Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 25-07-2019 2:05am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận
 
Vài năm gần đây, tỉ lệ phụ nữ béo phì trong độ tuổi sinh sản ngày càng tăng. Béo phì được biết đến là có liên quan đến vô sinh thứ phát, rối loạn rụng trứng và sẩy thai tự nhiên. Ngoài ra béo phì còn liên quan mạnh mẽ đến các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, sinh non hay đái tháo đường thai kỳ. Ngày nay, điều trị thụ tinh trong ống nghiệm là giải pháp cho những phụ nữ béo phì không thể có thai tự nhiên tuy nhiên vẫn chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng về kết quả điều trị trên nhóm phụ nữ này. Một số nghiên cứu cho thấy không có mối tương quan giữa cân nặng và kết quả điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, tuy nhiên một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng béo phì có liên quan đến tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống thấp.
 

Cơ chế ảnh hưởng của béo phì lên khả năng sinh sản của nữ giới rất phức tạp và vẫn chưa rõ ràng. Ảnh hưởng của BMI lên kết quả phôi học vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Một số nghiên cứu cho thấy BMI không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi, số khác cho thấy BMI ảnh hưởng đến tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ phôi phân chia. Gần đây, hệ thống theo dõi phôi time-lapse được sử dụng và ứng dụng nhiều trong đánh giá phôi tiền làm tổ. Một số nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá mối tương quan giữa BMI mẹ và động học phân chia của phôi. Tuy nhiên, các nghiên cứu này cho kết quả không rõ ràng và cũng không đồng nhất. Vì vậy Alessandro Bartolacci và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của BMI mẹ lên sự phát triển của phôi thông qua đánh giá các thông số động học hình thái.

Nghiên cứu hồi cứu trên 1528 chu kỳ ICSI từ tháng 1/2012 đến 12/2017, so sánh các thông số động học phôi, mà chủ yếu là t5 (thời gian phôi phân chia hoàn toàn thành 5 tế bào) và t8 (thời gian phôi phân chia hoàn toàn thành 8 tế bào) trên 4 nhóm: nhóm nhẹ cân (nhóm A), nhóm cân nặng bình thường (nhóm B), nhóm thừa cân (nhóm C) và nhóm béo phì (nhóm D). Kết quả nghiên cứu cho thấy: Phôi ở nhóm D có t5 chậm hơn so với nhóm B (50,84 giờ với 49,24 giờ). Phôi ở nhóm C và D có t8 chậm hơn so với nhóm B (56,72 giờ; 57,89 giờ so với 55,66 giờ). Hình thái phôi không có sự khác biệt giữa các nhóm. Trong các kết quả lâm sàng chỉ có tỉ lệ sẩy thai liên quan đến BMI, nghiên cứu này thấy rằng nhóm có cân nặng bình thường có tỉ lệ sẩy thai thấp hơn các nhóm còn lại.

Sử dụng hệ thống theo dõi phôi time-lapse để đánh giá mối tương quan giữa BMI mẹ và động học phôi, Alessandro Bartolacci và cộng sự đã chỉ ra rằng BMI cao có ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi, mà cụ thể là làm chậm thời gian phân chia của phôi.

Nguồn: Maternal body mass index affects embryo morphokinetics: a time-lapse study. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-019-01456-3
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK