Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 25-06-2015 8:43am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Nguyễn An Nghĩa
Bộ môn Nhi – ĐHYD TP.HCM

Tần suất hen suyễn cũng như dị ứng đang có xu hướng gia tăng trong vài thập niên gần đây đã làm gia tăng những thắc mắc về nguyên nhân của hiện tượng này.

Một giả thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải hiện tượng trên chính là “giả thuyết về vấn đề vệ sinh”. Tần suất hen suyễn và dị ứng gia tăng nhiều hơn ở các quốc gia đã phát triển đưa đến những gợi ý rằng chính việc giữ vệ sinh tốt hơn sẽ chịu một phần trách nhiệm. Giả thuyết trên cho rằng sự tiếp xúc của cơ thể với các thành tố và vi sinh vật ngoại lai trong giai đoạn đầu đời bằng một cách nào đó đã giúp hệ miễn dịch dung nạp với những yếu tố này. Ngược lại, thiếu đi những sự tiếp xúc này trong giai đoạn đầu đời có thể đưa đến những đáp ứng không mong muốn như dị ứng hay hen.


Giả thuyết trên chưa bao giờ được chứng minh một cách thuyết phục. Cũng chính vì mong muốn trả lời câu hỏi về mối liên quan giữa vấn đề vệ sinh với nguy cơ hen suyễn và dị ứng, BS Weber, hiện đang làm việc tại bệnh viện Nhi Dr von Hauner, Munich, Đức, cùng các cộng sự của mình, đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ trên 553 gia đình có trẻ nhỏ và theo dõi những trẻ này cho đến năm 11 tuổi. Trong nghiên cứu, một bảng câu hỏi đánh giá toàn diện nhằm thu thập các thông tin về vấn đề vệ sinh nhà cửa/cá nhân và các bệnh cảnh liên quan dị ứng ở lứa tuổi đến trường sẽ được cung cấp cho người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, bụi trên sàn nhà và trên nệm giường của trẻ sẽ được thu thập để tìm sự hiện diện của các vi khuẩn/các sản phẩm từ vi khuẩn.

Các kết quả chính thu được từ nghiên cứu cho thấy:
·         Vệ sinh cá nhân có tương quan nghịch với các phức hợp vi khuẩn trên sàn và nệm, trong khi đó, vệ sinh nhà cửa làm giảm đáng kể mức độ bụi nhưng lại không làm giảm các phức hợp vi khuẩn
·         Tiếp xúc với muramic acid (một thành tố vách vi khuẩn) liên quan với giảm tỷ lệ hen suyễn ở lứa tuổi đến trường.
·         Các nội độc tố tìm thấy trên nệm giường trong năm đầu đời có tương quan nghịch với chàm thể tạng và hen suyễn ở tuổi đến trường
·         Tuy nhiên, các tác giả không tìm thấy bất kỳ mối liên quan nào giữa khía cạnh vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh nhà cửa với tỷ lệ hen, chàm thể tạng, dị ứng, hoặc dị ứng theo mùa.

Những kết quả trên có vẻ như đã làm giảm giá trị của “giả thuyết về vấn đề vệ sinh”. Tuy vậy, nghiên cứu vẫn tồn tại một số điểm hạn chế. Theo các tác giả, quá trình theo dõi các trẻ tham gia nghiên cứu đã không hoàn tất đầy đủ việc thu thập dữ liệu (chỉ thu thập được 72% trẻ). Mặt khác, tất cả trẻ trên đều sống ở thành phố/ngoại ô của Munich, Đức. Phong tục và thói quen trong một cộng đồng tương đối nhỏ như thế có thể đưa đến những sai lệch khiến những kết quả thu được không chắc có thể đại diện cho tất cả những trẻ khác.

Các kết quả từ nghiên cứu đã cho thấy cần có nhiều sự quan tâm hơn về vấn đề này. Có lẽ cần thêm các nghiên cứu giúp so sánh những nhóm dân số từ các nước đã phát triển, với mức độ vệ sinh tương đối cao, với các nhóm dân số ở những nước kém phát triển hơn.

Nguồn:
http://www.medscape.com/viewarticle/845894?nlid=82557_455&src=wnl_edit_medp_peds&uac=131105SK&spon=9
Weber J, Illi S, Nowak D, et al., 2015. Asthma and the hygiene hypothesis. Does cleanliness matter?
 Am J Respir Crit Care Med 191:522-529
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK