có thể là động mạch hay tĩnh mạch, không nằm trong bánh nhau hoặc dây rốn, hiện diện gần lỗ trong cổ tử cung. Những mạch máu này có nguy cơ vỡ, khi ối vỡ tự nhiên hoặc bấm ối, dẫn đến thai bị xuất huyết và tử vong. Một vài nghiên cứu cho thấy mạch máu tiền đạo không được chẩn đoán thuộc nhóm nguy cơ cao dẫn đến chết lưu, tử vong sơ sinh và chu sinh. Do đó, nếu được chẩn đoán trước sinh có thể ngăn ngừa được những rủi ro này.
 
Các yếu tố nguy cơ của mạch máu tiền đạo bao gồm thai sau thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), dây rốn bám màng hoặc bám rìa bánh nhau, bánh nhau 2 thùy hoặc có thùy phụ, xuất huyết tam cá nguyệt 3 của thai kỳ.
 
Chiến lược tầm soát dây rốn bám màng bao gồm: tầm soát cho tất cả các trường hợp thai sau TTTON và siêu âm tầm soát khi có các yếu tố nguy cơ.
 
Trước đây, mạch máu tiền đạo được phân thành 2 loại, tuy nhiên hướng dẫn mới của Hiệp hội Siêu âm Sản phụ khoa Quốc tế đã bổ sung biến thể mới của mạch máu tiền đạo và phân thành một nhóm riêng. Hiện tại có 3 loại mạch máu tiền đạo:
̵   Type I: Mạch máu tiền đạo nối từ vị trí dây rốn bám màng và bánh nhau. Dây rốn bám màng và mạch máu tiền đạo chạy tự do qua lỗ trong CTC hoặc gần (<2cm) lỗ trong CTC (SMFM)
̵   Type II: Mạch máu tiền đạo nối 2 thùy bánh nhau hoặc giữa bánh nhau chính và bánh nhau phụ
̵   Type III: Có một hoặc nhiều mạch máu lớn “boomerang” chạy dọc theo bờ bánh nhau, có thể gặp trong trường hợp nhau tiền đạo chuyển vị (resolving placenta previa)
 
Hiện nay chưa có nghiên cứu so sánh các phác đồ quản lý mạch máu tiền đạo. Hầu hết đều khuyến cáo bổ sung corticosteroids và chấm dứt thai kỳ khi thai khoảng 34 - 37 tuần. Một số phác đồ đề nghị đánh giá chiều dài kênh CTC. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện khi: có nguy cơ sinh non hoặc ra huyết âm đạo.
 
Do mạch máu tiền đạo khá hiếm và một số trường hợp không có yếu tố nguy cơ rõ ràng nên cả ISUOG và RCOG hiện tại không khuyến cáo tầm soát thường quy. Tuy nhiên việc tầm soát không quá khó. Các bước khảo sát bao gồm:
̵   Đánh giá vị trí dây rốn cắm vào bánh nhau để chắc chắn dây rốn cắm trực tiếp vào bánh nhau.
̵   Đánh giá bánh nhau mỗi lần siêu âm để loại trừ khả năng bánh nhau hai thùy hoặc có bánh nhau phụ.
̵   Khảo sát kỹ đoạn dưới tử cung ở tất cả những ca từng có nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo ở giai đoạn sau của thai kỳ.
 
CÁC ĐIỂM CHÍNH TRONG THỰC HÀNH:
̵   Đánh giá vị trí dây rốn cắm vào bánh nhau cho tất cả các thai phụ.
̵   Đánh giá bánh nhau để chắc chắn là nhau đơn thùy.
̵   Tìm dấu hiệu “bubbles” (bóng) và “lines” (đường) khi khảo sát đoạn dưới tử cung và cổ tử cung.
̵   Phổ Doppler khảo sát mạch máu.
̵   Siêu âm ngả âm đạo cho các trường hợp: dây rốn bám màng, nhau hai thùy hoặc có bánh nhau phụ, nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo đã chuyển vị. Ngoài ra, nếu không thể xác định vị trí dây rốn cắm vào bánh nhau hoặc nghi ngờ có mạch máu ở đoạn dưới tử cung, nên siêu âm ngả âm đạo để đánh giá kỹ đoạn dưới. Đối với các trường hợp xuất hiện nhau tiền đạo hoặc nhau bám mép nên siêu âm, thực hiện đánh giá lại đoạn dưới tử cung vào giai đoạn sau của thai kỳ.
̵   Cần lưu ý có khoảng 25% trường hợp chẩn đoán mạch máu tiền đạo ở tam cá nguyệt 2 nhưng sau đó không còn nữa khi thai trưởng thành.
Ở các trường hợp mạch máu tiền đạo cách lỗ trong CTC 2-5 mm, hiện chưa đủ dữ liệu chứng minh có thể an toàn khi theo dõi sinh ngả âm đạo. 



Lược dịch từ: How to screen for vasa previa – Ultrasound of Obs & Gyn 2020 –  doi:10.1002/uog.23520


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK