Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 12-05-2019 11:42am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Sẩy thai liên tiếp là vấn đề đáng quan ngại trong sinh sản, có đến 40% cặp đôi sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân. Vì vậy, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp là cực kỳ cần thiết. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI)- được đo bằng phần trăm tinh trùng bị sai hỏng DNA hiện diện trong mẫu tinh dịch xuất tinh có mối tương quan với sẩy thai liên tiếp.

DNA tinh trùng được nén chặt để bảo vệ bộ gen tinh trùng khỏi những tác nhân nội/ngoại sinh. Mặc dù phần lớn bộ gen tinh trùng được đóng gói chặt bởi protamine nhưng vẫn có một phần DNA được đặt ở vùng ngoại vi, liên kết lỏng lẻo với histone và dễ bị oxi hóa. Phân mảnh DNA tinh trùng có thể dẫn đến phát triển phôi bất thường sau khi hoạt hóa bộ gen của người bố. Thiếu protamine, ROS và thất bại trong sửa chữa sai hỏng DNA có mối tương quan với tăng phân mảnh DNA tinh trùng và sử dụng thuốc có chất chống oxy hóa hay điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể cải thiện vấn đề này.



Một hạn chế trong xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng là sự không nhất quán về các kỹ thuật xét nghiệm trong các nghiên cứu và do đó có kết quả nghiên cứu không đồng nhất với nhau. Các kỹ thuật chính dùng để đo phân mảnh DNA tinh trùng hiện nay thường được sử dụng như SCSA, TUNEL, SCD, Comet… Mỗi kỹ thuật khác nhau sẽ có quy trình đo và ngưỡng giá trị cut-off  khác nhau vì vậy đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng hiện nay vẫn chưa được thực hiện thường quy trong điều trị vô sinh hiếm muộn.

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp này được Dana B. McQueen và cộng sự thực hiện nhằm đánh giá mối tương quan giữa phân mảnh DNA tinh trùng và sẩy thai liên tiếp- được định nghĩa là đã sẩy thai  2 lần. Có 15 nghiên cứu tiến cứu được đưa vào phân tích, thực hiện trên tổng cộng 579 người nam trong nhóm nghiên cứu và 434 người trong nhóm đối chứng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy những người nam có vợ có tiền căn sẩy thai liên tiếp nhiều lần có chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng cao hơn hẳn so với những người đàn ông trong nhóm đối chứng.

Nghiên cứu này cho thấy có mối tương quan giữa phân mảnh DNA và sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên có sự không đồng nhất giữa các kết quả nghiên cứu do các bài nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau đồng thời không đưa được kết quả thai trong bài nghiên cứu.

Lê Thị Bích Phượng - Chuyên viên phôi học - IVFMD Phú Nhuận.
Nguồn: Sperm DNA fragmentation and recurrent pregnancy loss: a systematic review and meta-analysis. Fertility and Sterility. 10.1016/j.fertnstert.2019.03.003

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK