Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 30-11-2020 1:11pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH: Nguyễn Thụy Trà My - IVFAS

Tác nhân oxi hóa tế bào (ROS: reactive oxygen species) là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Việc gia tăng ROS có thể dẫn đến mất cân bằng oxi hóa (OS: oxidative stress), gây ảnh hưởng đáng kể đến sự toàn vẹn của DNA tinh trùng cũng như làm giảm tiềm năng thụ tinh của tinh trùng và noãn. Chất chống oxi hóa (Antioxidative) hoạt động như một gốc tự do nhằm loại bỏ bớt ROS và bảo vệ tinh trùng. Trong quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, việc sử dụng tinh trùng bị phá hủy bởi ROS có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị. Do đó, chất chống oxi hóa thường được chỉ định cho bệnh nhân trước khi điều trị vô sinh do yếu tố tinh trùng. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng chất chống oxi hóa trước khi điều trị TTTON thực sự cải thiện tỉ lệ điều trị.

Nghiên cứu của Treasa Joseph và cộng sự tiến hành khảo sát 200 cặp vợ chồng hiếm muộn do yếu tố tinh trùng. Nhóm can thiệp gồm 100 cặp vợ chồng, những bệnh nhân nam sẽ được sử dụng chất chống oxi hóa đường uống (vitamin C, vitamin E và Kẽm) trong vòng 3 tháng trước khi điều trị TTTON. Nhóm chứng gồm 100 cặp vợ chồng, bệnh nhân nam không sử dụng chất chống oxi hóa trước khi điều trị TTTON. Việc đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng sử dụng phương pháp TUNEL.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:
  • Về các kết quả lâm sàng: khi phân tích trên 200 cặp vợ chồng thì nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ thai lâm sàng (36% so với 26%), tỉ lệ trẻ sinh sống (25% so với 22%) giữa việc có hay không sử dụng chất chống oxi hóa trước khi điều trị TTTON. Tuy nhiên, khi phân tích trên 135 ca chuyển phôi thì tỉ lệ thai lâm sàng ở nhóm có sử dụng chất chống oxi hóa trước khi điều trị TTTON cao hơn nhóm chứng (54,7% so với 36,3%). Trong khi đó, tỉ lệ trẻ sinh sống lại không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm (39,1% so với 31%).
  • Về các chỉ số chất lượng tinh trùng: kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ, độ di động và hình thái không có cải thiện đáng kể giữa việc có hay không sử dụng chất chống oxi hóa trước khi điều trị hiếm muộn.
Việc sử dụng chất chống oxi hóa trước khi điều trị TTTON chưa thực sự hiệu quả trong cải thiện tỉ lệ thai lâm sàng cũng như tỉ lệ trẻ sinh sống. Hơn nữa, chất lượng tinh trùng cũng không có sự khác biệt giữa 2 nhóm. Trong tương lai, vẫn cần có những nghiên cứu RCT khảo sát về vai trò của chất chống oxi hóa ở nhóm vô sinh do yếu tố tinh trùng hay nhóm có nồng độ ROS cao bất thường trong tinh dịch.

Nguồn: Treasa Joseph, Mariano Mascarenhas, Reka Karuppusami, Muthukumar Karthikeyan, Aleyamma T Kunjummen, Mohan S Kamath, Antioxidant pretreatment for male partner before ART for male factor subfertility: a randomized controlled trial, Human Reproduction Open, Volume 2020, Issue 4, 2020, hoaa050, https://doi.org/10.1093/hropen/hoaa050
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK