Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 04-10-2019 9:48am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

 Các kết quả chu sinh như chỉ số APGAR, chỉ số pH, định lượng lactate và cân nặng (BW) trẻ sơ sinh đều có liên quan đến sức khỏe sau này của trẻ. Trong đó tình trạng nhẹ cân khi sinh (LBW) có liên quan đến sự khởi phát của các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường týp 2. Trong nghiên cứu của Maheshwari và cộng sự năm 2018, phương pháp chuyển phôi đông lạnh được chứng minh giúp giảm tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh, thai nhỏ so với tuổi thai và sinh non so với chuyển phôi tươi. Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên những cặp anh chị em của Pinborg và cộng sự cho thấy trẻ sinh ra sau chuyển phôi đông lạnh có thai lớn so với tuổi thai khi so với trẻ sinh ra từ phương pháp chuyển phôi tươi. Điều này chứng minh những yếu tố nội sinh trong quá trình mang thai không phải là lý do duy nhất làm cân nặng trẻ sơ sinh có sự khác biệt. Đồng thời việc xác định tác động của quá trình đông lạnh rất quan trọng vì phôi đông lạnh đang được sử dụng rộng rãi trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Do đó, Margaux Anav và cộng sự thực hiện nghiên cứu chuyển phôi anh chị em trên cùng một đoàn hệ phôi. Mục đích của nhóm tác giả là xác định liệu quá trình trữ lạnh có ảnh hưởng đến sự khác biệt cân nặng của trẻ sinh ra sau khi chuyển phôi tươi và sau chuyển phôi trữ trong một đoàn hệ phôi anh chị em hay không. Đây được xem là nghiên cứu lớn nhất về ảnh hưởng của đông lạnh lên cân nặng của trẻ trong một đoàn hệ phôi anh chị em.
 
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đa trung tâm từ tháng 5 năm 2007 đến tháng 6 năm 2015. Bệnh nhân được chia thành hai nhóm, nhóm đầu tiên (Fresh/FET) bệnh nhân được chuyển phôi tươi trước có trẻ sinh sống (nhóm Fresh, n=158) sau đó tiếp tục chuyển phôi trữ anh chị em và có trẻ sinh sống (nhóm FET, n=158). Nhóm thứ hai (FET/FET) bệnh nhân chuyển phôi trữ trước có trẻ sinh sống (nhóm FET1, n=25) và bệnh nhân thực hiện chuyển phôi trữ anh chị em tiếp theo có trẻ sinh sống (nhóm FET2, n=25).

Kết quả đánh giá chính
Ở đoàn hệ Fresh/FET, giá trị cân nặng trung bình của nhóm FET cao hơn 271.2g so với nhóm chuyển phôi tươi (3508.9±452.4 g với 3237.7±463.3 g; p<0.0001), thai lớn so với tuổi thai ở nhóm FET cao hơn nhóm Fresh (AOR 4.22; 95%CI 2.04–8.73).
Ở đoàn hệ FET/FET, giá trị cân nặng trung bình của nhóm FET1 cao hơn 93,1g so với nhóm FET2 (3430.2 ± 347.6 g với 3337.1 ± 391.9 g; p = 0.3789) và thai lớn so với tuổi thai ở nhóm FET2 cao hơn nhóm FET1 (AOR 6; 95%CI 0.72–49.84). Tuy nhiên, sự khác biệt ở hai trường hợp này không có ý nghĩa thống kê.
 
 Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về cân nặng của những trẻ sơ sinh sau quá trình chuyển phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi không phải do sự khác biệt về các yếu tố nội tại của người mẹ, và nghiên cứu này là một chứng cứ mạnh mẽ chứng minh trữ lạnh phôi có liên quan trực tiếp đến cân nặng trẻ sau sinh tuy nhiên cơ chế chính xác vẫn chưa được làm rõ.

CVPH. Nguyễn Thị Hồng Châu - IVFMDPN
Nguồn: Cryopreserved embryo replacement is associated with higher birthweight compared with fresh embryo: multicentric sibling embryo cohort study. M.Anav et al., 2019. Scientific Reports, Volume 9, Issue 1, September 2019, Pages 13402.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK