Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 18-04-2020 5:47pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS. Trần Thị Thu Vân – BV Mỹ Đức
 
Sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss - RPL) chiếm tỷ lệ 1-2% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và ảnh hưởng đến kết cục thất bại lâu dài cho các cặp vợ chồng đang mong con. 50% các trường hợp là không tìm được nguyên nhân. Phân tích microarray các mẫu mô thai bị sẩy giúp xác định được thai bình thường hay bất thường, trong đó số lượng thai bất thường chiếm 95%. Thai kỳ bất thường có thể liên quan đến sự bất thường noãn hoặc chất lượng noãn kém, điều này tăng ở những phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời, độ tuổi của người phụ nữ cũng là một yếu tố liên quan đến kết cục sẩy thai liên tiếp. Vì vậy, việc đánh giá dự trữ buồng trứng có thể giúp tiên lượng khả năng sinh sản, từ đó có chế độ theo dõi chăm sóc cho những đối tượng có nguy cơ cao sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên các xét nghiệm huyết thanh và siêu âm hiện nay chỉ giúp đánh giá số lượng noãn còn lại không giúp đánh giá chất lượng noãn.
 
Chính vì vậy, Sarah J. Bunnewell và cộng sự thực hiện một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp nhằm tìm mối tương quan giữa giảm dự trữ buồng trứng và sẩy thai liên tiếp, đồng thời tìm ra cận lâm sàng tốt nhất giúp đánh giá dự trữ buồng trứng. Dữ liệu được tìm trên MEDLINE, EMBASE, Web of Science, và Scopus cho đến tháng 5 năm 2019 với từ khóa ‘‘recurrent pregnancy loss’’ và ‘‘ovarian reserve tests’’. Các nghiên cứu có can thiệp ảnh hưởng đến kết cục sẩy thai liên tiếp, giảm dự trữ buồng trứng; các trường hợp xin trứng; thử nghiệm trên động vật;… sẽ bị loại khỏi nghiên cứu.
 
Kết quả có 15 nghiên cứu quan sát thỏa tiêu chuẩn, bao gồm 3082 đối tượng và 6 test để đánh giá dự trữ buồng trứng: AMH, FSH, E2, LH, AFC và tỉ số FSH:LH. Định nghĩa sẩy thai liên tiếp thay đổi giữa các nghiên cứu: 11 trong 15 nghiên cứu lấy định nghĩa là ≥3 lần sẩy thai, 4 nghiên cứu lấy ≥2 lần sẩy thai và 7 nghiên cứu lấy những phụ nữ có các lần sẩy thai kế tiếp nhau. Có 10 nghiên cứu so sánh giữa 2 nhóm: có sẩy thai liên tiếp và không sẩy thai liên tiếp, 5 nghiên cứu so sánh giữa 2 nhóm: sẩy thai liên tiếp tìm được nguyên nhân và sẩy thai liên tiếp chưa rõ nguyên nhân. Nguyên nhân của sẩy thai liên tiếp trong các nghiên cứu được đưa vào thường là hiện diện kháng thể kháng giáp (thyroid peroxidase antibodies), tử cung dị dạng, thiếu hụt yếu tố đông máu, hội chứng antiphospholipid, bất thường nhiễm sắc thể bố mẹ, bất thường chức năng tuyến giáp, đái tháo đường và các bất thường nội tiết khác. Trong đó, chỉ có 6 nghiên cứu có báo cáo về ngưỡng cut-off của giảm dự trữ buồng trứng và được đưa vào phân tích gộp.

[AntiMullerian Hormone]

Phân tích gộp từ 2 nghiên cứu cho thấy nhóm sẩy thai liên tiếp có mối liên quan với giảm dự trữ buồng trứng (AMH ≤ 1 ng/mL) với OR 2.77; KTC 95%, 1.41–5.46; P=0.03, I2=0%. Đồng thời khi so với nhóm biết rõ nguyên nhân, nhóm sẩy thai liên tiếp chưa rõ nguyên nhân có khả năng liên quan nhiều hơn với giảm dự trữ buồng trứng (OR 3.23; KTC 95%, 1.81–5.76; P<0.0001, I2=0%).





[Antral Follicle Count]

Nhóm sẩy thai liên tiếp cũng có mối liên quan với giảm chỉ số AFC (AFC <7) với OR 2.45 (KTC 95%, 1.16–5.19; P=0.02, I2=59%).



[Follicle Stimulating Hormone]

Trích xuất dữ liệu từ 2 nghiên cứu trên 313 phụ nữ, mối liên quan ở nhóm sẩy thai liên tiếp với FSH ≥11 U/L cao hơn với OR 2.05 (KTC 95%, 0.36–11.55; P=0.42), tuy nhiên tính không đồng nhất giữa 2 nghiên cứu tương đối cao (I2=73%). Tỉ số FSH:LH trong 2 nghiên cứu (Atasever, 2016 và Yildirim, 2018) cho thấy không có mối tương quan có ý nghĩa với nhóm sẩy thai liên tiếp hay không sẩy thai liên tiếp.

[Luteinizing Hormone]

Nhìn chung không có bằng chứng rõ ràng về việc tăng nồng độ LH tương quan với sẩy thai liên tiếp.

[Estradiol]

Sử dụng ngưỡng cắt  E2 ≥60 nmol/L, không thấy mối tương quan có ý nghĩa với cả 2 nhóm (OR 1.94; KTC 95%, 0.16- 3.48; P=.06, I2=94%).
 
Điểm hạn chế của nghiên cứu này là: chưa có định nghĩa thống nhất về sẩy thai liên tiếp, cỡ mẫu nhỏ, nghiên cứu không hiệu chỉnh các biến như độ tuổi, chủng tộc, các chỉ số sinh hóa khác vì có thể ảnh hưởng đến kết quả, ví dụ AMH và AFC giảm khi tuổi mẹ tăng. Nghiên cứu không phân tích hồi quy vì số lượng mẫu nhỏ và thông tin được báo cáo hạn chế.
 
Tóm lại, nhóm tác giả nhấn mạnh có mối tương quan giữa giảm dự trữ buồng trứng và nguy cơ sẩy thai liên tiếp, đặc biệt trên nhóm sẩy thai liên tiếp chưa rõ nguyên nhân. Mặc dù nghiên cứu còn thiếu các ngưỡng cắt được chuẩn hóa để xác định xét nghiệm nào là tốt nhất đánh giá dự trữ buồng trứng, nhóm tác giả vẫn cho rằng AMH và AFC nên được sử dụng.
 
Nguồn: Bunnewell, S.J., Honess, E.R., Karia, A.M., Keay, S.D., Al Wattar, B.H., Quenby, S., 2020. Diminished ovarian reserve in recurrent pregnancy loss: a systematic review and meta-analysis. Fertility and Sterility 113, 818-827.e3. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2019.11.014
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK