Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 01-03-2021 8:29am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Tâm Hoài – IVF Vạn Hạnh

Homocysteine (HCY) ​​là một acid amin chứa gốc sulfate được hình thành trong quá trình chuyển hóa methionine thành cysteine. Sự gia tăng nồng độ homocysteine trong huyết tương có thể xảy ra do khiếm khuyết di truyền, ảnh hưởng đến các enzym liên quan đến chuyển hóa homocysteine, thiếu vitamin như các cofactor, các bệnh mãn tính, hoặc sử dụng các loại thuốc và các sản phẩm có thành phần của thuốc (La Vecchia và cs., 2017). Nồng độ homocysteine cao trong huyết thanh (hyperhomocysteinemia) có thể làm tổn thương nội mô mạch máu, do đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu (Andersson và cs., 1992). Trong thai kỳ, hyperhomocysteinemia có thể gây ra các khiếm khuyết về bánh nhau và thai nhi có thể mắc dị tật ống thần kinh hay dị tật tim bẩm sinh (Gaustadnes và cs., 2000). Tác hại của hyperhomocysteinemia gây ra bởi các gốc tự do được tạo ra trong quá trình oxy hóa homocysteine, gây tổn thương nội mô mạch máu và đưa đến hiện tượng đông máu bất thường (D’angelo và cs., 2000). Ngoài ra, tăng homocysteine còn làm giảm tổng hợp oxit nitric trong tế bào nội mô. Oxit nitric đóng vai trò nhất định trong hầu hết các giai đoạn của quá trình sinh sản ở phụ nữ, chẳng hạn như trong hiện tượng phóng noãn, phát triển phôi sớm, làm tổ, mang thai và các cơn gò khi chuyển dạ (Mezzano và cs., 1999).
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một số yếu tố không phải enzyme ảnh hưởng đến nồng độ homocysteine, bao gồm tuổi tác, giới tính, môi trường, các steroid sinh dục, hút thuốc lá, các bệnh lý gây viêm mãn tính, dinh dưỡng, dùng cà phê và hoạt động thể chất. Hơn nữa, tình trạng đề kháng insulin hoặc chế độ ăn với nhiều thức ăn có chỉ số đường huyết cao (high glycemic index) có thể dẫn đến tăng homocysteine huyết thanh (Ledee-Bataille và cs., 2001).

Nồng độ homocysteine cao trong dịch nang noãn làm giảm chất lượng của phôi in vitro (Ebisch và cs., 2006a). Ở những phụ nữ hiếm muộn, có mối liên quan tiêu cực giữa nồng độ homocysteine trong dịch nang và chất lượng noãn/phôi. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng những bệnh nhân vô sinh mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có chất lượng tế bào và phôi kém trong khi điều trị HTSS (Paffoni và cs., 2018).

Hiện tại, có rất ít nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan giữa nồng độ homocysteine trong dịch nang và chất lượng/sự trưởng thành của noãn. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ homocysteine cao tác động xấu lên các tế bào tuyến sinh dục (Szymanski và Kazdepka Zieminska, 2003; Natadisastra, 2013). Do các bằng chứng thực tế còn chưa đầy đủ và xác đáng, Razi và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá mối liên quan giữa nồng độ của homocysteine trong dịch nang và tỷ lệ trưởng thành của noãn cũng như chất lượng phôi và kết cục của chu kì điều trị HTSS.

Phương pháp
Đối tượng nghiên cứu là 44 phụ nữ trong độ tuổi dưới 42 tuổi, có nồng độ FSH<10 IU/L và có chu kỳ kinh nguyệt đều. Bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, rối loạn nội tiết, tiền căn đái tháo đường, thất bại TTTON trên ba lần hay hiếm muộn do yếu tố nam giới nghiêm trọng như vô tinh và hình dạng tinh trùng bình thường dưới 1% bị loại khỏi nghiên cứu (Rahiminia và cs., 2018; Talebi và cs., 2018). Các bệnh nhân sẽ được chia thành các nhóm theo độ tuổi và theo chỉ số BMI để so sánh và đánh giá.

Sau khi chọc hút noãn, dịch nang sẽ được quay ly tâm với tốc độ 3000 vòng/phút trong 5 phút và bảo quản ở -80oC cho đến khi được xét nghiệm. Cuối cùng, nồng độ homocysteine trong dịch nang được đo lường bằng máy SIEMENS homocysteine và IMMULITE 2000.
Các noãn sau chọc hút sẽ được phân loại độ trưởng thành và được hỗ trợ thụ tinh bằng kỹ thuật ICSI. Mối liên hệ giữa nồng độ homocysteine trong dịch nang ​​và chất lượng phôi, sự trưởng thành của noãn (tỷ lệ noãn MII trên tổng số noãn thu được ở từng cá nhân), tuổi, BMI, tỷ lệ thụ tinh (với noãn MII) và sự hình thành phôi (tỷ lệ phôi được hình thành với noãn thụ tinh của mỗi cá thể), sẽ được phân tích thống kê để đánh giá ảnh hưởng của mức độ homocysteine ​​trong dịch nang lên các yếu tố này.

Kết quả
  • Nghiên cứu cho kết quả về nồng độ homocysteine trong dịch nang ở 20 bệnh nhân có tỷ lệ trưởng thành noãn dưới 80% và 24 phụ nữ có tỷ lệ trưởng thành noãn trên 80% lần lượt là 10,33 ± 2,46 và 7,57 ± 1,93, cho thấy mối liên quan đáng kể giữa nồng độ homocysteine dịch nang và tình trạng trưởng thành noãn (p= 0,000).
  • Chất lượng phôi kém cũng tỉ lệ thuận với nồng độ homocystein trong dịch nang noãn khi mà hầu hết các phôi chất lượng tốt thuộc về mức homocysteine <9,8µm/L. Nồng độ homocysteine trong dịch nang giảm xuống có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ trưởng thành của noãn và chất lượng phôi.
  • Lão hóa có thể là một yếu tố gián tiếp góp phần làm giảm chất lượng phôi và sự trưởng thành của noãn thông qua việc tăng nồng độ homocysteine dịch nang. Kết quả về chỉ số BMI không thể hiện được ý nghĩa thống kê về sự tương quan với nồng độ homocysteine dịch nang.
Hạn chế của nghiên cứu này là việc đánh giá nồng độ homocysteine trong huyết thanh của bệnh nhân không được so sánh với nồng độ trong dịch nang tương ứng. Theo các bằng chứng thu được, nồng độ của homocysteine trong huyết thanh cao hơn ở dịch nang; tuy nhiên, đã có những bằng chứng ban đầu về mối tương quan thuận đáng kể giữa nồng độ homocystein trong huyết thanh và trong các nghiên cứu trước đây (Berker và cs., 2009; Regigers-Theunissen và cs., 1993). Nhóm nghiên cứu đã cố gắng giảm thiểu sai sót bằng cách xây dựng thiết kế nghiên cứu chặt chẽ, chẳng hạn như tính toán kích thước mẫu phù hợp và có một chuyên viên phôi học duy nhất để thực hiện tất cả các thao tác IVF.

Kết luận
Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, việc đánh giá nồng độ homocysteine ở những bệnh nhân đang điều trị vô sinh có thể được sử dụng để ước tính tỷ lệ trưởng thành của noãn, chất lượng phôi và kết cục của chu kì điều trị. Cần có thêm các nghiên cứu trong tương lai nhằm đánh giá tính ứng dụng của biomarker này trên nhóm bệnh nhân có PCOS, lạc nội mạc tử cung và vô sinh do yếu tố nam.
 
Nguồn: Razi, Y., Eftekhar, M., Fesahat, F., Dehghani Firouzabadi, R., Razi, N., Sabour, M., & Razi, M. H. (2020). Concentrations of homocysteine in follicular fluid and embryo quality and oocyte maturity in infertile women: a prospective cohort. Journal of Obstetrics and Gynaecology, 1–6. doi:10.1080/01443615.2020.1785409 

Các tin khác cùng chuyên mục:
HPV và nguy cơ vô sinh ở nữ giới? - Ngày đăng: 06-02-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK