Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 14-01-2021 1:57pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My

Hình 1. Cấu trúc hoá học của acetaminophen.

Acetaminophen là thuốc được chỉ định thông dụng trong hạ sốt. Với đặc tính đạt nồng độ đỉnh trung bình cao hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn, acetaminophen đường tĩnh mạch được cho rằng có thể có lợi trong điều trị sốt ở mẹ trong chuyển dạ sinh. Tuy nhiên, kết quả từ một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng so sánh acetaminophen đường uống và đường tĩnh mạch trong hạ sốt ở những thai phụ trong chuyển dạ sinh cho kết quả khá bất ngờ.

Nghiên cứu này có mục tiêu chính là đánh giá hiệu quả hạ sốt (dựa trên dấu hiệu thân nhiệt hạ xuống < 38oC) giữa acetaminophen đường tĩnh mạch và đường uống. Ngoài ra, nghiên cứu còn so sánh acetaminophen đường tĩnh mạch và đường uống về tác dụng hạ thân nhiệt về bình thường và hiệu quả giảm thân nhiệt 30 phút sau khi dùng liều đầu tiên. Các kết quả khác được đánh giá là kết quả mô bệnh học nhau thai, kết cục sơ sinh, stress oxy hóa, IFN-δ, IL-1 β, IL-2, IL-4, IL-6, IL-8, IL-10, IL-13, và TNF-α trong máu mẹ và trẻ sơ sinh.
 
Đây là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng mù đôi, giả đôi. Bệnh nhân tuổi thai ≥36 tuần trong chuyển dạ sinh khi bắt đầu có sốt ≥ 38oC sẽ được chọn ngẫu nhiên vào nhóm thử nghiệm hoặc nhóm chứng. Nhóm chứng nhận viên uống acetaminophen 1000 mg và giả dược đường tĩnh mạch. Các đối tượng nhóm thử nghiệm nhận 1000 mg acetaminophen đường tĩnh mạch và viên uống giả dược. Nhiệt độ mẹ và tim thai được ghi lại trong những khoảng thời gian liên tiếp sau khi dùng liều đầu tiên acetaminophen. Máu mẹ được thu thập khi bắt đầu sốt và sau khi sinh, máu cuống rốn trẻ được thu thập khi sinh để đánh giá về stress oxy hóa (mức Glutathione) và mức cytokine (IFN-δ, IL-1 β, IL-2, IL- 4, IL-6, IL-8, IL-10, IL-13 và TNF-α). Nhau thai được thu thập để xem xét bệnh lý. Giá trị p <0,05 được coi là có ý nghĩa.
 
Tổng cộng 121 bệnh nhân (55 ở nhóm dùng thuốc đường tĩnh mạch và 66 ở nhóm dùng thuốc đường uống) được tuyển chọn từ ngày 01/12/2016 đến 28/02/2018. Thời gian hạ sốt trung bình ở nhóm dùng đường tĩnh mạch là 54,86 phút (95% CI, 20,57-39,43) so với 52,58 phút (95% CI 16,58-43,42) ở nhóm uống (P = 0,71). Ngoài ra, acetaminophen đường tĩnh mạch và đường uống cho kết quả tương tự về tỷ lệ dung nạp thuốc và hạ thân nhiệt 30 phút sau khi dùng liều đầu tiên. Các phát hiện mô bệnh học, kết cục sơ sinh, dấu hiệu stress oxy hóa, và cytokine không khác biệt giữa nhóm sử dụng acetaminophen đường uống và đường tĩnh mạch.
 
Kết quả phân tích trên cho thấy acetaminophen đường tĩnh mạch không hiệu quả hơn acetaminophen đường uống trong điều trị sốt cho mẹ trong khi sinh. Tuy nhiên, sử dụng acetaminophen đường tĩnh mạch để điều trị sốt trong khi sinh có thể hữu dụng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn bệnh nhân không dung nạp được thuốc uống.
 
Lược dịch từ: Randomized Control Trial of Intravenous Acetaminophen for Reduction of Intrapartum Maternal Fever - American Journal of Obstetrics & Gynecology MFM - Available online 9 December 2020, 100287 - https://doi.org/10.1016/j.ajogmf.2020.100287

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK