Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 30-11-2020 12:52pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS. Lê Tiểu My

Doppler của động mạch rốn là một công cụ lâm sàng quan trọng trong theo dõi huyết động học thai nhi và đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi, đặc biệt ở những thai kỳ nguy cơ cao. Những trường hợp có biến chứng của rối loạn tuần hoàn nhau thai như thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, Doppler động mạch rốn có giá trị rất tốt trong dự đoán nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Doppler động mạch rốn thường được mô tả bằng chỉ số đập (PI) và thông tin định tính mất hoặc đảo ngược của dòng chảy cuối tâm trương (ARED). Dấu hiệu ARED là chỉ dấu của sự gia tăng trở kháng dòng chảy ở giường mạch nhau thai và có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong thai chết lưu trong tử cung và các kết cục chu sinh bất lợi. Một phân tích gộp của các nghiên cứu gần đây về thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung được chẩn đoán trước 34 tuần cho thấy nguy cơ thai chết lưu ở những trường hợp đảo ngược dòng chảy cuối tâm trương (REDF) cao gấp đôi so với những trường hợp mất sóng cuối tâm trương (AEDF). Tuy nhiên, các trường hợp AEDF và REDF thường đề cập chung trong các nghiên cứu do tỷ lệ của dấu hiệu này khá hiếm.

Một nghiên cứu đánh giá Doppler động mạch rốn ở thai giới hạn tăng trưởng cho thấy khoảng thời gian mất sóng tâm trương cũng là một yếu tố hữu ích trong dự đoán kết cục thai kỳ. Nghiên cứu thiết kế dạng mô tả hồi cứu, phân tích dữ liệu của khoảng 25000 ca siêu âm Doppler tại Thuỵ Điển. Tất cả các trường hợp có mất sóng cuối tâm trương trên Doppler động mạch rốn ở lần siêu âm cuối cùng trước sinh được tổng hợp, đánh giá khoảng thời gian AEDF tương ứng với tổng thời gian của chu kỳ tim (Ta/Ttot) và ghi nhận kết cục thai kỳ từ cơ sở dữ liệu chu sinh được quản lý tại địa phương hoặc hồ sơ bệnh án.

Tổng cộng có 170 trường hợp với 122 ca đơn thai (chiếm 72%) và 48 ca song thai (28%) được phân tích. Theo đó, kết cục thai kỳ được thống kê:
  • Tuổi thai trung bình lúc sinh khoảng 27 0/7 tuần (23 2/7 – 39 6/7 tuần).
  • Trọng lượng trung bình của trẻ lúc sinh 650g (320 – 3326g).
  • 15 trường hợp (9%) thai chết trong tử cung và 17 trường hợp (10%) tử vong sơ sinh.
  • Không có sự khác biệt cơ bản giữa Doppler động mạch rốn ở đơn thai và song thai tạo cơ sở cho việc đánh giá tỷ lệ Ta/Ttot trong tổng số mẫu nghiên cứu. Tỷ số Ta/Ttot trung bình ở nhóm thai chết lưu và thai sống là 0,42 (SD 0,08) và 0,34 (SD 0,08), p=0,002.
  • Ngưỡng cắt tỷ lệ Ta/Ttot 0,30 ở những trường hợp thai dưới 30 tuần dự đoán tử vong trong tử cung có độ nhạy 92% và giá trị tiên đoán âm 98% (AUC 0,74). Ước đoán tỷ lệ tử vong chung với ngưỡng cắt này có độ nhạy 83%, giá trị tiên đoán âm 85% (AUC 0,66).
Như vậy, nếu mất sóng tâm trương động mạch rốn kéo dài trên 30% chu kỳ tim dự đoán nguy cơ thai lưu trong tử cung, ngay cả khi thai <30 tuần cũng cần đưa ra quyết định can thiệp sản khoa. Kết quả này là thông tin đáng lưu ý đối với các nhà lâm sàng trong quản lý và theo dõi thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung.
 
Lược dịch từ: Extent of absent end‐diastolic flow in umbilical artery and the outcome of pregnancy- UOG November 2020. https://doi.org/10.1002/uog.23541
 
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK