Khi kích thích buồng trứng ở bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), các nhà lâm sàng thường lo ngại nguy cơ quá kích buồng trứng (QKBT). Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh của QKBT vẫn còn nhiều tranh cãi, việc điều trị chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm và điều trị triệu chứng. Do đó, dự phòng QKBT là điều hết sức quan trọng trước mỗi chu kỳ điều trị. Những biện pháp dự phòng hội chứng QKBT, đặc biệt ở những bệnh nhân PCOS hiện nay bao gồm sử dụng phác đồ antagonist, albumin truyền tĩnh mạch, các loại đồng vận dopamin và trưởng thành trứng non (IVM).
Timur Gurgan và cộng sự vừa công bố kết quả nghiên cứu một phương pháp dự phòng hội chứng QKBT bằng truyền tĩnh mạch calcium gluconate ở bệnh nân PCOS thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nghiên cứu này thực hiện trên 455 phụ nữ nguy cơ QKBT, trong đó 84 trường hợp được truyền calcium gluconate (nhóm I), 371 trường hợp còn lại thuộc nhóm chứng (nhóm II). Phác đồ sử dụng: 10ml calcium gluconate 10% pha trong 200ml nước muối sinh lý, truyền tĩnh mạch vào ngày chọc hút trứng, ngày 1, ngày 2 và ngày 3 sau chọc hút.
Kết quả cho thấy có 60 bệnh nhân trong nhóm không sử dụng calcium gluconate bị hội chứng QKBT (tỷ lệ 16,2%) trong khi chỉ có 3 bệnh nhân trong nhóm I bị hội chứng QKBT mà chỉ ở mức độ nhẹ, hoàn toàn không có QKBT nặng.
- Tỷ lệ làm tổ tương đương ở cả hai nhóm.
- Tỷ lệ thai lâm sàng nhóm I gần 40,5% và nhóm II là 28,8%.
- Tỷ lệ sinh sống nhóm I là 38,1% và nhóm II 24,8%.
Nhóm tác giả nghiên cứu kết luận rằng calcium gluconate có thể là biện pháp dự phòng hội chứng QKBT hiệu quả ở những bệnh nhân PCOS nguy cơ cao QKBT, có khả năng làm giảm tỷ lệ bệnh nhân QKBT khi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Giới hạn của nghiên cứu là chưa thực hiện định lượng nồng độ calcium, renin, prorenin và VEGF huyết thanh và chỉ sử dụng cho bệnh nhân có chẩn đoán PCOS. Tuy nhiên phương pháp này cần được bác sĩ lâm sàng xem xét ứng dụng vì hiệu quả, dễ sử dụng và chi phí điều trị thấp.
Nguồn: Timur Gurgan et al, Intravenous calcium gluconate as a novel preventive therapy of ovarian hyperstimulation syndrome for patients with polycystic ovarian syndrome, Fertility and sterility, Vol.96, No.1, July 2011
BS. Lê Tiểu My
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...