Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 24-06-2016 8:43am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Bs Hê Thanh Nhã Yến
 


Phụ nữ mang song thai có nguy cơ sinh non và tử vong chu sinh cao hơn so với đơn thai. Mặt khác, khi dấu hiệu cổ tử cung mở được phát hiện qua thăm khám lâm sàng đồng nghĩa với nguy cơ sinh non tự phát tăng đến hơn 90%. Vấn đề đặt ra là liệu khâu cổ tử cung cho những phụ nữ mang song thai cổ tử cung đã mở có cải thiện được kết cục thai kỳ?

Nhằm giải đáp câu hỏi này, một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đã được tiến hành nhằm so sánh kết cục sinh của những trường hợp song thai không triệu chứng có cổ tử cung mở >= 1cm, chẩn đoán khi thai 16-24 tuần, được can thiệp khâu cổ tử cung hoặc theo dõi không can thiệp.

Từ năm 1997 đến 2014, dữ liệu của phụ nữ mang song thai được thu thập từ 7 viện trường. Những trường hợp có dị tật thai hoặc bất thường di truyền, giảm thai, tiền sử khâu cổ tử cung, song thai một bánh nhau-một khoang ối, hoặc có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, viêm màng ối, có chỉ định chấm dứt thai kỳ chủ động hay do chỉ định nội khoa bị loại khỏi nghiên cứu.

Sau khi sàng lọc, có 76 phụ nữ thoả tiêu chuẩn, được chia làm 2 nhóm khâu cổ tử cung (n=38) và theo dõi không can thiệp (n=38). Đặc điểm dịch tễ của 2 nhóm không khác biệt. Trong nhóm khâu cổ tử cung, có 29 đối tượng (76%) được điều trị indomethacin và 36 đối tượng (94%) được điều trị kháng sinh dự phòng. Các điều trị bổ sung này không có trong nhóm không can thiệp.

Kết quả ghi nhận thời gian từ lúc chẩn đoán cổ tử cung mở đến lúc sinh trong nhóm can thiệp là 10,46 ± 5,6 tuần so với 3,7 ± 3,2 tuần trong nhóm theo dõi, sự khác biệt được ghi nhận là 6,76 tuần (khoảng tin cậy 95%: 4,71-8,81).

Kết cục chính của nghiên cứu, có sự giảm có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ sinh non tại các thời điểm giữa nhóm khâu và không khâu: cụ thể < 34 tuần  (52,6% so với 94,7%; OR hiệu chỉnh: 0,06; KTC 95%: 0,03-0,34); < 32 tuần (44.7% so với 89.4%; ORhc, 0.08; KTC 95%, 0.03–0.34); <28 tuần (31.6% so với 89.4%; ORhc, 0.05; KTC 95%, 0.01–0.2); và <24 tuần (13.1% so với 47.3%; ORhc, 0.17; KTC 95%, 0.05–0.54).

Về tình trạng trẻ sơ sinh, các tác giả cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong chu sinh, tỷ lệ trẻ nằm đơn vị chăm sóc đặc biệt và các biến chứng nghiệm trọng khác trong nhóm được khâu cổ tử cung cũng thấp hơn nhóm theo dõi không can thiệp. Trong quá trình phân tích, tác giả đã hiệu chỉnh các yếu tố như chọc ối và sử dụng progesterone đặt âm đạo.

Từ kết quả nghiên cứu, có thể thấy việc can thiệp khâu cổ tử cung đặc biệt cho đối tượng phụ nữ mang song thai có cổ tử cung mở >= 1cm trước 24 tuần tuổi thai có liên quan đến việc kéo dài thai kỳ, giảm thiểu sinh non và sinh cực non cũng như những biến chứng nghiêm trọng trên trẻ sơ sinh non tháng.

Nguồn: Roman, Amanda et al., Cerclage in twin pregnancy with dilated cervix between 16 to 24 weeks of gestation: retrospective cohort study, American Journal of Obstetrics & Gynecology, June 2016, Volume 215, Issue 1 , 98.e1 - 98.e11.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK