Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-05-2019 1:19pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Vô sinh do nam chiếm gần 50% các trường hợp cặp vợ chồng vô sinh, và có đến 30% cặp vợ chồng vô sinh với nguyên nhân duy nhất là do nam giới. Trong 15% các trường hợp vô sinh nam, hàm lượng thấp của hormone testosterone (T) được phát hiện; tuy nhiên tác động của hàm lượng thấp T đến khả năng sinh sản chưa được tìm hiểu rõ. Ở người, hàm lượng T trong huyết thanh thấp có mối tương quan với các thông số tinh dịch bất thường như độ di động và mật độ thấp. Hơn nữa, các nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa hàm lượng thấp T với kết quả thai hay trẻ sinh sống còn thiếu. Gần đây, nghiên cứu đăng trên tạp chí Fertility & Sterility đã chỉ ra rằng những người đàn ông vô sinh không rõ nguyên nhân với hàm lượng T thấp có hình dạng tinh trùng bình thường và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp trong các chu kì IUI.

Trong nghiên cứu này, các cặp vợ chồng vô sinh chưa rõ nguyên nhân thực hiện IUI được lựa chọn. Thông số tinh dịch đồ sử dụng theo chuẩn WHO 2010. Người chồng phải có tinh dịch đồ đạt ít nhất 5 triệu tinh trùng di động. Hàm lượng T trong máu người chồng được xét nghiệm lúc đói. Dữ liệu nhóm nghiên cứu cho thấy hàm lượng T thấp là < 264 ng/dL và ngược lại. Hồi quy logistic được sử dụng để điều tra mối quan hệ giữa T thấp (< 264 ng/dL) với kết quả tinh dịch đồ, kết quả thai lâm sàng và trẻ sinh sống.



Có 781 trường hợp được chọn vào nghiên cứu, tuổi chồng trung bình là 34,2 và BMI trung bình là 28,9 kg/m2. Không có sự khác biệt về tuổi tác, sử dụng thuốc lá hay học vấn ở hai nhóm T thấp và T cao. Kết quả cho thấy hàm lượng T thấp tương ứng với BMI cao, có ý nghĩa thống kê (p < 0,001). Nhóm T cao có hình dạng tinh trùng bình thường cao hơn nhóm T thấp (p = 0,02). Không có sự khác biệt về các thông số tinh dịch như thể tích, mật độ, độ di động và tỉ lệ sống giữa hai nhóm. Có 18,8% các cặp vợ chồng ở nhóm T thấp đã có trẻ sinh sống so với 27,5% các cặp vợ chồng ở nhóm T cao; khác biệt ý nghĩa thống kê OR = 0,6 (0,36 - 1); p = 0,05.

Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của testosterone đối với sinh sản nam, không chỉ với chức năng tình dục mà còn đối với chất lượng tinh dịch và cuối cùng là kết quả sinh sản. Tác giả nhấn mạnh cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chính xác từng ngưỡng T thấp và ảnh hưởng của chỉ số này đến từng thông số tinh dịch đồ.

Phạm Hoàng Huy – Chuyên viên phôi học IVFMD Phú Nhuận
Nguồn: Association between testosterone, semen parameters, and live birth in men with unexplained infertility in an intrauterine insemination population. Fertility and Sterility, 2019.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK