Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 08-01-2021 7:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Thị Minh Phượng – IVFMD Tân Bình

Tế bào vỏ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nang noãn và hình thành steroid nữ giới, nhưng lại thường ít được chú ý nghiên cứu như tế bào hạt (Young và McNeilly, 2010). Thành phần tế bào vỏ được hình thành ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển nang noãn. Chúng được chia thành hai lớp: lớp tế bào vỏ trong (theca interna) giúp tổng hợp hormone steroid cùng với các tế bào hạt, trong khi lớp tế bào vỏ ngoài (theca externa) lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình phóng noãn (Edson và cs., 2009). Gần đây, quá trình phân lập và biệt hóa tế bào vỏ đã được nghiên cứu trên nhiều mô hình động vật khác nhau. Các nghiên cứu này cho thấy rằng quá trình biệt hóa của tế bào vỏ được điều hòa bởi các yếu tố từ tế bào hạt và noãn. Thông qua các mô hình động vật, người ta thấy rằng tế bào vỏ có thể được biệt hóa từ tế bào mô đệm ở lớp vỏ buồng trứng (cortical stroma cells), tuy nhiên ở người sự hình thành của các tế bào vỏ vẫn còn chưa rõ ràng (Vitt, 2000; Orisaka, 2006; Honda, 2007; Itami, 2011; Qiu, 2013; Liu, 2015; Adib và Valojerdi, 2017). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi tế bào vỏ ở người có thể được biệt hóa từ các tế bào mô đệm lấy từ lớp vỏ buồng trứng của phụ nữ mãn kinh trong môi trường in vitro hay không?

Nghiên cứu được thực hiện trên 8 phụ nữ mãn kinh (53-74 tuổi) trải qua phẫu thuật phụ khoa có buồng trứng bình thường. Tế bào mô đệm được phân lập từ mô sinh thiết buồng trứng của những bệnh nhân này được nuôi cấy in vitro trong 8 ngày và được chia thành 4 nhóm: nuôi cấy với môi trường cơ bản (basic medium) (G1), bổ sung thêm các yếu tố tăng trưởng, FSH và LH (G2), nuôi cấy trong môi trường tương tự G2 loại bỏ collagen (G3), hoặc đồng nuôi cấy với dòng tế bào hạt (G4).

Sự biệt hóa của tế bào vỏ được đánh giá bằng phương pháp real-time PCR, các protein liên quan tới con đường hình thành hormon steroid đều được tìm thấy và có sự gia tăng đáng kể mức độ biểu hiện của một số marker như: Cyp17a1 ở G1 và F1 (các tế bào trôi nổi trong G1); Lhr ở G2 và F2 (các tế bào trôi nổi trong G2) và G4, và Hsd3b2 ở G1, G2, G3 và G4. Nhuộm hóa mô miễn dịch cũng khẳng định sự biểu hiện của từng enzym tham gia vào con đường sinh tổng hợp steroid ở giai đoạn protein. Tuy nhiên, ngoài G1, tất cả các nhóm khác đều có sự gia tăng đáng kể về số lượng tế bào dương tính với CD13 (thụ thể quá trình tạo steroid). Ngoài ra ở nhóm G3 và G4 các tế bào dương tính với NOTCH1 (thụ thể của tế bào hoàng thể) khi nhuộm hóa mô miễn dịch cũng tăng đáng kể. Các tác giả đề xuất rằng việc nuôi cấy tế bào vỏ chung với tế bào hạt có thể giúp đẩy nhanh quá trình biệt hóa. Các phân tích về siêu cấu trúc dưới kính hiển vi điện tử truyền qua cho thấy sự khác biệt không chỉ giữa các nhóm mà còn so với ngày bắt đầu nuôi cấy.

Nghiên cứu này đã cho thấy rằng tế bào vỏ có khả năng biệt hóa trong môi trường in vitro dưới tác động của các yếu tố tăng trưởng và hormone. Đây là bước tiến lớn trong sự hiểu biết về quá trình hình thành tế bào vỏ ở người. Hơn nữa, việc tạo ra tế bào vỏ trong ống nghiệm có thể được sử dụng cho các nghiên cứu về sàng lọc thuốc, cũng như có thêm thông tin về các bệnh lý liên quan đến tế bào vỏ, chẳng hạn như u tiết androgen và hội chứng buồng trứng đa nang.

Nguồn: P AsiabiM M DolmansJ AmbroiseA CamboniC A Amorim. In vitro differentiation of theca cells from ovarian cells isolated from postmenopausal women. Human Reproduction, Volume 35, Issue 12, December 2020, Pages 2793–2807, doi:10.1093/humrep/deaa246.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK