Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-05-2019 9:31am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Thai bám sẹo mổ lấy thai (Cesarean scar pregnancy – CSP) có khuynh hướng gia tăng trong vài thập kỷ gần đây, nguyên nhân có thể do gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai và sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp thích hợp, CSP có thể dẫn đến chảy máu nhiều, vỡ tử cung, nhau cài răng lược, cắt tử cung…

Hiện nay vẫn chưa có đồng thuận về tiêu chuẩn chẩn đoán cũng như quản lý CSP. Những nghiên cứu về các biện pháp can thiệp, quản lý vẫn liên tục được cập nhật nhằm cung cấp bằng chứng tin cậy, tăng tính hiệu quả, an toàn trong chẩn đoán và điều trị CSP.



Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp của 17 nghiên cứu về phương pháp theo dõi – không can thiệp những trường hợp CSP đăng trên tạp chí Siêu âm Sản Phụ khoa (ISUOG) cho thấy đây cũng có thể là một phương pháp quản lý CSP cần được lưu ý.

Tổng cộng có 69 trường hợp được chẩn đoán CSP, 52 trường hợp có hoạt động tim thai và 17 trường hợp không có hoạt động tim thai được tổng hợp và phân tích.
Đối với nhóm CSP có hoạt động tim thai:
  • 13% sẩy thai không có bất kỳ tai biến nào xảy ra sau thời gian theo dõi (95% CI 3,8 – 26,7%).
  • 20% cần can thiệp nội khoa (95% CI 7,1 – 37,4%)
  • 9,9% vỡ tử cung ở tam cá nguyệt 1 và tam cá nguyệt 2 (95% CI 2,9 – 20,4%)
  • Tổng cộng 15,2% trường hợp cắt tử cung (95% CI 3,6 – 32,8%)
  • 40 trường hợp (76,9%) thai phát triển đến tam cá nguyệt 3 – trong đó có 39,2% xuất huyết nặng (95% CI 15,4 – 66,2)
  • 74,8% trường hợp (95% CI 52,0 – 92,1%) bệnh nhân được phẫu thuật có kết quả giải phẫu bệnh là nhau xâm lấn bất thường (abnormal invasive placenta – AIP); 2/3 số đó là nhau cài răng lược thể xâm lấn (percreta), tỷ lệ 69,7% (95% CI 42,8 – 90,1%).
Đối với nhóm CSP không có hoạt động tim thai:
  • 69,1% sẩy thai không có bất kỳ tai biến nào xảy ra sau thời gian theo dõi (95% CI 47,4 – 87,1%).
  • 30,9% cần kết hợp điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa (95% CI 12,9 – 52,6%)
  • Vỡ tử cung xảy ra khoảng 13,4% (95% CI, 2,7 – 30,3%) trên tổng số trường hợp theo dõi nhưng không có bệnh nhân nào phải cắt tử cung.
Từ kết quả phân tích trên, nhóm nghiên cứu kết luận những trường hợp CSP có hoạt động tim thai, việc theo dõi không can thiệp là phương pháp không hiệu quả vì tăng tỷ lệ chảy máu nhiều, vỡ tử cung sớm, cắt tử cung và nhau cài răng lược. Dù vậy, vẫn có tỷ lệ thai phát triển đến gần hoặc trưởng thành, nên câu hỏi đặt ra là có phải chấm dứt thai kỳ là lựa chọn duy nhất ở nhóm bệnh nhân này hay không. Đối với trường hợp CSP không có hoạt động tim thai, theo dõi không can thiệp có thể là lựa chọn khả thi do tỷ lệ tai biến ở mẹ cần can thiệp thấp. Dù vậy vẫn cần phải giám sát những bệnh nhân này thật chặt chẽ để tránh những diễn biến bất lợi.

Đây là tổng quan đầu tiên về theo dõi CSP được công bố. Kết quả từ tổng quan này là thông tin hữu ích khi tư vấn cho bệnh nhân CSP. Tuy nhiên, theo các tác giả, cỡ mẫu nhỏ, nghiên cứu hồi cứu không phân phối ngẫu nhiên, khoảng thời gian theo dõi không đồng nhất và thiếu dữ liệu về các yếu tố liên quan đến quyết định không can thiệp như nồng độ βhCG cũng như kích thước khối thai là những điểm yếu của tổng quan này.
 
Lược dịch từ: Outcome of Cesarean scar pregnancy managed expectantly: systematic review and meta-analysis - Ultrasound Obstet Gynecol 2018; 51: 169–175
DOI: 10.1002/uog.17568
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK