Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-01-2021 2:33pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Ngô Hoàng Tín - IVFVH

Trong những thập kỷ qua, các phôi không phát triển thành phôi nang ở ngày 6 sẽ được loại bỏ (Shoukir và cs., 1998). Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng phôi bị nở chậm vào ngày 7 vẫn có thể cho kết cục thai lâm sàng và trẻ sinh sống khỏe mạnh (Richter và cs., 2016; Du và cs., 2018). Nhìn chung, những phôi không phát triển thành phôi nang vào ngày 5 được cho là có nguy cơ dị bội và giảm khả năng sống cao, dẫn đến kết quả mang thai bị ảnh hưởng do thất bại trong quá trình làm tổ và giảm tỷ lệ sinh sống, đặc biệt đối với phôi nang ngày 7. 

Dữ liệu hiện có về kết cục sản khoa và sự an toàn ở trẻ sinh sống sau chuyển phôi nang ngày 7 so với các giai đoạn khác của phôi còn chưa đầy đủ. Nhiều bằng chứng cho thấy phôi nang ngày 7 có tỷ lệ thai lâm sàng thấp, khoảng 30–33% so với thông thường (Hernandez-Nieto và cs., 2019). Một số nghiên cứu cho rằng việc nuôi cấy phôi kéo dài có thể ảnh hưởng đến kết cục chu sinh như tăng nguy cơ thai lớn so với tuổi thai (LGA), sinh non (PTB) nhưng lại giảm nguy cơ thai nhỏ so với tuổi thai (SGA). 

Năm 2020, Huang và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu hồi cứu đánh giá 4.489 phụ nữ hiếm muộn có trẻ sinh sống sau chuyển phôi trữ. Nghiên cứu thu nhận các bệnh nhân thỏa các tiêu chuẩn (i) thực hiện chu kỳ chuyển phôi trữ ngày 3, ngày 5, ngày 6 và ngày 7, (ii) bệnh nhân ≤ 40 tuổi với BMI ≤ 30 kg/m2 và (iii) sinh con đầu tiên còn sống sau tuần thứ 20 của thai kỳ có được nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Những bệnh nhân có song thai hoặc không có thông tin sinh không được đưa vào phân tích. Tỷ lệ trẻ sinh sống được so sánh theo từng nhóm giai đoạn phôi. Các kết cục chu sinh chính được phân tích bao gồm sinh non (tuổi thai <37 tuần), sinh cực non (tuổi thai <32 tuần), thai lớn so với tuổi thai (cân nặng lúc sinh > bách phân vị 90), và thai nhỏ hơn so với tuổi thai (cân nặng lúc sinh < bách phân vị 10). Kết cục sản khoa bao gồm đái tháo đường thai kỳ (GDM), tăng huyết áp thai kỳ (PIH), ối vỡ non (PPROM), tiền sản giật, nhau bong non và băng huyết sau sinh. Các yếu tố gây nhiễu giữa các nhóm được hiệu chỉnh bằng phương pháp so sánh điểm (PSM). Sau đó, các kết cục kể trên được phân tích tương quan với các thời điểm nuôi cấy phôi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phôi nang ngày 7 cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn đáng kể so với phôi ngày 3, ngày 5 và ngày 6. Đồng thời, nguy cơ sẩy thai cao hơn đáng kể trong 3 tháng đầu tiên nhưng tỷ lệ thai ngoài tử cung thấp hơn ở phôi nang ngày 7 so với phôi ngày 3. Tỷ lệ thai ngoài tử cung và tỷ lệ sẩy thai không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa phôi nang ngày thứ 5, ngày 6 và ngày thứ 7. Tỷ lệ thai lưu tương đương nhau giữa các nhóm. Bên cạnh đó, không có sự khác biệt về cân nặng trẻ sinh sống ở các nhóm ngày 3, ngày 5, ngày 6 và ngày 7. Tuy nhiên, cân nặng quy đổi sang Z-score trung bình cao hơn ở nhóm ngày 7 so với nhóm ngày 3 (0,55 so với 0,27, p = 0,027). 

Ngoài ra, ở nhóm phôi ngày 7 có sự tăng nguy cơ thai rất lớn so với tuổi thai (VLGA) so với nhóm phôi ngày 3 (12,9% so với 6,1%, p = 0,034), trong khi tỷ lệ sinh non cao hơn (7,6% so với 3,9%, p = 0,170) và tỷ lệ SGA thấp hơn (2,2% so với 5,7%, p = 0,262), tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Đối với các nhóm còn lại khi so sánh kết cục với phôi ngày 7, tỷ lệ LGA và VLGA dường như cao hơn và tỷ lệ SGA dường như thấp hơn một chút ở nhóm phôi ngày 7 nhưng không có ý nghĩa thống kê. 
Về kết cục sản khoa, tỷ lệ nhau tiền đạo cao hơn nhẹ ở nhóm ngày 7 (3,2%) so với nhóm ngày 3 (0,7%), ngày 5 (1,8%) và nhóm ngày 6 (2,2%), mặc dù không có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê. Nhóm tác giả cũng đánh giá mối liên quan giữa thời gian nuôi cấy phôi và tỷ lệ đái tháo đường, tăng huyết áp thai kỳ, ối vỡ non, tiền sản giật, nhau bong non và băng huyết sau sinh, nhưng không ghi nhận sự khác biệt đáng kể.

Nghiên cứu cho thấy, các chu kỳ chuyển phôi trữ ngày 7 có liên quan đến các kết cục chu sinh bất lợi, làm tăng nguy cơ thai rất lớn so với tuổi thai hơn so với khi chuyển phôi trữ ngày 3. Đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy phôi nang có tốc độ phát triển đa dạng sẽ có khả năng phát triển tương tự nhau bất kể phôi được trữ vào ngày 5, ngày 6 hoặc ngày 7. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phôi nang ngày 7 cần được nghiên cứu nhiều hơn nhằm cung cấp thêm những bằng chứng xác đáng về mối liên hệ giữa phôi chậm phát triển với các kết cục sản khoa và chu sinh.

Nguồn: Huang, Jiaan; Yang, Xiaoyan; Wu, Jiayi; Kuang, Yanping; Wang, Yun (2020). Impact of Day 7 Blastocyst Transfer on Obstetric and Perinatal Outcome of Singletons Born After Vitrified-Warmed Embryo Transfer. Frontiers in Physiology, 11(), 74–. doi:10.3389/fphys.2020.00074.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK