Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 31-01-2017 3:51pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Một nghiên cứu của các tác giả Ý, Pháp và Rumani cho thấy những phụ nữ trẻ tuổi bị lạc nội mạc tử cung (LNMTC) nặng giai đoạn 3, 4 vẫn có cơ hội có thai tốt sau phẫu thuật trong vòng 3 năm, bất kể dự trữ buồng trứng của họ trước mổ là tốt, bình thường hay giảm.

Nghiên cứu nhằm mục đích so sánh tỉ lệ có thai sau phẫu thuật trong mối liên quan với nồng độ AMH (antimullerian hormone) trước mổ ở những bệnh nhân bị LNMTC giai đoạn 3 và 4.

Đây là một nghiên cứu so sánh hồi cứu với dữ liệu được ghi nhận theo chiều tiến cứu dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu về các bệnh nhân bị LNMTC của vùng North-West Inter-Regional (CIRENDO).
 

Có 180 bệnh nhân bị LNMTC giai đoạn 3 và 4 và mong muốn có thai, được điều trị từ tháng 6/2010 đến tháng 3/2015. Những bệnh nhân này đến khám vì vô sinh hoặc đau vùng chậu, bị LNMTC thâm nhiễm sâu hoặc có u LNMTC ở buồng trứng lớn hơn 3 cm. Những phụ nữ chỉ bị LNMTC nông hoặc ứ dịch vòi trứng thì không được nhận vào nghiên cứu. Quy trình phẫu thuật để cắt bỏ u LNMTC ở buồng trứng được thực hiện với năng lượng ion hoá (plasma energy) kèm theo cắt bỏ nhiều vị trí khác nhau của tổn thương. Sự thụ thai sau phẫu thuật được định nghĩa là thụ thai tự nhiên hoặc sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bệnh nhân được chia thành hai nhóm theo nồng độ AMH trước mổ: Nhóm A (AMH ³ 2 ng/ml) và Nhóm B (AMH < 2 ng/ml). Xét nghiệm AMH được thực hiện trong vòng 1 đến 12 tuần trước khi thực hiện phẫu thuật và 2 tháng sau phẫu thuật. Nồng độ AMH trước mổ lần lượt là 4,3 ± 2,1 ng/ml trong nhóm A và 1 ± 0,5 ng/ml trong nhóm B (p < 0.001). Sau phẫu thuật, nồng độ AMH lần lượt là 3,4 ± 2,5 ng/ml và 1,2 ± 0,9 ng/ml (p = 0.001).

Đặc điểm bệnh nhân, triệu chứng trước phẫu thuật, tiền sử vô sinh, các phát hiện trong lúc phẫu thuật và khả năng có thai được ghi nhận và so sánh giữa hai nhóm.
Trong số 180 phụ nữ được nhận vào nghiên cứu, có 134 (74,4%) được phân bổ vào nhóm A và 46 (25,6%) được vào nhóm B. Tuổi của bệnh nhân trong hai nhóm lần lượt là 30 ± 3,8 và 32 ± 4,6 tuổi. Có 134 phụ nữ có thai sau đó (chiếm 74,4%), trong đó có 74 (55,2%) trường hợp là thai tự nhiên. Tỉ lệ thai trong nhóm A và B lần lượt là 74,6% (100 phụ nữ) và 73,9% (34 phụ nữ), trong đó thai tự nhiên lần lượt là 54% (54 phụ nữ) và 58,8% (20 phụ nữ). Khả năng có thai tại thời điểm 12, 24 và 36 tháng sau phẫu thuật trong nhóm A và B là tương đương, lần lượt là 65% (95% [CI], 55%–75%), 77% (95% CI, 86%–68%), và 83% (95% CI, 90%–75%) so với 50% (95% CI, 69%–34%), 77% (95% CI, 90%–61%), và 83% (95% CI, 94%–68%).

Phân tích thêm cho nhóm phụ nữ có nồng độ AMH bình thường (³ 2 ng/ml), thấp (1 – 1,99 ng/ml) và rất thấp (< 1 ng/ml) cho thấy mối quan hệ ngược giữa nồng độ AMH, tuổi và tiền sử sẩy thai; tuy nhiên, tỉ lệ có thai sau phẫu thuật là tương đương giữa 3 nhóm tại thời điểm 12 và 24 tháng, lần lượt là 59.5% (95% CI, 49.3%–70%) và 77.4% (95% CI, 68%–85.4%); 57.1% (95% CI, 34%– 83%) và 78.6% (95% CI, 55.2%–94.8%); 46.7% (95% CI, 25.6%–73.7%) và 73.3% (95% CI, 50.4%–91.7%).
Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá khả năng có thai sau mổ ở bệnh nhân bị LNMTC giai đoạn 3, 4 trong mối liên quan với nồng độ AMH trước mổ. Khả năng có thai sau phẫu thuật lạc nội mạc tử cung nặng (giai đoạn 3 và 4) là tương đương giữa những phụ nữ có AMH thấp và bình thường với độ tuổi trung bình là 30 tuổi.

Điểm mạnh chính của nghiên cứu này là việc thu thập dữ liệu theo chiều tiến cứu và theo dõi một cách cẩn thận, nên tỉ lệ bệnh nhân mất dấu thấp. Bên cạnh đó, phẫu thuật được thực hiện tại một trung tâm chuyên sâu duy nhất cho phép việc đo lường một cách tin cậy mức độ xử trí cẩn thận của phẫu thuật nhằm bảo tồn khả năng sinh sản.
Cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ có thể là một hạn chế trong việc phát hiện sự khác biệt về tỉ lệ thai và sinh sống giữa hai nhóm. Thiết kế hồi cứu cũng là một hạn chế có thể làm giảm độ mạnh chứng cứ của kết quả nghiên cứu.

Do phần lớn thai kỳ sau phẫu thuật là thai tự nhiên, với kết quả này, các nhà nghiên cứu đề nghị rằng phẫu thuật nên được lựa chọn cho những bệnh nhân trẻ tuổi bị lạc nội mạc tử cung nặng và có dự trữ buồng trứng giảm, với kết quả có thai khá tốt.

BS Nguyễn Khánh Linh

Nguồn: Emanuela Stochino-Loi et al. Does preoperative antimullerian hormone level influence postoperative pregnancy rate in women undergoing surgery for severe endometriosis? Fertility and Sterility 2016, In press.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK