Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 16-05-2019 2:51pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Hữu Duy
Chuyên viên phôi học – IVF Vạn Hạnh

Thất bại thụ tinh sau ICSI chiếm khoảng 3 - 5% các chu kỳ ICSI. Tuy nhiên, việc sử dụng kỹ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn (assisted oocyte activation – AOA) đã giúp mang đến cho các cặp vợ chồng gặp thất bại thụ tinh cơ hội sử dụng tinh trùng/noãn của chính họ. Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của AOA thể hiện rõ hơn trong các trường hợp nghi ngờ sự thiếu hụt hoạt hóa noãn có liên quan đến tinh trùng. Do đó, việc xác định nguồn gốc giao tử chịu trách nhiệm cho sự thất bại thụ tinh có vai trò quan trọng trong việc định hướng quyết định của một cặp vợ chồng đối với các phương pháp điều trị trong tương lai, đặc biệt là khi quyết định xin noãn hay tinh trùng. Trên cơ sở này, tác giả Minerva Ferrer-Buitrago và cộng sự (2018) đã tiến hành nghiên cứu nhằm trả lời cho câu hỏi: Có thể đánh giá các khiếm khuyết trong quá trình hoạt hóa noãn do yếu tố noãn ở những noãn không thụ tinh sau ICSI có kết hợp với hỗ trợ hoạt hóa noãn (ICSI-AOA) hay không?

Nghiên cứu này gồm ba hướng: (1) Đánh giá các phức hợp nhiễm sắc thể - thoi vô sắc và sự phân bố nội bào của các thụ thể inositol trisphosphate loại 1 (IP3R1), sử dụng noãn IVM và các noãn không thụ tinh từ bệnh nhân làm AOA, mục đích là kiểm tra tiềm năng hoạt hóa của noãn; (2) Đánh giá khả năng giải phóng Ca2+ của các noãn thất bại thụ tinh sau AOA bằng cách cho tiếp xúc trực tiếp với các Ca2+ ionophore và (3) Tiêm tinh trùng vào các noãn không thụ tinh sau ICSI hoặc ICSI-AOA.

Kết quả nghiên cứu các noãn IVM từ các bệnh nhân trải qua ICSI thông thường (nhóm chứng) và ICSI-AOA (nhóm nghiên cứu) cho thấy sự bình thường tương tự nhau của các phức hợp nhiễm sắc thể - thoi vô sắc và các kiểu phân bố của IP3R1. Các noãn không thụ tinh từ cả hai nhóm cho thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ các dạng phức hợp nhiễm sắc thể - thoi vô sắc bình thường hoặc bất thường. Tuy nhiên, sự di chuyển của IP3R1 chiếm tỉ lệ cao hơn ở các noãn không thụ tinh sau ICSI-AOA so với ICSI thông thường. Ngoài ra, ở các noãn thất bại thụ tinh (sau ICSI hoặc sau ICSI-AOA), phần lớn vẫn duy trì khả năng hoạt hóa với các kích thích như tiếp xúc với Ca2+ ionophore hoặc với tinh trùng tiêm thêm vào.

Như vậy, nghiên cứu này cho thấy việc đánh giá sự bình thường của phức hợp nhiễm sắc thể - thoi vô sắc và sự phân bố IP3R1 không giúp xác định sự thiếu hụt khả năng giải phóng Ca2+ ở các noãn thất bại thụ tinh. Tuy nhiên, phân tích Ca2+ ở noãn giúp cung cấp thêm thông tin trong việc xác định sự thiếu hụt khả năng giải phóng Ca2+ của những noãn thất bại thụ tinh sau ICSI hoặc ICSI-AOA. Một số bệnh nhân vẫn gặp phải thất bại thụ tinh sau khi ICSI-AOA mà nghi ngờ do bị thiếu hụt khả năng kích hoạt bộ máy giải phóng Ca2+ của noãn sẽ không thể khắc phục bằng ICSI-AOA dựa trên việc sử dụng Ca2+ ionophore.
 
Nguồn: Assessment of the calcium releasing machinery in oocytes that failed to fertilize after conventional ICSI and assisted oocyte activation. Ferrer-Buitrago, Minerva et al.
Reproductive BioMedicine Online, Volume 38, Issue 4, 497 – 507.

 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK