Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 04-06-2020 5:06pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Stress oxy hóa là một trong những nguyên nhân đáng kể gây ra sự phân mảnh DNA và có liên quan đến sự phát triển kém của phôi và sẩy thai tái phát. Hiện nay, tinh dịch đồ được coi là xét nghiệm phổ biến để đánh giá vô sinh nam. Tuy nhiên, phân tích này mang tính chủ quan, có mối tương quan yếu với vô sinh và không cung cấp bất kỳ thông tin nào về chức năng tinh trùng. Gần đây, việc đánh giá sự phân mảnh DNA của tinh trùng đã được thực hiện như một dấu hiệu đáng tin cậy hơn cho vô sinh nam, nhưng nó cũng có những hạn chế vì nó không giải quyết được những vấn đề về chức năng sinh lý và bệnh lý liên quan tới stress oxy hóa. Đánh giá stress oxy hóa trong tinh dịch có thể được thực hiện bằng phương pháp xét nghiệm ROS phát quang hoá học hoặc phương pháp ORP - Oxidation-reduction Potential. Xét nghiệm ROS phát quang hoá học đo ROS dựa trên phản ứng giữa luminol và ROS. Phương pháp ORP đo sự cân bằng oxy hóa khử giữa ROS và tổng chất chống oxy hóa (điện thế oxy hóa khử). Phương pháp ORP là một phương pháp đơn giản và hiệu quả hơn để xác định stress oxy hóa. Tuy nhiên, hai xét nghiệm đánh giá các khía cạnh khác nhau của stress oxy hóa, vì vậy việc xác định xét nghiệm nào có thể phù hợp hơn về mặt lâm sàng là cần thiết. Một số nghiên cứu cho thấy 2 phương pháp này có mối liên hệ giữa stress oxy hóa với thông số tinh dịch và phân mảnh DNA tinh trùng, nhưng cho đến nay, việc so sánh hai xét nghiệm vẫn chưa được thực hiện. Do đó, Sheryl T. Homa và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu so sánh hai phương pháp ROS phát quang hoá học và ORP để đánh giá stress oxy hóa trong tinh dịch nhằm xác định phương pháp nào mang tính dự đoán cao hơn về sự phân mảnh DNA tinh trùng và các thông số tinh dịch bất thường. Bên cạnh đó, bạch cầu là một nguồn chính của ROS và vai trò của bạch cầu trong vô sinh nam vẫn còn gây tranh cãi, do đó nghiên cứu thực hiện so sánh giữa các mẫu có bạch cầu và không có bạch cầu. 



Nghiên cứu thực hiện trên 520 nam giới. Tinh dịch đồ được thực hiện theo hướng dẫn của WHO 2010. Stress oxy hóa được đánh giá bằng cách sử dụng xét nghiệm ROS phát quang hoá học (ROS) hoặc phương pháp ORP (sORP). Sự phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) và tinh trùng chưa trưởng thành (HDS) được đánh giá bằng xét nghiệm cấu trúc nhiễm sắc chất tinh trùng (SCSA).

Kết quả cho thấy, có mối tương quan thuận giữa ROS và sORP (p = 0.0376). Bên cạnh đó, ROS và sORP có mối tương quan với DFI (p = 0.0002; p = 0,1043). Khi chia thành 2 nhóm có hoặc không có stress oxy hóa, sự phân mảnh DNA tăng đáng kể trong các mẫu stress oxy hóa được đo bằng ROS (p = 0,0052) hoặc sORP (p = 0,004). Khi xét mối liên quan giữa stress oxy hóa và thông số tinh dịch, kết quả cho thấy có mối tương quan nghịch giữa ROS, sORP với tổng độ di động, di động tiến tới, tổng số tinh trùng di động, tỷ lệ sống và hình dạng (ROS: 0.0012; 0.0013; 0.0001; <0.0001; 0.0053; sORP : 0.0002; <0.0001; <0.0001; 0.019; <0.0001). DFI có mối tương quan nghịch với độ di động (p <0,0001) và tỷ lệ sống (p <0,0001). Mối tương quan lớn hơn đối với sORP so với ROS. Bên cạnh đó, HDS không tương quan với tỷ lệ sống, nhưng tương quan nghịch với tất cả các thông số tinh dịch khác và mối tương quan cao nhất là giữa HDS và hình dạng (p <0,0001). Khi đánh giá dựa trên mẫu có thông số tinh dịch bình thường và bất thường, kết quả cho thấy, ROS (p <0,0001), sORP (p <0,0001), DFI (p <0,0089) và HDS (p <0,0001) tăng đáng kể trong các mẫu có thông số tinh dịch bất thường so với các mẫu có thông số bình thường. Các mẫu có bạch cầu đa nhân có nồng độ ROS vượt mức so với các mẫu không có bạch cầu (p <0,0001), nhưng sORP và DFI trong nhóm này không tăng đáng kể.

Nghiên cứu cho thấy, ORP là phương pháp có tương quan cao hơn với sự phân mảnh DNA tinh trùng và thông số tinh dịch, hỗ trợ cho quan điểm rằng đo điện thế oxy hóa khử là một công cụ mạnh hơn so với ROS phát quang hoá học để xác định trạng thái oxy hóa bệnh lý của tinh trùng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy không có bất kỳ sự khác biệt nào về sORP hay sự phân mảnh DNA trong các mẫu có hoặc không có bạch cầu. Kết quả này thật bất ngờ, khi bạch cầu là một nguồn đáng kể của ROS. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về việc liệu bạch cầu có góp phần vào sự phân mảnh DNA của tinh trùng hay không.

Nguồn: Sheryl T. Homa (2019). “A Comparison Between Two Assays for Measuring Seminal Oxidative Stress and their Relationship with Sperm DNA Fragmentation and Semen Parameters”, Genes, 10, 236, doi:10.3390/genes10030236.
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK