Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 07-02-2017 2:03pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
TS. BS. Nguyễn An Nghĩa
Bộ môn Nhi – ĐHYD Tp.HCM

Những sang chấn tâm lý khi chứng kiến con mình bị bệnh phải nhập viện đủ để khiến bất kỳ bậc phụ huynh dễ tính nào cũng phải trở nên lo sợ, cáu bẳn, và thường thì họ sẽ trút những lo âu ấy lên điều dưỡng cũng như lên bác sĩ điều trị.  

Một nghiên cứu công bố vào ngày 10/01/2017 trên tạp chí Pediatrics đã cho thấy trẻ sơ sinh có thể nhận được sự chăm sóc tốt hơn nếu bố/mẹ trẻ cố gắng “hít một hơi thật sâu” và kiểm soát bản thân tốt hơn. Điều này được lý giải bởi kết quả của nghiên cứu, việc bố mẹ cư xử thô lỗ có tương quan thuận với những sai sót trong thao tác/thủ thuật chăm sóc trẻ của đội ngũ nhân viên y tế tại đơn vị chăm sóc tăng cường trẻ sơ sinh (NICU).

Theo bác sĩ Arieh Riskin, hiện đang làm việc tại Đại học Tel Aviv ở Israel, nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng tỏ việc tiếp xúc với các hành vi khiếm nhã dù rất ít cũng có thể gây ra những sai sót trong công việc có liên quan đến nhận thức, gây nên tình trạng kém sáng tạo và thiếu uyển chuyển, giảm những hành động mang tính giúp đỡ, xã hội hơn.
 

Nghiên cứu của Riskin là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc nhân viên y tế tiếp xúc với sự khiếm nhã do thân nhân bệnh nhi gây ra đã làm phương hại đáng kể đến công tác chăm sóc trẻ, đây cũng là điều mà tất cả chúng ta cảm nhận bằng kinh nghiệm trong quá trình làm việc hàng ngày.

Sự thô lỗ gây ra tác động xấu không chỉ trên chẩn đoán và can thiệp điều trị, mà còn trên những tiến trình cần phối hợp nhóm - chẳng hạn như chia sẻ thông tin và công việc, giúp đỡ và giao tiếp – vốn là những phần quan trọng trong chăm sóc bệnh nhi.

Trong nghiên cứu của Riskin, 39 nhóm nhân viên y tế tại NICU tham gia vào cuộc khảo sát bao gồm những tình huống mô phỏng chăm sóc trẻ sinh non và bệnh nặng. Các nhóm này được cho biết rằng họ sẽ tham gia vào một bài tập huấn luyện kỹ thuật để thảo luận trình diễn nhóm. Họ không biết được mục đích thật sự là nhằm đánh giá đáp ứng của họ với sự khiếm nhã.

Trong mỗi đợt, hai nhóm được chọn ngẫu nhiên để tham gia vào một trong hai kịch bản với sự tham gia của những diễn viên chuyên nghiệp, bao gồm một bà mẹ có những nhận xét khiếm nhã nhưng không liên quan đến nhân viên y tế hoặc một bà mẹ có những nhận xét trung lập.

Hai nhóm khác được chọn ngẫu nhiên để đầu tiên tham gia vào những bài tập mô phỏng trên máy tính hoặc những bài tập viết-và-thảo luận, vốn được thiết kế để giúp họ đối phó với sự khiếm nhã, trước khi tham gia vào kịch bản có bà mẹ khiếm nhã nói trên.

Những kịch bản được sử dụng là các tình huống khá thường gặp tại khoa NICU, chẳng hạn như điều trị trẻ vàng da nặng, sốc do xuất huyết nặng, hay suy hô hấp nặng, giảm lưu lượng oxy đến não.

Người quan sát sẽ đánh giá xem các nhóm có thể thực hiện nhiệm vụ của mình tốt ở mức nào trong việc chẩn đoán, đưa ra kế hoạch điều trị, chia sẻ thông tin, giúp đỡ thành viên gia đình bệnh nhi, và giao tiếp.

Kết quả cho thấy các nhóm tiếp xúc với những bà mẹ khiếm nhã đã thực hiện chẩn đoán, đưa kế hoạch điều trị, chia sẽ thông tin, và chia sẻ công việc kém hơn hẳn so với nhóm còn lại.

Các nhóm có làm bài tập mô phỏng trên máy vi tính, được thiết kế nhằm giúp họ hiểu và đối mặt với sự khiếm nhã trước khi đối mặt với tình huống thật, cho kết quả tốt hơn nhóm làm những bài tập thảo luận.

Ngoài hạn chế do mẫu nhỏ, điểm yếu của nghiên cứu trên còn nằm ở sự khác biệt của chính các nhân viên y tế khi thực hiện thao tác trong khảo sát so với thực tế lâm sàng.

Dù vậy, những kết quả cũng đã cung cấp các chứng cứ mới cho thấy sự khiếm nhã có thể tác động xấu không chỉ ở đối tượng hành động đó nhắm tới mà còn gây tác hại đến cả những đối tượng khác, cụ thể ở đây là nhân viên y tế và xa hơn nữa là các trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu cũng chứng tỏ rằng nhân viên y tế cần phải lưu tâm đến việc giao tiếp và học hỏi thế nào để có thể tôn trọng và hòa giải với những bệnh nhân khó khăn/nóng tính. Và ở phía ngược lại, thân nhân bệnh nhi cũng cần phải lưu ý việc kiểm soát cảm xúc của mình ngay cả khi chán nản và thất vọng.

(Nguồn: Medscape)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK