Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 03-12-2013 6:20am
Viết bởi: Administrator

kich-thich-trung-phat-trien-2Vương Thị Ngọc Lan(1), Vũ Nhật Khang(2), Nguyễn Thị Ngọc Nhân(2), Hồ Mạnh Tường(3)

(1)Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y Dược TPHCM

(2)Bệnh viện An Sinh, TPHCM

(3)Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM

ĐẶT VẤN ĐỀ

Khởi động trưởng thành noãn bằng GnRH agonist thay thế hCG ở những chu kỳ có nhiều nang noãn phát triển là một trong những cách dự phòng hiệu quả hội chứng quá kích buồng trứng. Chu kỳ sử dụng GnRH agonist để khởi động trưởng thành noãn có đỉnh LH nội sinh xảy ra sớm hơn và ngắn hơn so với đỉnh LH được tạo ra bởi hCG. Thông thường, chọc hút noãn được thực hiện vào khoảng 36 giờ sau tiêm hCG. Với đặc điểm khác biệt về đỉnh LH như vậy, thời điểm chọc hút noãn ở các chu kỳ được khởi động trưởng thành noãn bằng GnRH agonist được cho là phải khác hơn chu kỳ tiêm hCG. Nghiên cứu này nhằm khảo sát tác động của các thời điểm chọc hút noãn khác nhau trên tỉ lệ noãn trưởng thành và chất lượng noãn.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được kích thích buồng trứng (KTBT) bằng phác đồ GnRH antagonist có sử dụng GnRH agonist để khởi động trưởng thành noãn. Chọc hút noãn đã được tiến hành vào các thời điểm từ 31 giờ đến 37 giờ sau tiêm GnRH agonist. Kết cục chính gồm tỉ lệ noãn trưởng thành và tỉ lệ noãn có chất lượng kém ở các thời điểm chọc hút noãn khác nhau.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Từ tháng 01/2012 đến tháng 08/2012, có 365 chu kỳ được chọn, trong đó, 196 chu kỳ xin noãn, 169 chu kỳ không xin noãn. Các chu kỳ được phân tích theo thời điểm chọc hút noãn <36 giờ và ≥36 giờ. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về đặc điểm của người cho noãn và bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) giữa 2 nhóm chu kỳ chọc hút noãn <36 giờ và ≥36 giờ về tuổi, BMI, thời gian vô sinh, nồng độ AMH và AFC.

Bảng 1. Kết quả kích thích buồng trứng của các chu kỳ xin noãn và không xin noãn được phân tích theo thời điểm chọc hút noãn <36 giờ và ≥36 giờ

Xin noãn (n=196)

Không xin noãn (n=169)

<36 giờ (n=162)

≥36 giờ (n=34)

<36 giờ (n=148)

≥36 giờ (n=21)

Số noãn

14,2 ± 6,7

14,5 ± 5,7

17,4 ± 6,7a

22,6 ± 5,8a

Tỉ lệ noãn trưởng thành (%)

83,1

85,2

79,4

83,1

Tỉ lệ noãn chất lượng kém (%)

5,4b

14,1b

4,1c

7,9c

Số phôi

8,9 ± 5,2

9,5 ± 4,2

10,3 ± 5,4

12,2 ± 5,1

Số phôi tốt

3,9 ± 3,2

3,2 ± 2,4

4,4 ± 3,7

3,8 ± 3,2

Tăng progesterone ngày hCG
(>1,5 ng/ml)

40 (24,7%)

6 (17,6%)

55 (37,2%)

7 (33,3%)

a,b,c p<0,05

Tăng progesterone ngày hCG (>1,5 ng/ml)

bieudo_1

Biểu đồ 1. Phân bố tỉ lệ noãn trưởng thành theo thời điểm chọc hút

Bảng 2. Kết quả thai của các chu kỳ có chuyển phôi theo thời điểm chọc hút noãn ở cả 2 nhóm xin noãn và không xin noãn

Xin noãn (n=130)

Không xin noãn (n=151)

<36 giờ (n=108)

≥36 giờ (n=22)

<36 giờ (n=134)

≥36 giờ
(n=17)

Tỉ lệ thai lâm sàng (%)

41,7%

50,0%

32,1%

35,3%

Tỉ lệ thai ngoài tử cung (%)

1,9%

0,0%

0,7%

0,0%

Tỉ lệ sẩy thai (%)

5,5%

9,1%

10,4%

5,9%

Tỉ lệ đa thai (%)

13,9%

22,7%

9,7%

11,8%

BÀN LUẬN

Thời điểm chọc hút noãn và tỉ lệ noãn trưởng thành

Không có sự khác biệt giữa các chu kỳ chọc hút noãn trong khoảng thời gian từ 31 giờ đến 37 giờ sau tiêm GnRH agonist. Sinh lý trưởng thành noãn trong buồng trứng cho biết từ khi LH đạt nồng độ đỉnh đến khi có noãn trưởng thành MII là 24 giờ. Thời điểm chọc hút noãn sớm nhất trong nghiên cứu là 31 giờ sau tiêm GnRH agonist (tương ứng 29 giờ từ khi LH đạt nồng độ đỉnh) nên tỉ lệ trưởng thành noãn khá tốt và tương đương các nhóm khác.

Thời điểm chọc hút noãn và chất lượng noãn

Tỉ lệ noãn chất lượng kém được sử dụng như là một yếu tố đánh giá kết quả do tiêu chuẩn đánh giá noãn chất lượng kém rõ ràng và khách quan hơn noãn được đánh giá có chất lượng tốt. Tỉ lệ noãn chất lượng kém cao hơn ở các chu kỳ chọc hút noãn muộn ≥36 giờ so với <36 giờ, tuy nhiên, số liệu còn ít nên cần thêm nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn để chứng minh giả thiết này.

Ý nghĩa và hạn chế của nghiên cứu

Hạn chế của nghiên cứu là thiết kế nghiên cứu hồi cứu. Nghiên cứu bước đầu cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc xây dựng phác đồ lâm sàng, áp dụng GnRH agonist khởi động trưởng thành noãn.

KẾT LUẬN

Tỉ lệ noãn trưởng thành không khác biệt khi chọc hút noãn được tiến hành trong khoảng 31-37 giờ sau tiêm GnRH agonist để khởi động trưởng thành noãn. Tỉ lệ noãn chất lượng kém tăng khi chọc hút noãn muộn ≥36 giờ ở các chu kỳ xin noãn và không xin noãn.

Chúng tôi đề xuất thời điểm chọc hút noãn phù hợp cho các chu kỳ sử dụng GnRH agonist khởi động trưởng thành noãn là từ 31 giờ đến <36 giờ sau tiêm GnRH agonist. Cần thêm nghiên cứu với thiết kế chặt chẽ và cỡ mẫu lớn hơn để có kết luận chắc chắn hơn.


Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK