Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 16-06-2009 8:20am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Kết quả của một nghiên cứu đoàn hệ trên thai phụ được báo cáo trên tờ Journal of Nutrition cho thấy tình trạng thiếu vitamin D có liên quan đến nhiễm khuẩn âm đạo, và mối liên quan này có thể góp phần vào sự khác biệt chủng tộc trong tần suất nhiễm khuẩn âm đạo.

“Nhiễm khuẩn âm đạo có tỉ lệ hiện mắc khá cao và góp phần làm cho thai kỳ diễn tiến xấu”, Lisa M.Bodnar, thuộc khoa sức khỏe cộng đồng của Trường đại học Pittsburgh, Pennsylvania, và cộng sự viết. “Vitamin D có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và có thể đóng vai trò trong nhiễm khuẩn âm đạo.”

Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định mối liên quan giữa tình trạng vitamin D ở mẹ và tỉ lệ hiện mắc nhiễm khuẩn âm đạo trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Phương pháp Nugent – nhuộm gram mẫu phết tế bào âm đạo được dùng để chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo. Trước 16 tuần tuổi thai, 469 người phụ nữ được nhận vào nghiên cứu được khám phụ khoa và đo nồng độ 25-hydroxy vitamin D [25(OH)D] trong huyết thanh.

Dựa trên chỉ số Nugent từ 7- 10, có gần 41% đối tượng trong nhóm nghiên cứu được chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo. Hơn phân nửa số phụ nữ (52%) có nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh thấp hơn 37,5 nmol/L. So với nhóm phụ nữ có phổ vi khuẩn âm đạo bình thường, nhóm phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo có nồng độ 25(OH)D trung bình không hiệu chỉnh trong huyết thanh thấp hơn (29,5 nmol/L; 95% khoảng tin cậy là 27-2.0 và 40,1 nmol/L; khoảng tin cậy 95% là 37.0-43,5; P<.001).

Khi nồng độ vitamin D tăng, tỉ lệ hiện mắc nhiễm khuẩn âm đạo giảm (P<.001). Tỉ lệ này xấp xỉ 57% ở những phụ nữ có nồng độ 25(OH)D huyết thanh thấp hơn 20 nmol/L, và 23% ở những phụ nữ có nồng độ 25(OH)D hơn 80 nmol/L. Mối liên quan liều lượng-đáp ứng được ghi nhận giữa nồng độ 25(OH)D và tỉ lệ hiện mắc nhiễm khuẩn âm đạo. Khi nồng độ 25(OH)D tăng lên 80 nmol/L thì tỉ lệ này giảm và không thay đổi ở mức 25(OH)D cao hơn.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố chủng tộc và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tỉ lệ hiện mắc nhiễm khuẩn âm đạo tăng 1,65 lần (khoảng tin cậy 95% là 1.01-2.69) và 1,26 lần (khoảng tin cậy 95% là 1,01-1,57) lần lượt ở nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh là 20 và 50 nmol/L.

Giới hạn của nghiên cứu này bao gồm số lượng đối tượng nghiên cứu có tình trạng vitamin D tối ưu còn ít, nghiên cứu được phân tích cắt ngang, có thể có những yếu tố gây sai lệch không được đo hoặc không xác định được, thiếu dữ liệu về nồng độ hormone cận giáp (PTH) hoặc các chỉ số chức năng khác phản ảnh tình trạng vitamin D.

“Cần có các nghiên cứu tiền cứu về tỉ lệ mới mắc nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm khuẩn kéo dài và nhiễm khuẩn tự khỏi để giúp chúng ta hiểu biết thấu đáo hơn về mối liên quan giữa Vitamin D và nhiễm khuẩn âm đạo”, các tác giả nghiên cứu kết luận. “Vấn đề quan trọng là cần nghiên cứu tác động của vitamin D trên các cơ quan cụ thể hoặc thăm dò chủng vi khuẩn gây bệnh, hơn là chỉ tìm hiểu về những ảnh hưởng của nhiễm khuẩn âm đạo trên thai kỳ. Nếu kết quả của chúng tôi trùng khớp với các nghiên cứu khác, thiếu vitamin D có thể góp phần vào sự khác biệt chủng tộc trong tần suất nhiễm khuẩn âm đạo và làm cho thai kỳ diễn tiến xấu.”

Nguồn:  Medscape

BS Nguyễn Thị Kim Thanh

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK