Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 07-10-2019 10:46am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông đều gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ ô nhiễm của các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM. Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nan giải, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Ô nhiễm môi trường được cho là những yếu tố nguy cơ của suy giảm khả năng sinh sản, ung thư và các bệnh lý hô hấp như hen suyễn, viêm phổi,… Và liệu ô nhiễm môi trường có liên quan đến các kết cục của điều trị hỗ trợ sinh sản hay không đang là một vấn đề được quan tâm.

Hai nghiên cứu gần đây, trong đó có một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên European Society of Human Reproduction and Embryology (ESHRE) tại Vienna, từng phát hiện ra rằng phơi nhiễm với không khí có nồng độ NO2 và PM10 (bụi mịn có đường kính hạt 2,5-10mm) cao có liên quan đến giảm dự trữ buồng trứng, đáp ứng buồng trứng kém và ít phôi chất lượng tốt.



Tác giả Legro và cộng sự đã nghiên cứu mức độ ô nhiễm không khí được tìm thấy xung quanh nhà và phòng khám HTSS của 7403 phụ nữ trải qua chu kỳ TTTON đầu tiên. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng tác động của việc ô nhiễm không khí đến kết quả TTTON là dao động và phức tạp, nhưng nồng độ NO2 tăng liên quan đến giảm tỷ lệ sinh sống. Khi sử dụng AMH làm marker dự trữ buồng trứng, nhóm nghiên cứu của tác giả Antonio La Marca, báo cáo tại Hội nghị thường niên ESHRE năm nay, cũng cho kết luận tương tự. Nghiên cứu này đánh giá tương quan giữa 1463 chỉ số AMH thu được từ 1318 phụ nữ với nồng độ vi hạt bụi và nồng độ NO2. Kết quả cho thấy nồng độ AMH huyết thanh sau tuổi 25 có tương quan nghịch và đáng kể đến độ tuổi, và cũng tương quan nghịch và đáng kể đến nồng độ các chất ô nhiễm môi trường như PM10, PM2.5 và NO2. Việc tiếp xúc với mức độ cao PM10, PM2.5 và NO2 làm tăng nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng từ 2-3 lần.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu mới nhất với số liệu từ 250.000 chu kỳ chuyển phôi tươi, phân tích ảnh hưởng của nồng độ PM2.5 (bụi mịn có đường kính hạt <2,5 mm) và ozone hàng ngày trong ba khoảng thời gian của chu kỳ TTTON: bắt đầu điều trị đến chọc hút noãn, chọc hút noãn đến chuyển phôi và sau chuyển phôi 14 ngày. Mô hình hồi quy logistic đa biến được sử dụng để tính toán tỷ số nguy cơ (RR). Kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối tương quan có ý nghĩa giữa kết quả điều trị và nồng độ PM2.5 trung bình hàng ngày, và chỉ có mối tương quan yếu giữa tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ sinh sống với nồng độ ozone, tại bất kỳ giai đoạn của quá trình điều trị. Số liệu của nghiên cứu này được thu thập từ Hệ thống giám sát HTSS quốc gia Hoa Kỳ (NASS) và Mạng theo dõi sức khỏe cộng đồng môi trường của CDC về ô nhiễm không khí, từ năm 2010-2012.

Đây là một nghiên cứu lớn và phức tạp, tuy nhiên chỉ có hai chất gây ô nhiễm được đánh giá cụ thể và các tác giả cũng cho biết rất khó để đánh giá vai trò của phơi nhiễm cá nhân, vì một cá nhân có thể tiếp xúc với nhiều chất ô nhiễm khác nhau và nhóm nghiên cứu cũng không đánh giá được hết tác động tương tác giữa các chất ô nhiễm với nhau và với kết quả điều trị (vì rất khó để đánh giá). Mặc dù có thể chưa có mối tương quan rõ ràng với kết quả TTTON, các chất gây ô nhiễm không khí có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các bệnh mãn tính khác, và các nghiên cứu trên nhóm dân số khác cho kết luận có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với khả năng sinh sản, đặc biệt là các hạt có đường kính lớn hơn và NO2. Hơn nữa, ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn là một trong những nguyên nhân gây nóng lên toàn cầu, là yếu tố đe doạ không chỉ đến con người mà còn cả các sinh vật sống khác và sự tồn vong của Trái Đất. Chính vì vậy, giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị nên có nhiều nghiên cứu hơn về chủ đề này.
 
BS Lê Khắc Tiến - IVFMD


Nguồn tham khảo chính:
1. Boulet SL, Zhou Y, Shriber J, et al. Ambient air pollution and in vitro fertilization treatment outcomes. Hum Reprod 2019; doi.org/10.1093/humrep/dez128.
2. La Marca A. Ovarian reserve and exposure to environmental pollutants (ORExPo study). ESHRE Annual Meeting 2019, Abstract 0-204.
3. Carre J, Gatimel N, Moreau J, et al. Influence of air quality on the results of in vitro fertilization attempts: a retrospective study. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol 2017; 210: 116–122.
4. Munch EM, Sparks AE, Duran HE, et al. Lack of carbon air filtration impacts early embryo development. J Assist Reprod Genet 2015; 32: 1009–1017.
5. Legro RS, Sauer MV, Mottla GL, et al. Effect of air quality on assisted human reproduction. Hum Reprod 2010; 25: 1317–1324.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK