Tin tức
on Thursday 25-01-2018 8:28am
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Bs Hê Thanh Nhã Yến
Phụ nữ mang thai cần được tư vấn phương pháp ngừa thai sau sinh và hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Trong các biện pháp ngừa thai, đặt vòng được đánh giá là đem lại hiệu quả tốt và mức hài lòng cao khi được áp dụng sớm sau sinh. Thực tế tỷ lệ đặt vòng tránh thai chứa nội tiết levonorgestrel (LNG-IUD) ngay sau sinh đang ngày càng gia tăng tại Mỹ. Mặt khác, chương trình nuôi con bằng sữa mẹ lại không mang đến kết quả khả quan. Theo thống kê tại Mỹ, 80% phụ nữ dự định cho con bú mẹ, tuy nhiên thực tế chỉ có 18,8% thực hiện được điều này. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu đặt LNG-IUD sớm có ảnh hưởng đến việc cho con bú mẹ so với đặt vòng muộn hơn hay không?
Để giải đáp vấn đề này, một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng được các bác sỹ tại Đại học Utah và Học viện khoa học Sức khoẻ New Mexico tiến hành trong thời gian hơn 2 năm từ tháng 2/2014 đến tháng 3/2016. Phụ nữ mang thai trong độ tuổi từ 18-40, nói tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha, dự định nuôi con bằng sữa mẹ và có nguyện vọng đặt vòng tránh thai chứa nội tiết sau sinh, được lựa chọn tham gia vào nghiên cứu. Phụ nữ không được tuyển vào nghiên cứu khi có những vấn đề như: sinh non, nhiễm trùng ối, băng huyết sau sinh, chống chỉ định sử dụng vòng chứa nội tiết hoặc có bệnh lý nội khoa không thể cho con bú mẹ. Đối tượng nghiên cứu được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: đặt vòng chứa nội tiết tại bệnh viện ngay sau sinh hoặc trong lần tái khám sau đó. Phụ nữ ở nhóm đầu được bác sỹ đỡ sanh đặt vòng trong vòng 30 phút sau pha sổ nhau, dưới hướng dẫn của siêu âm; còn nhóm sau được hẹn tái khám lúc 4-12 tuần để khám và đặt vòng. Các tác giả liên lạc với đối tượng qua điện thoại, tin nhắn, điện tín để ghi nhận thông tin về việc cho bú, loại sữa, thời gian ngừng cho bú. Tất cả phụ nữ đều được theo dõi đến 6 tháng và trả lời bảng câu hỏi cuối kỳ. Dữ liệu được phân tích dựa theo quyết định điều trị (intent-to-treat).
Trong thời gian nghiên cứu, tổng cộng có 132 đối tượng trong nhóm đặt vòng ngay sau sinh và 127 trong nhóm trì hoãn. Tỷ lệ đối tượng được ghi nhận có cho con bú mẹ tại thời điểm 8 tuần không nhiều hơn ở nhóm can thiệp ngay (79%; KTC 95%, 70-86%) so với nhóm trì hoãn (84%; KTC 95%, 76-91%). Phụ nữ trong 2 nhóm bắt đầu có sữa trong khoảng thời gian không khác biệt nhau, trung bình 64 giờ sau sinh. Có 24 trường hợp rơi vòng trong nhóm đặt ngay sau sinh, còn trong nhóm trì hoãn chỉ có 2 trường hợp. Tỷ lệ rơi vòng cao cũng được ghi nhận nhiều trong y văn đối với những trường hợp đặt dụng cụ tử cung sớm sau sinh. Trong nghiên cứu này, 71% phụ nữ bị rơi vòng đồng ý đặt lại sau đó và tỷ lệ hài lòng ở cả 2 nhóm tương đương nhau. Không có trường hợp nào thủng hoặc viêm tử cung trong nghiên cứu.
Điểm mạnh của nghiên cứu là thiết kế ngẫu nhiên, có nhóm chứng với phương pháp phân tích theo quyết định điều trị. Các tác giả cũng ghi nhận hạn chế về cỡ mẫu nhỏ và không ghi nhận thông tin về lượng sữa nên không thể đánh giá việc tiếp xúc với levonorgestrel sớm có thật sự làm giảm lượng sữa mẹ.
Như vậy, áp dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao và sớm ở phụ nữ sau sinh giúp hạn chế thai ngoài ý muốn và kết cục thai kỳ xấu do khoảng cách 2 lần mang thai quá gần. Việc cho con bú mẹ không khác biệt giữa nhóm đặt vòng ngay so với trì hoãn. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả kiến nghị đặt vòng tránh thai chứa nội tiết ngay sau sinh nên là một lựa chọn cung cấp cho phụ nữ mang thai ngay cả khi họ có dự định cho con bú mẹ.
Nguồn: David K. Turok, Immediate postpartum levonorgestrel intrauterine device insertion and breast-feeding outcomes: a noninferiority randomized controlled trial, AJOG, December 2017, 665.e1.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Dụng cụ tử cung chứa Levonorgestrel trong điều trị ung thư nội mạc tử cung nguy cơ thấp - Ngày đăng: 25-01-2018
Thay găng trước khi đóng bụng làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ xuống 50% trong mổ lấy thai. Hội nghị thường niên ACOG 2017. - Ngày đăng: 23-01-2018
Tổng quan hệ thống và phân tích gộp so sánh kẹp dây rốn sớm và muộn ở trẻ sinh non - Ngày đăng: 23-01-2018
Vai trò của Aspirin liều thấp trong dự phòng sinh non - Ngày đăng: 23-01-2018
Mối liên quan giữa nồng độ coenzyme Q10 trong dịch nang noãn với động học hình thái của phôi và tỉ lệ thai trong hỗ trợ sinh sản - Ngày đăng: 17-01-2018
Chẩn đoán và xử trí lâm sàng đối với các phôi khảm - Ngày đăng: 15-01-2018
Sự chênh lệch đường kính trung bình túi thai và chiều dài đầu – mông một dấu chỉ dự báo sẩy thai sớm sau thụ tinh trong ống nghiệm - Ngày đăng: 18-01-2018
Kisspeptine – Dấu chỉ sinh học mới giúp nhận biết sẩy thai - Ngày đăng: 09-01-2018
Sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân thường do phôi bất thường nhiễm sắc thể - Ngày đăng: 08-01-2018
Quản lý thai kỳ sau vỡ tử cung - Ngày đăng: 08-01-2018
Sự thay đổi nồng độ AMH trong giai đoạn sớm của thai kỳ có liên quan đến sinh non - Ngày đăng: 08-01-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK