Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 06-02-2018 8:09am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Những phụ nữ thiếu i-ốt mức độ trung bình đến nặng có khả năng có thai ít hơn 46% so với những người có nồng độ i-ốt bình thường, đó là kết quả của nghiên cứu LIFE (Longitudinal Investigation of Fertility and the Environment), một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu trong dân số vừa được tăng tải trên tạp chí Human Reproduction. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên quan giữa việc thiếu i-ốt và cơ hội mang thai ở những phụ nữ mong con.

Ở phụ nữ mang thai, i-ốt là nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của não bộ thai nhi. Thiếu i-ốt cũng có thể gây sẩy thai hoặc thai lưu. Thiếu i-ốt mức độ nặng, mạn tính có thể gây đần độn, một tình trạng đặc trưng bởi chậm phát triển trí tuệ, câm điếc, co quắp tay chân, chậm phát triển thể chất, chậm dậy thì và các bất thường thể chất và thần kinh khác. Tuy nguy hiểm nhưng cách phòng ngừa rất đơn giản là bổ sung i-ốt qua một chế độ ăn cân đối hoặc bổ sung từ các thực phẩm chức năng hoặc thuốc.


Theo như Viện dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ, lượng i-ốt khuyến cáo cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú là từ 220 – 290 µg mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa có lượng khuyến cáo dành cho phụ nữ đang chuẩn bị mang thai. Nhằm trả lời cho câu hỏi: Liệu thiếu i-ốt có liên quan đến chậm có thai, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn và tuyển lựa 501 phụ nữ tham gia nghiên cứu trong khoảng thời gian hơn 5 năm. Mẫu nước tiểu của những phụ nữ tham gia nghiên cứu được thu thập vào thời điểm bắt đầu tham gia nghiên cứu để đo nồng độ i-ốt và thông tin liên quan đến hiếm muộn của từng người tham gia nghiên cứu cũng được khai thác. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều được hướng dẫn cách canh ngày phóng noãn để giao hợp tự nhiên trong vòng 1 năm. Kết quả có hay không có thai được xác định bằng một que thử thai kỹ thuật số tại nhà vào thời điểm quanh ngày hành kinh. Sau 1 năm, có 72% (332) người đã có thai, 42 người không có thai và những người còn lại quyết định rời khỏi nghiên cứu.

Tỷ lệ thiếu i-ốt là 44,3% trong dân số nghiên cứu và 25% trong số đó thiếu i-ốt mức độ trung bình và nặng (tỷ lệ i-ốt/creatinine <50 µg/g). Các nhà nghiên cứu sử dụng tỷ số chênh về khả năng có thai (fecundability odds ratio – FOR) để đánh giá khả năng có thai của một cặp vợ chồng trong một chu kỳ kinh nguyệt. Nếu FOR < 1 cho thấy cặp đôi này sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thai và ngược lại, FOR > 1 cho thấy thời gian có thai sẽ rút ngắn lại.

Trong nghiên cứu này, những phụ nữ thiếu i-ốt mức độ trung bình và nặng giảm 46% FOR so với những người phụ nữ có nồng độ i-ốt bình thường (p = 0,028). Tỷ lệ FOR hiệu chỉnh là 0,54 (KTC 95% 0,31 – 0,94).
Do bản chất thiết kế nghiên cứu nên nghiên cứu trên chưa thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa thiếu i-ốt và khả năng có thai. Tuy nhiên, đây cũng là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên quan giữa thiếu i-ốt và khả năng mang thai, mở ra hướng đi cho những nghiên cứu về sau.

BS Lê Khắc Tiến – Bệnh viện Mỹ Đức

Nguồn:
J L Mills, G M Buck Louis, K Kannan, J Weck, Y Wan, J Maisog, A Giannakou, Q Wu, R Sundaram, Delayed conception in women with low-urinary iodine concentrations: a population-based prospective cohort study, Human Reproduction, https://doi.org/10.1093/humrep/dex379
Iodine - Fact Sheet for Health Professionals. National Institute of Health. https://ods.od.nih.gov/factsheets/Iodine-HealthProfessional/.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Quản lý thai kỳ sau vỡ tử cung - Ngày đăng: 08-01-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK