Theo báo cáo của một nghiên cứu mới, mẹ sử dụng acid folic trong thai kỳ không liên quan đến các nguy cơ thở khò khè, giảm chức năng phổi, suyễn hay các bệnh dị ứng khác ở con.
Tiến sĩ Y khoa Carel Thijs, Khoa Dịch tễ học tại Đại học Masstricht, Hà Lan, cùng các đồng nghiệp đã báo cáo phát hiện này của họ trên trang trực tuyến Pediatrics ngày 20 tháng 6.
Theo các nhà nghiên cứu, mỗi ngày hấp thụ một lượng từ 200 đến 400 µg acid folic trong suốt thời gian mang thai sẽ làm giảm 23 – 78% nguy cơ dị tật ống thần kinh. Tuy nhiên, cho đến nay, một số nghiên cứu chỉ ra rằng acid folic có thể gây nguy cơ gia tăng hen suyễn ở con.
“Chúng tôi chưa thấy một nghiên cứu nào trước đây khảo sát về nồng độ ICF (intracellular folic acid: acid folic nội bào) ở cuối thai kỳ liên quan đến sự phát triển của bệnh hen suyễn và dị ứng ở con”, Tiến sĩ Thijs và các đồng nghiệp cho biết.
Để khảo sát thêm về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã đánh giá những dữ liệu tiền cứu về bệnh chàm và thở khò khè được thu thập trong nghiên cứu KOALA Birth Cohort (nghiên cứu The Child, Parent and Health: Lifestyle and Genetic Constitution ở Hà Lan). Cuộc khảo sát bao gồm 2834 người tham gia trả lời các câu hỏi ở thời điểm 3, 7, 12 và 24 tháng sau sinh; 4 đến 5 năm sau sinh; và 6 đến 7 năm sau sinh.
Những đứa con của những đối tượng được nghiên cứu được đo nồng độ immunoglobulin E đặc hiệu và tổng thể của bệnh viêm da dị ứng lúc 2 tuổi, của bệnh hen suyễn và chức năng phổi ở độ tuổi từ 6 đến 7 tuổi. Bổ sung acid folic trong thai kỳ được đánh giá, và ở 837 bệnh nhân, nồng độ ICF trong khoảng 35 tuần của thai kỳ cũng đã được đo.
Chế độ ăn uống cung cấp acid folic không được quan tâm, mặc dù gần một nửa phụ nữ ở Hà Lan bị thiếu acid folic trong chế độ ăn hằng ngày.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ thở khò khè, giảm chức năng phổi, hen suyễn hay mối quan hệ với dị ứng ở con có liên quan đến việc mẹ sử dụng viên acid folic bổ sung trong thai kỳ. Ngoài ra, nồng độ ICF trong thời gian cuối thai kỳ, về mặt liều lượng, có liên quan nghịch với nguy cơ hen suyễn ở độ tuổi từ 6 đến 7 (p=0,05).
Các nhà nghiên cứu cho rằng acid folic có chức năng như một chất cung cấp methyl và sự biểu hiện của một số gen nhất định (ví dụ: FoxP3, STAT4) cũng như sự biệt hóa tế bào điều hòa T là do tình trạng giảm methyl hóa của tế bào T nguyên thủy. “Yếu tố này có thể dẫn đến sự phát triển nhiều tế bào T-helper 1 và dẫn đến kiểu hình T-helper 1, điều này gợi ý rằng sự giảm methyl hóa có thể ngăn ngừa bệnh dị ứng đường hô hấp.”
Tuy nhiên, kết quả hiện nay “không xác nhận bất kỳ ý nghĩa liên quan nào giữa việc bổ sung acid folic trong thai kỳ với các bệnh dị ứng ở con. Nồng độ acid folic trong tế bào cao hơn trong thai kỳ, phần lớn, lại có xu hướng giảm nguy cơ bị bệnh hen suyễn.”
Nguồn: Maternal Folic Acid Not Linked With Asthma in Offspring - Pediatrics.
BS Nguyễn Thị Ngọc Hà
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...