Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 01-03-2021 8:24am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Thành công của một chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là có trẻ sinh sống khoẻ mạnh. Tuy nhiên, đa thai lại là một trong những biến chứng thường gặp trong TTTON, chiếm khoảng 31- 41 %, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ đa thai trong thụ thai tự nhiên là 3,4 % (theo số liệu của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ từ năm 2013-2016). Đa thai mang đến nhiều hệ lụy về sức khoẻ đối với cả mẹ và trẻ như tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân,… Nguyên nhân đa thai phần lớn là do chuyển nhiều hơn một phôi. Vì vậy, bên cạnh việc tăng hiệu quả tỷ lệ trẻ sinh sống, cần phải đảm bảo tính an toàn trong một chu kỳ điều trị TTTON bằng cách kiểm soát đa thai thông qua giảm số phôi chuyển.

Những năm gần đây, nhiều trung tâm TTTON trên thế giới đã áp dụng việc chuyển đơn phôi có chọn lọc (eSET- elective single embryo transfer) thay thế cho chuyển hai phôi (DET- double embryo transfer) trên một số nhóm bệnh nhân phù hợp nhằm làm giảm tỷ lệ đa thai. Năm 2017, Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) và Hội kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (SART) đưa ra khuyến nghị về giới hạn số phôi chuyển tùy vào giai đoạn phôi và tiên lượng của bệnh nhân trong chu kỳ chuyển phôi trữ (FET- frozen embryo transfer) nhằm giảm tối thiểu đa thai nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ mang thai. Theo hướng dẫn này, eSET nên được áp dụng đối với nhóm bệnh nhân tiên lượng tốt (là nhóm bệnh nhân trẻ < 38 tuổi, có ít nhất 1 phôi trữ chất lượng tốt, có phôi nguyên bội và đang thực hiện lần điều trị TTTON đầu tiên hoặc có trẻ sinh sống trong lần điều trị TTTON trước đó). 
Ngoài ra, eSET được áp dụng chủ yếu đối với phôi nang hơn phôi ở giai đoạn phân chia. Bởi lẽ, hiệu quả thực hiện eSET phôi giai đoạn phân chia cho tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn so với eSET phôi nang. Một số nghiên cứu chuyển phôi nang cho thấy eSET sẽ giảm tỷ lệ đa thai từ 10 đến 20 lần so với thực hiện DET, nhưng tỷ lệ thai và tỷ lệ trẻ sinh sống không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, kết quả cân nặng của trẻ lúc sinh khác biệt đáng kể khi thực hiện eSET so với DET phôi nang tươi ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi (< 35 tuổi). Tuy nhiên, các kết quả sản khoa và sơ sinh của chiến lược chuyển đơn phôi còn quá ít công bố.

Ở Việt Nam, số nghiên cứu về hiệu quả chuyển phôi vẫn còn hạn chế. Chưa có nghiên cứu nào báo cáo về kết quả thai kì chuyển đơn phôi trữ chọc lọc, cũng như đưa ra khuyến cáo về số phôi chuyển cho từng nhóm bệnh nhân cụ thể. Trên các cơ sở đó, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiệu quả của chiến lược chuyển đơn phôi chọn lọc so với chuyển hai phôi trong chu kỳ chuyển phôi trữ của nhóm bệnh nhân tiên lượng tốt.

Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đa trung tâm được tiến hành tại các trung tâm TTTON thuộc hệ thống IVFMD trong thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 5/2020. Các bệnh nhân thoả tiêu chuẩn nhận loại được chia thành 4 nhóm: (1) chuyển một phôi ngày 3 chất lượng tốt (eSET D3), (2) chuyển một phôi nang ngày 5 chất lượng tốt (eSET D5), (3) chuyển 2 phôi ngày 3 chất lượng tốt (DET D3), (4) chuyển 2 phôi nang ngày 5 chất lượng tốt (DET D5).

Kết quả thu được là:
  • Trong nhóm chuyển phôi ngày 3, tỷ lệ trẻ sinh sống và sinh song thai của eSET D3 thấp hơn đáng kể so với DET D3 (với tỷ lệ lần lượt là 22,7% so với 39,3%, p = 0,002; 3,3% so với 29,1%; p < 0,001).
  • Trong nhóm chuyển phôi ngày 5, tỷ lệ sinh song thai ở eSET D5 giảm đáng kể so với DET D5 (9,6% so với 38,3%; p< 0,001) nhưng tỷ lệ trẻ sinh sống vẫn tương đương nhau (41,4% so với 42,8%; p < 0,74). Kết cục sơ sinh như cân nặng và tuổi thai của trẻ lúc sinh giữa eSET và DET tương đương nhau.
  • Khi so sánh giữa 2 nhóm chuyển đơn phôi chọn lọc, eSET D3 cho tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn đáng kể so với eSET D5; và tỷ lệ sinh song thai có xu hướng thấp hơn so với eSET D5, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa về mặt thống kê (9,6% so với 3,3%; p = 0,07). Vì thế, eSET D3 có thể là lựa chọn chuyển phôi phù hợp nhằm hạn chế tối đa song thai cùng hợp tử. Cân nặng trung bình của trẻ lúc sinh ở nhóm eSET D5 thấp hơn đáng kể (khoảng 227,6g) so với eSET D3 (p = 0,01), nhưng vẫn nằm trong khung tham chiếu cân nặng bình thường (2500 - 4000g) theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó, cân nặng của những trẻ sinh song thai ở 4 nhóm chuyển phôi đều nằm dưới ngưỡng tham chiếu an toàn. Kết quả này, một lần nữa củng cố nguy cơ về song thai nhẹ cân hơn so với trẻ đơn thai sinh sống.

Như vậy, ở nhóm bệnh nhân tiên lượng tốt, chiến lược chuyển đơn phôi chọc lọc giúp hạn chế đáng kể tỷ lệ sinh song thai so với chuyển hai phôi nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ trẻ sinh sống cũng như các kết cục thai kỳ khác và kết cục sơ sinh. Chiến lược eSET D5 cho nhóm bệnh nhân tiên lượng tốt là lựa chọn phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa tỷ lệ trẻ sinh sống và giảm thiểu nguy cơ đa thai. Bên cạnh đó, thực hiện eSET D3 cho tỷ lệ trẻ sinh sống thấp nhất nhưng là chiến lược an toàn nhất với tỷ lệ sinh song thai, sẩy thai và nguy cơ trẻ sơ sinh nhẹ cân là thấp nhất. Kết quả nghiên cứu này có thể cung cấp chứng cứ khoa học hỗ trợ cho quá trình điều trị TTTON một cách an toàn và hiệu quả trên nhóm bệnh nhân tiên lượng tốt tại hệ thống IVFMD cũng như tại Việt Nam.

Nguồn: Effectiveness of elective single versus double embryo transfer in good-prognosis IVF patients, Biomedical Research and Therapy, 2021, http://www.bmrat.org/index.php/BMRAT/article/view/658

Các tin khác cùng chuyên mục:
HPV và nguy cơ vô sinh ở nữ giới? - Ngày đăng: 06-02-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK