Một nghiên cứu mới đã ghi nhận các thay đổi của nồng độ lipid trong thai kỳ và mối liên quan của chúng với các nguy cơ bị biến chứng sản khoa. Phát hiện chính là nồng độ triglyceride cao có liên quan có ý nghĩa thống kê với sự gia tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.
Các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Be’er-Sheva, Israel, và Boston, Massachustetts, Mỹ, đã phân tích dữ liệu các ca sinh đơn thai từ tháng 1 năm 2000 đến tháng 2 năm 2006 và xác định tổng cộng 9911 phụ nữ có nồng độ lipid được đo vào một thời điểm nào đó từ 1 năm trước khi có thai đến 1 năm sau sinh, và những người này không mắc các bệnh tim mạch. Mục đích là nhằm thẩm định giả thu yết dựa trên các phát hiện của các nghiên cứu trước đó, rằng nồng độ cao triglyceride và nồng độ thấp HDL-C có liên quan đến nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.
Một nhóm so sánh bao gồm 31.646 phụ nữ sinh đơn thai trong cùng thời gian nghiên cứu và không bị các bệnh tim mạch, nhưng không được ghi nhận về nồng độ lipid máu.
Trong số 9911 phụ nữ, có 3058 người được đo nồng độ lipid trong năm trước khi có thai, 3983 người đo trong khi có thai và 2870 người được đo vào 1 năm sau sinh. Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 29,6 tuổi, hơi cao hơn so với nhóm chứng là 28,8 tuổi.
Những thay đổi của nồng độ lipid:
Khi vẽ sơ đồ nồng độ lipid theo thời gian, loại trừ những phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ và/hoặc tiền sản giật (còn lại 8700 người), các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nồng độ triglyceride, LDL-C và nồng độ cholesterol toàn phần vẫn ổn định trước khi có thai, giảm xuống vào tháng thứ 2 của thai kỳ, tăng rõ rệt lên đến đỉnh vào tháng sinh, sau đó giảm xuống gần nồng độ trước khi có thai trong vòng 4 tháng sau sinh.
Chẳng hạn, nồng độ triglyceride trung bình là 92,6 mg/dL trước khi có thai, giảm xuống thấp nhất là 77,4 mg/dL trong tháng thứ 2 thai kỳ, sau đó tăng lên đỉnh 238,4 mg/dL trong tháng sinh.
Nồng độ HDL cũng biến động với dạng tương tự như các loại lipid khác, nhưng đạt đỉnh hơi sớm hơn trong thai kỳ, vào tháng thứ 7, sau đó ổn định cho đến khi sinh.
Lipid và các biến chứng thai kỳ:
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tỉ lệ kết hợp của tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật xảy ra trong nhóm nghiên cứu là 12,2% (6,4% phụ nữ có tiểu đường thai kỳ và 6,3% có tiền sản giật). Đây là tỉ lệ kết hợp cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng là 8,8% (trong đó 4,2% bị tiểu đường thai kỳ và 4,4% bị tiền sản giật).
Để xác định mối liên hệ giữa nồng độ lipid và các biến chứng này, các nhà nghiên cứu đã chia các đối tượng nghiên cứu vào 3 nhóm:
- Nhóm có nồng độ thấp: dưới đường phân vị thứ 25 với tháng thai kỳ tương quan.
- Nhóm có nồng độ trung bình: trong đường phân vị thứ 25 đến 75.
- Nhóm có nồng độ cao: trên đường phân vị thứ 75.
Họ nhận thấy rằng nồng độ triglyceride trong thai kỳ có liên quan có ý nghĩa thống kê với nguy cơ biến chứng (p < 0,01). Tỉ lệ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật là 7,2% trong nhóm phụ nữ có nồng độ triglyceride thấp (đã điều chỉnh tuổi thai), tăng lên 19,8% ở những phụ nữ có nồng độ cao. Mối tương quan có ý nghĩa thống kê này vẫn tồn tại khi phân tích đa biến. Cholesterol toàn phần, LDL và HDL không thấy có tương quan có ý nghĩa thống kê với nguy cơ tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, vì những phụ nữ được xét nghiệm nồng độ lipid hơi lớn tuổi hơn so với những người không đựợc xét nghiệm, các kết quả này “có thể không khái quát một cách đầy đủ được cho tất cả thai phụ.” Họ kết luận rằng nồng độ cao triglyceride có liên quan đến các biến chứng trong thai kỳ, nhưng vẫn cần có các nghiên cứu tiền cứu để đánh giá mối liên quan giữa nồng độ lipid và các biến chứng thai kỳ một cách chi tiết hơn.
Nguồn: American Journal of Obstetrics & Gynecology 2009
BS. Nguyễn Khánh Linh
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...